Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những người bắc “cầu kiều” thầm lặng

Tạp Chí Giáo Dục

Thảo (bìa trái) đang xếp quần áo cho trẻ em nghèo

Họ đến với bục giảng như một sự tình cờ. Không phải vì gánh nặng mưu sinh, cũng chẳng phải vì danh vọng, họ đến với học trò bằng sự cảm thông, chia sẻ mà không đòi hỏi gì hơn. Đó là những thầy cô giáo âm thầm bắc “cầu kiều” cho trẻ em nghèo cơ nhỡ…
Người đem ánh sáng văn hóa đến cho trẻ em nghèo
Năm 14-15 tuổi, mẹ mất, cô Phạm Thị Liêm, hiện là cán bộ Hội LHPN tỉnh Long An phải đi bán chuối chiên để tiếp tục được đến trường. Gánh nặng cơm áo sớm đè trên vai của cô học sinh nhà nghèo. Những điều không trọn vẹn trong cuộc sống của cô không biết từ bao giờ đã biến thành sự cảm thông, chia sẻ với những người bất hạnh. Nhiều năm liền, cô là thanh niên xung kích và gắn bó với những hoạt động từ thiện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Tuy vậy, cô vẫn không nguôi nỗi day dứt khi hàng ngày phải bắt gặp những đứa trẻ lang thang, không được đến trường. Các em đã quen với cơ cực, những đồng bạc lẻ, những câu văng tục trên đường phố trước khi để cho con chữ vào đầu, trước khi được nghe thầy cô giáo giảng bài “tiên học lễ hậu học văn”. Để có một lớp học tình thương cho trẻ em vào đời sớm, cô Liêm đã phải chủ động đến nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và những ngày đầu cô phải đi vận động từng trẻ em lang thang đến lớp. Học trò của cô, đứa bán vé số, đứa đánh giày, đứa phải phụ rửa chén bát trong các quán ăn. Có em đã 15-16 tuổi đầu nhưng chưa biết mặt chữ. Đến lớp học tình thương này, các em không chỉ được cô giáo cầm tay để nắn nót từng con chữ đầu tiên mà ngay cả tập vở, bút thước cô cũng đi vận động mạnh thường quân tặng cho các em. Nếu như ở các lớp học bình thường, khi bước vào lớp 1, tâm hồn các em vẫn còn là những tờ giấy trắng để đón nhận những bài học đạo đức đầu tiên, thì trẻ em ở lớp học tình thương của cô đã lăn lóc ngoài đời trước khi đến lớp. Cô Liêm không lấy làm lạ khi vào lớp học của cô vẫn còn nhiều em gây gổ, chọc phá nhau, thậm chí có em bị công an bắt đem vào trường giáo dưỡng. Lớp học tình thương, cô giáo tình nguyện lúc nào cũng chờ đợi bóng dáng học trò. Thế nhưng nhiều em học sinh trong lớp xóa mù của cô vẫn còn thờ ơ với tấm lòng ấy. Hôm nào thích thì các em đến lớp, không thích thì thôi. Có em mới học một thời gian đã bỏ học, không nản lòng, cô vận động em đi học lại bằng được và phải bắt đầu với em từ những bài học vỡ lòng. Từ lớp học tình thương đầu tiên của cô thành lập năm 1995, đến nay có hơn 100 em học sinh đã tốt nghiệp tiểu học. Mừng cho các em có được cái chữ, nhưng cô vẫn lo nghĩ nhiều vì trong số học sinh đã học xong những lớp học tình thương của cô, rất ít em theo hết chương trình phổ cập THCS.
Cô – người giáo viên thầm lặng – không có những Ngày Nhà giáo Việt Nam cho riêng mình, nhưng tình cảm của những đứa học trò nghèo làm cô thấy ấm lòng. Không có hoa hồng hay những món quà được bao gói cẩn thận, quà của các em tặng cô không gì hơn ngoài những trái sơ ri, trái táo đựng trong vạt áo. Quà của các em là những tiếng nói hồn nhiên: “Em không lên lớp đâu, lên lớp bỏ cô, em buồn lắm!”
Những người gieo hạt

Lớp phổ cập tin học của chùa Long Thạnh, nơi Thảo và Vân làm giáo viên tình nguyện (ảnh của chùa Long Thạnh)

