TP.HCM là thiên đường của những người làm báo và… cả bán báo. Có đến hàng chục ngàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về TP mưu sinh bằng nghề bán báo. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của điện thoại thông minh, “đội quân” hùng hậu bán báo giấy trước đây giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay…

Mẹ truyền, con nối
Từ năm 2000 đến nay, những người thường xuyên đi trên đường Huỳnh Tấn Phát (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) đã quen thuộc với hình ảnh một sạp báo cách cổng Trường Tiểu học Lâm Văn Bền khoảng 500 mét. Đó là sạp báo của mẹ con anh Đỗ Long Hải (51 tuổi).
Anh Hải kể, nghề bán báo này là do mẹ truyền lại. Trước đây, mẹ anh bán báo ở quận Bình Thạnh. Số tiền kiếm được đủ để bà nuôi cả nhà mấy miệng ăn. Năm 2000, bà theo vợ chồng anh về thị trấn Nhà Bè sinh sống và đem theo nghề bán báo.
“Thời điểm đó, cứ 3 giờ sáng là tôi lên các tòa soạn ở quận 3, quận 1 để lấy báo. Ngày ấy báo nào cũng nhiều quảng cáo, tờ báo nặng trịch. Bởi vậy tôi cứ phải đi 2 chuyến, chuyến đầu thì chở nội dung, chuyến sau thì chở quảng cáo. Đem về nhà rồi mới lồng quảng cáo vào nội dung. Mẹ tôi thì bán ở sạp ngoài đường, còn tôi giao báo cho mối quen – có nhiều mối người ta lấy 3-4 tờ báo/ngày. Trước đây bán báo được lắm. Cả bán ở sạp và giao tận nhà, mỗi ngày lấy 5-6 trăm tờ cũng bán hết…”, anh Hải nhớ lại.
Khoảng 5-6 năm trở lại đây, mẹ anh Hải “rút lui” nhường sạp báo lại cho anh.
“Trước đây, cái sạp của tôi to lắm, vừa rộng vừa dài cũng hơn 3m2, tôi treo gần 20 đầu báo và tạp chí. Bên cạnh là một cái bàn nhỏ xếp đầy báo, rồi mấy chồng báo dưới đất. Ngồn ngộn báo vậy đó nhưng chỉ 3 tiếng (từ 5 đến 8 giờ sáng) là bán hết. Chưa kể cả trăm tờ báo giao tận nhà cho khách mối. Nhưng nghề bán báo hết thời rồi. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, bán ế lắm. Nhiều “đồng nghiệp” của tôi đã bỏ nghề. Lúc trước, xung quanh thị trấn Nhà Bè có cả chục người bán báo nhưng nay chỉ còn duy nhất tôi bám trụ với nghề. Vì số lượng báo bán ra còn quá ít, chỉ bằng 1/5 trước đây nên nay tôi không lên các tòa soạn lấy báo nữa mà lấy tại đại lý. Khoảng 4 giờ 30 sáng là tôi tới đại lý ở quận 4 lấy báo rồi về đây bán. Lúc trước khách quen, khách lạ, khách lớn tuổi, trung niên, thanh niên, học sinh gì cũng có nhưng bây giờ chỉ còn khách quen là mấy chú về hưu và mấy anh chị phụ huynh mỗi tuần ghé mua 1 cuốn tạp chí Nhi đồng hay Khăn quàng đỏ cho con là học sinh…”, anh Hải kể tiếp.
Cũng theo anh Hải, hiện nay anh chỉ bán 2 tạp chí Nhi đồng, Khăn quàng đỏ (do sạp báo gần Trường Tiểu học Lâm Văn Bền, Trường Tiểu học Lê Thị Ngọc Hân) và 5 đầu báo ngày là Tuổi trẻ, Người lao động, Pháp luật TP, Thanh niên và Sài Gòn giải phóng. Mỗi đầu báo cũng chỉ lấy 15-20 tờ/số. Nói chung mỗi ngày cả bán tại sạp và đi giao khách mối chỉ khoảng 70-80 tờ.
