Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những người cán bộ kiên trung

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Ngày 30-4-1975 đã trở thành mốc son vẻ vang của lịch sử cách mạng Việt Nam khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước trọn niềm vui. Dù thời gian đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng vẫn còn đó những con người bằng xương bằng thịt từng vào sinh ra tử vì một ngày non sông thống nhất.

Nhà giáo Ngô Triều Sơn (bìa phải) trước ngày đi B (ảnh nhân vật cung cấp)

Trưởng thành từ tuyên huấn

Năm 1953 trong đoàn con em vùng đất Bình Trị Thiên theo xe tập kết ra Bắc có chàng trai Ngô Văn Ý (tên thật của ông Ngô Triều Sơn). Với ông Sơn, ký ức ngày lên đường vẫn còn nguyên vẹn, ông kể: “Năm đó tôi tròn 17 tuổi vừa đậu Thành Chung của Trường Khải Định. Vốn là thầy giáo tiểu học nên ba tôi rất quan tâm tới chuyện chữ nghĩa của con cái”. Ra thủ đô, ông trở thành sinh viên lứa đầu tiên của chế độ dân chủ cộng hòa khi vào học Khoa Ngữ văn của Trường ĐHSP Hà Nội. Ra trường, sau 4 năm đứng trên bục giảng của Trường Bổ túc Công nông Đông Triều (Quảng Ninh) ông có tên trong danh sách đoàn cán bộ đi B năm 1964. Trong khi anh em tiếp tục vượt Trường Sơn tiến về miền Tây Nam bộ thì ông thuộc Chi 6 dừng chân tại vùng đất Bình Thuận. Bắt đầu từ đó, mảnh đất bom cày đạn xới này đã gắn bó với cuộc đời suốt 20 năm ròng để ông coi đây là quê hương thứ hai của mình. Cũng vì sống trọn một phần đời tại vùng đất Bình Thuận mà mọi gian lao vất vả đều được người cán bộ tuyên huấn này nếm trải khi ở vùng hậu cứ. Hai năm đầu chưa mở được lớp, chiến khu Phan Thiết trở thành nơi bí mật in ấn tài liệu, cung cấp báo cáo, công văn cho cơ sở. Những thầy giáo như ông trở thành công nhân xưởng in bí mật, từ chỗ xa lạ đến thuần thục việc chế dụng cụ in âm bản. Mỗi tài liệu ra đời dù nét mờ chữ vụng thấm không ít giọt mồ hôi nhưng đã đem lại những niềm vui khó tả giữa rừng sâu. Khi nghe tin mở lớp học, ai cũng vui nhưng lại mang theo bao nỗi lo vì thiếu trường và cả sách giáo khoa. Thế nhưng, do nhu cầu đào tạo cán bộ nguồn nên chỉ sau vài tháng những lớp học trong vùng tranh chấp đã mọc lên. Ông nhớ nhất là những lần tắm mưa trong rừng: “Biết cơn mưa đi nhanh nên ai cũng tắm vội vàng nhưng có người mới gội đầu thì trời tạnh bất chợt, không còn cách nào khác đành phải rung cành cây để xả bọt xà phòng”. Khi được hỏi chuyện về không khí những ngày giải phóng năm 1975, ông hồ hởi kể: “Lúc đó tôi là Phó ban Tuyên huấn tỉnh nên được lệnh chờ xe vào thị xã Phan Thiết để tiếp quản. Thế nhưng, đợi cả buổi sáng mà không thấy gì, đoán họ quá bận rộn nên tôi quyết định nhờ một người dân chạy xe 67 chở xuống Phan Thiết. Vì mới bị ném bom từ lúc sáng nên dọc đường đi cây cối ngã ngang, thế là hai người đành dẫn xe đi bộ nhiều đoạn”. Những ngày sau đó, ông vùi đầu vào công việc để tổ chức phát thanh, mít tinh tuyên truyền chính sách và  đường lối cách mạng cho các tầng lớp dân sĩ.