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Và riêng tôi, tôi vẫn tin rằng lòng tốt là một thứ hạt mà những người gieo đi không đòi hỏi một mùa gặt bội thu cho riêng mình. Các nhân vật tiếp theo trong bài viết này cũng từng là những người gieo hạt, họ cần mẫn với công việc của mình – với những hạt giống vô hình.
Khi bước chân lên bục giảng, Võ Thị Thanh Thảo, sinh năm 1983 tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chỉ nghĩ một điều đơn giản là mình muốn san sẻ kiến thức cho mọi người. Từ đó, Thảo đã gắn bó với lớp phổ cập tin học tại chùa Long Thạnh hơn 5 năm. Thời đi học, Thảo là cô nữ sinh vui vẻ hoạt bát, luôn bày trò làm “khuấy động” không khí tĩnh lặng của lớp. Vậy mà lần đầu tiên được “đóng vai” cô giáo, Thảo lại thấy ngỡ ngàng vì bỗng nhiên mình trở thành trung tâm của cả lớp. Tất cả đều lặng im, chăm chú dõi theo từng lời, từng chữ của cô giáo. Mọi ánh nhìn đều hướng về phía cô như chờ đợi. Tự dưng, Thảo thấy mình bối rối, tay chân vụng về…
Mặc dù chưa qua bất kỳ một lớp học nghiệp vụ sư phạm nào, nhưng mấy năm dạy tin học miễn phí ở chùa, Thảo đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Thảo nói: “Những ngày đầu tiên đến lớp, mình phải giảng và nói rất nhiều. Nhiều khi đang thao thao bất tuyệt, lại bắt gặp ánh mắt học viên ngơ ngác như chẳng hiểu điều mình nói, vậy là phải nói lại, giảng lại theo cách khác. Hoặc đôi khi đang giảng, học viên thắc mắc, mình phải dừng lại để giải thích thật cặn kẽ. Thời gian đầu do phải nói nhiều nên mình thường hay khan tiếng. Sau này rút kinh nghiệm, mình tìm cách truyền đạt kiến thức thật cô đọng”. Nếu như trước kia khi dạy về cấu tạo máy tính, Thảo phải cho học viên ghi suốt cả buổi thì về sau, cô tháo rời từng bộ phận của máy tính ra để chỉ cho học viên biết thế nào là đĩa cứng, ổ đĩa mềm, RAM, ROM… Tin học là môn học chú trọng nhiều đến các kỹ năng, thay vì đứng trên bục giảng chỉ dẫn chung chung, Thảo chịu khó đi đến từng học viên chỉ cách thực hiện từng thao tác để họ nhớ bài sâu hơn. Mỗi khi kết thúc một học phần, thấy mọi người tiến bộ là Thảo rất vui. Điều Thảo vui nhất là lớp học của cô có nhiều người rất siêng học. Có lớp, hai cha con chở nhau đi học. Có lớp, chồng chở vợ đi học. Nhiều người lớn tuổi nhưng vẫn học hành rất nghiêm túc, rất ít khi vắng mặt. Khi thấy cô giáo đau họng, học viên mua kẹo cho cô ngậm. Ngày 20-11, tuy không có những món quà cao sang, nhưng những nụ hồng, những chiếc áo do cả lớp mua tặng khiến Thảo thấy ấm lòng.
Hơn 10 năm đem ánh sáng văn hóa đến cho trẻ em nghèo, trẻ đường phố và trẻ lao động sớm, cô luôn dặn lòng phải hết sức tế nhị và kiên trì mới cảm hóa được các em.
Cùng với Thảo và cô Liêm, Nguyễn Thị Hồng Vân, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, cũng đã tình nguyện làm giáo viên phổ cập tin học ở Thủ Thừa hơn 4 năm nay. Vân là một trong những giáo viên đắc lực ở lớp xóa mù của chùa Long Thạnh. Từ khi lớp phổ cập tin học ra đời, có nhiều thầy cô giáo đến rồi lại đi, chỉ riêng Vân và Thảo gắn bó với những lớp phổ cập này lâu nhất. Cô giáo tình nguyện dạy không có lương, vậy mà phải tốn tiền mua kẹo để học sinh thích đến lớp và ham học hơn. Ngoài việc tham gia lớp phổ cập tin học, Vân còn thường xuyên đi vận động các doanh nghiệp hỗ trợ cho những học sinh nghèo Trường THCS Mỹ Thạnh, nơi Vân công tác. Với những việc làm nhân ái của mình, Vân đã hai lần được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào chữ thập đỏ.
Dẫu chưa một lần được cấp bằng sư phạm, chưa một lần được vinh danh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhưng họ không chỉ là người “gieo” chữ mà còn gieo vào lòng học trò nghèo những hạt mầm nhân ái.
Ngọc Thuận

Bình luận (0)