“Báo tôi lấy giá 5 ngàn đồng/tờ, bán 7 ngàn đồng/tờ nên mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 150 ngàn đồng, trừ tiền xăng xe đi lấy báo, giao báo thì còn hơn 100 ngàn. Từ 4 giờ 30 đến 8 giờ 30 kiếm được 100 ngàn đồng cũng chẳng bỏ bèn gì nhưng yêu nghề, rồi cũng còn khách quen nên cố bám trụ. Tôi sẽ bán báo cho đến khi không còn người mua…”, anh Hải nói.
Qua rồi thời hoàng kim của báo giấy
Nhìn cái giá sắt bé tẹo dựng sát chân cột điện trên đường Lê Văn Lương (gần ngã tư Lê Văn Lương – đường 15B, quận 7) treo lèo tèo vài tờ báo, ai cũng buồn cười, trông cứ như trò chơi trẻ con. Nhưng giá báo đó đã từng nuôi 3 đứa con của bà Lê Thị An (62 tuổi) khôn lớn.
Bà An lấy chồng ở An Phú Đông (quận 12). Trước đây bà làm lao công nên lương ba cọc ba đồng, cuộc sống gia đình khá khó khăn. Năm 2005, em trai bà (ông Lê Văn Tư – quận 7) nói: “Chị qua bên này bán báo, công việc chỉ cực chút buổi sáng nhưng cũng kiếm được tiền”. Thế là chưa tới 4 giờ sáng bà chạy xe máy từ quận 12 sang quận 7. Lúc này, ông Tư đã nhận báo từ đại lý bên quận 4 đem qua. Bà thì ngồi một chỗ để bán, ông Tư đi giao mối. Mỗi ngày từ 4 đến 8 giờ, hai chị em bán cả ngàn tờ báo…

“Mỗi năm đến mùa thi đại học, bán báo sướng luôn. Hồi đó, các báo đều có giải đề thi nên sáng sớm hôm sau chúng tôi đem báo tới các điểm thi để bán, phụ huynh, học sinh tranh nhau mua. Rồi các mùa bóng đá, mấy người mê bóng đá, người ta cũng mua quá trời. Hôm nào mà có Việt Nam đá và đá thắng thì không có báo để bán…”, bà An hào hứng kể lại thời hoàng kim của nghề bán báo.
“Trước đây bán báo nuôi được cả gia đình, nay nuôi thân cũng không xong”, ông Tư trầm ngâm.
Ông Tư kể, lúc trước, mỗi ngày ông giao báo cho khách mối lên tới cả trăm người, ai cũng lấy 2-3 tờ, có người còn lấy 5 tờ. Nhưng nay chỉ còn vài mối, không những thế các mối này còn giảm số lượng. Như tiệm vàng gần đây, lúc trước lấy 5 tờ nay còn 2 tờ…
“Bây giờ người trẻ, thậm chí cả người trung niên, người ta đều đọc báo mạng trên điện thoại. Báo giấy chỉ có mấy người già đọc, vì vậy số lượng báo bán ra mỗi ngày sụt giảm đáng kể. Hiện nay mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được 50 tờ. Khoảng 4 giờ sáng là tôi ngồi đây nhận báo từ đại lý rồi bán cho khách quen đi tập thể dục. Khoảng 5 giờ, chị tôi qua thì tôi đi giao cho khách mối. Khoảng 9 giờ là bán hết. Mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng nhưng cũng ráng giữ cái sạp báo vì toàn khách quen…”, ông Tư nói.
Giờ không thể sống được bằng nghề bán báo nên cả ông Tư và bà An đều kiếm thêm việc khác để làm.
“Khoảng 9 giờ sáng là tôi đi phụ người ta gói chả lá lốt để chiều họ nướng bán. Mỗi ngày tôi cũng kiếm được 150 ngàn đồng”, bà An tâm sự.
Cũng theo bà An, vì nghề bán báo đã từng nuôi sống gia đình bà, thậm chí nhờ đó mà bà có tiền nuôi con gái út học xong đại học nên dù nhiều người bỏ nghề, bà vẫn bám trụ. Bà chỉ nghỉ bán báo khi khách hàng nghỉ đọc báo giấy…
Hòa Triều
Bình luận (0)