Sau khi làm việc ở văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận ông giữ cương vị Bí thư thị xã Phan Thiết, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Quyền Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận cho đến khi nghỉ hưu.

Ông Đinh Khắc Cần trong lần gặp đồng đội cũ (ảnh nhân vật cung cấp)

Ngục tù rèn thêm ý chí

Tròn 20 tuổi tập kết ra Bắc, ông Đinh Khắc Cần bước vào nghề dạy học bằng màu áo xanh người lính và đúng 10 năm sau trở thành người cán bộ công đoàn khi trở về Nam hoạt động. Dù trong hoạt động bí mật hay lúc bị giam cầm tù đày, ông vẫn trung thành với lý tưởng cách mạng với niềm tin sắt đá vào thắng lợi ngày mai. 

Bà con khu phố 4, P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM không chỉ biết ông là người anh ruột của Anh hùng Nguyễn Thành Trung, từng ném bom vào Dinh Độc Lập để góp phần làm nên chiến thắng 30-4 lịch sử mà còn biết ông là một cán bộ từng tham gia hoạt động nội thành giữa vòng vây nguy hiểm của quân thù.

Năm 1964, ngày lên đường vào Nam chiến đấu cũng là ngày ông chọn cho mình họ tên mới: Đinh Nam Hà (có ý nghĩa người con Nam bộ sống ở Hà Nội) trên cương vị là cán bộ công đoàn ngành giáo dục thuộc Tổng Công đoàn Việt Nam. Trước đó các cán bộ sĩ quan của Tổng cục Hậu cần đều kính trọng thầy giáo có giọng nói Nam bộ dạy đủ các môn toán, lý, hóa tại  Trường BTVH của Cục Văn hóa. Những năm làm thầy giáo trên đất Bắc là thời gian ông gắn bó với vùng đất Lệ Mật với những kỷ niệm thân thương của từng học sinh: “Hầu hết học viên đều là chiến sĩ, anh hùng quân đội nổi tiếng từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Lộc Văn Trọng… Riêng trường hợp liệt sĩ Tô Vĩnh Diện có tên trong danh sách lớp nhưng người anh hùng mãi mãi ở lại vùng Tây Bắc vì đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ” – ông xúc động kể. Là người của tổ chức công đoàn nên ông lại được Bộ Giáo dục điều động về tờ báo Người giáo viên nhân dân để tăng cường lực lượng cho Ban Biên tập. Là hạt giống của tổ chức công đoàn nên sau khi vào đến Trung ương cục, nhà báo – nhà giáo Đinh Khắc Cần được ghi danh vào Ban công vận để xây dựng tổ chức vận động công nhân bí mật mà đích ngắm là hướng vào vùng nội đô.

Sự kiện Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi anh dũng hy sinh đã châm ngòi nổ lớn cho phong trào đấu tranh công nhân đô thị Sài Gòn thêm rực lửa. Tổ chức công đoàn dần dần trở thành đường dây liên lạc đi về, vừa đưa thông tin của kẻ thù ra căn cứ vừa chuyển tải chủ trương của mặt trận đến với giai cấp tiên phong. Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1968, biết bao công việc phải làm để quyết đánh một đòn chí tử với quân thù. Cũng vì tăng cường hoạt động mà cuối năm 1967 nhiều anh em bị địch phát hiện vì thế ông Cần phải đi “lánh nạn” một thời gian: ông bị địch bắt đưa ra đày Côn Đảo cùng với nhiều cán bộ nội thành khác. Những ngày sống trong ngục tù, người chiến sĩ Cộng sản càng hun đúc lòng căm thù và sáng ngời thêm ý chí đấu tranh cách mạng. Năm 1973 sau khi được trao trả về đất liền dù sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn lao vào hoạt động để nối lại đường dây liên lạc của tổ chức Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Vùng đất Tây Ninh, Bình Phước, Củ Chi lại tiếp tục in dấu chân người thầy giáo “khoác áo” cán bộ công đoàn.

Vào những ngày cuối tháng 4-1975, đồng đội ông đã tiến sát lưng địch ngay xã Nhuận Đức (Củ Chi). Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới khắp nẻo đường trong ngày chiến thắng thì ông được lệnh về tiếp quản tổ chức công đoàn trên đường Lê Văn Duyệt. Đến lúc này ông mới gặp lại những đồng đội cũ từng được gài lại trong lòng địch. Niềm vui vỡ òa  cùng nước mắt, ai cũng mừng mừng tủi tủi chỉ biết ôm nhau mà chẳng nói nên lời.  

Nhà giáo Trần Cảnh Vinh (đứng) cùng đồng đội. Ảnh: N.Q

Món quà vô giá ngày giải phóng

Đối với ông Trần Cảnh Vinh, những ngày tháng tư lịch sử năm 1975, trong niềm vui chung của cả dân tộc đón chào ngày thống nhất còn có niềm vui riêng thật lớn lao khi bất ngờ gặp được người cha thân yêu giữa thành phố Sài Gòn sau hơn 10 năm cách biệt. Có thể coi đây là món quà quý giá nhất trong cuộc đời nhà giáo Trần Cảnh Vinh kể từ ngày vượt Trường Sơn vào Nam chi viện cho chiến trường.

Từ mảnh đất nắng gió Quảng Trị, chàng trai Trần Cảnh Vinh cùng với các anh, các chú ra Bắc tập kết với một niềm tin phơi phới sẽ có ngày trở lại quê hương của mình. Vì thế con đường học hành dù bao khó khăn nhưng Trần Cảnh Vinh đều vượt qua để trở thành sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi đứng trên bục giảng được 2 năm ở Nam Định, thầy giáo Vinh phải trao giáo án lại cho đồng nghiệp để về Nam hoạt động. Dọc núi rừng Trường Sơn, nơi nào cũng để lại cho ông nhiều dấu ấn khó quên. Cũng bắt đầu từ đây, ông gắn bó với ngôi trường H240 chuyên dạy văn hóa cho hơn 100 cán bộ trong quân ngũ ở vùng căn cứ Tây Ninh. Tiếng súng tiếng bom hàng ngày vẫn không khuất phục được những giờ học đầy niềm tin và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của trò và thầy trong những lán học giữa rừng. Sau ngày giải phóng, ông là người về Thủ Đức tiếp quản Trường Bổ túc công nông 2 ở P.Linh Trung. Khi trường lớp ổn định ông được cử học ở Trường Nguyễn Ái Quốc rồi về Trường THPT Hùng Vương giữ chức Phó Bí thư Chi bộ cho đến khi nghỉ hưu.

Mỗi năm gần đến ngày 30-4 lịch sử là ông nhớ tới câu chuyện người cha của mình đã lên chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội vào Sài Gòn để đi tìm đứa con trai đã ra đi từ 11 năm trước. Đưa một tấm hình hai cha con chụp chung sau ngày miền Nam giải phóng, ông Vinh bồi hồi kể lại: “Sau khi nghe tin miền Nam giải phóng, cả gia đình ở ngoài Bắc luôn mong tin tôi từng ngày, nhất là bố mẹ. Vì thế, sau khi đường bay từ Hà Nội và TP.HCM được thiết lập, ba tôi đã đăng ký để được bay ở những chuyến đầu chỉ mong gặp được tôi”. Ông nói: “Hôm đó tuy bố tôi không khóc nhưng tôi biết ông xúc động lắm và tôi càng hiểu được tấm lòng của cha khi nào cũng thương nhớ và lo lắng cho tôi. Ông đã có quyết định thật đúng khi vượt hàng ngàn cây số với chỉ một mục đích duy nhất là tìm cho được đứa con sau những ngày bom rơi đạn nổ, nay sống mai chết chẳng biết đâu”.

Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)