Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những người chuyên ngủ ở gầm cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Bữa cơm chiều của nhóm công nhân làm cầu Kinh Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM)
Các anh là công nhân cầu đường. Bắc những nhịp cầu nối bờ sông. Tôi nghĩ là mình may mắn khi có dịp được ngồi chung mâm với các anh, cùng nhấp môi chén rượu chuối, ăn bữa cơm quây quần nóng hổi đúng điệu Bắc giữa một đêm Sài Gòn mùa này hiếm hoi không mưa, lại có cả trăng. Ngồi trong lán được dựng sơ sài ngay dưới gầm cầu – cây cầu Kinh Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) mà các anh đang thi công dang dở. Bên cạnh phố ào ào là lượt, bắt đầu những cuộc chơi khuya. Rượu qua chén lại, ngoài kia là trăng gần lắm, sóng sánh trên mặt sông…
1. Lán được quây quanh bằng bạt xanh, lấy gầm cầu làm mái che, có khu nấu ăn với 2 bình ga đỏ ở một góc, bên cạnh là nơi tắm gội giặt giũ. Giường là những tấm ván ép ghép lại chắc chắn, trải chiếu cói lên. Trên đó, gối chăn màn mùng dồn vào một góc. Hai chiếc quạt treo tường quay suốt ngày. Lán còn được ngăn ra một ngăn nhỏ dành cho cô cấp dưỡng. Vì chỉ mình cô là phụ nữ… Nước dùng bằng cách câu từ nhà dân, điện cũng vậy. Dùng bao nhiêu cuối tháng tính tiền bấy nhiêu. Tôi đến đúng lúc các anh đang lục tục kéo nhau từ trên công trình xuống gầm cầu, kết thúc một ngày làm việc. Màu áo xanh, mũ vàng như những đốm sáng lóe lên trong chập choạng tối Sài Gòn. Những chàng trai trẻ măng, khuôn mặt sạm đen, da nhuộm màu nắng đầy phong sương, với đôi bàn tay gân guốc nhưng rắn rỏi. Các anh toàn là người đến từ miền Bắc.
Ăn ngủ ngay cạnh dòng sông nơi con nước lên xuống nhị kỳ, tối muỗi bay vào như ong vỡ tổ, nhất là sau một trận mưa rào, đốt đến sưng người, trưa cái nắng hầm hập như thiêu như đốt dưới những tấm bê tông cốt thép đổ ập xuống những cơn ngả lưng chập chờn, nhễ nhại mồ hôi, lúc mưa nước tạt vào như bụi… Nhưng những chàng trai trẻ lại tếu táo nói với tôi rằng, đâu phải ai cũng được sống như thế đâu, chỉ có dân cầu đường sống dưới gầm cầu thôi. Trong suốt buổi chuyện trò, không hề một tiếng thở dài, một lời than thở nào về cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, tạm bợ.
Lán lọt thỏm giữa giao lộ Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh, xe cộ qua lại như mắc cửi, các anh nói rằng ở đây ồn ào lắm, ồn ào nhiều khi phát bực. Khuya một hai giờ sáng còn có tiếng hú còi xe của gã trai nào đó rống lên, đâu đó các “anh hai” nhậu cụng ly zô zô tưng bừng, thỉnh thoảng tiếng cười gái đêm bay vào lả lơi mời gọi, tiếng rao xôi khúc, bánh giò, hủ tiếu gõ lách cách vỡ vào không trung, có hôm là tiếng cự nhau của đôi trai gái, tiếng nhạc khuya một quán cà phê nào đó mở muộn… Vậy nên chẳng cần ti vi làm gì cũng không thấy buồn.
2. Chàng trai trẻ nhất lán tên Phạm Ngọc Dũng, mới 25 tuổi, quê hương Năm Tấn Thái Bình. Vào Sài Gòn theo công trình từ năm 2010. Cả buổi tối, cứ rảnh ra là anh lại bám lấy chiếc điện thoại để “buôn chuyện” với người yêu. Anh khoe cô người yêu bé nhỏ của anh đang học ngoài Hà Nội, cũng xinh lắm nhưng xa xôi quá nên suốt ngày hờn giận. “Công việc ai muốn thế đâu. Mỗi lần về cũng tốn kém chục triệu bạc chứ ít gì nên mỗi năm chỉ Tết mới về thôi. Còn dành tiền cưới vợ”. Anh kể, ban đầu đi nhớ nhà lắm, giờ riết thành quen, không nhớ nhiều nữa. Nhưng hôm nào cũng gọi điện về, lúc nói chuyện với mẹ, khi nói chuyện với bố, lúc thì với cô em gái. Ngoài Bắc đang nắng nóng lại trúng vào vụ gặt, anh chỉ lo cha mẹ ngoài đồng, gửi tiền về kêu các cụ thuê người làm nhưng các cụ tiếc của, chẳng chịu.
Lém lỉnh nhất phải là anh chàng Ngô Văn Nam, 26 tuổi quê chiêm trũng Hà Nam. Vừa thấy tôi là Nam đã bắt anh em công nhân đè ngửa hai con ba ba đang tung tăng bơi trong… chậu nước ra làm thịt để “đãi người đẹp”. Tôi phải can mãi mới được. Anh chàng này cũng thâm niên 4 năm đi công trình, đến mức “nghe miền Tây là hình dung từng tỉnh một, mà về Bến Tre là đọc được tên rành rọt từng nhà một”. Tôi hỏi đã có người yêu chưa, Nam thừ mặt ra, nhấp chén rượu chuối hội rồi nói như trách: “Đi suốt, chẳng cô nào thèm yêu. Mà đi mới có tiền chứ. Nên giờ tiền cho cha mẹ giữ tất”. Rồi nghêu ngao câu ca sến vô cùng “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”! Sau lại quay sang khều tôi, nhà báo mà không chê thì mình yêu nhau đi… Má tôi nóng bừng, chẳng biết vì rượu chuối hột chếnh choáng hay vì lời tán tỉnh ngọt ngào từ một anh công nhân trẻ. Nam kể, Tết vừa rồi không về quê, chỉ gửi về cho cha mẹ chút tiền tiêu. Quanh quẩn ở thành phố cũng xong cái Tết. “Sống dưới gầm cầu thú vị lắm, chật vật chút nhưng ngay sát công trình cũng đỡ, làm ca đêm hay ca ngày cũng đều tiện cả” – anh chia sẻ.
Dân cầu đường lão làng trong lán là anh Nguyễn Đức Tuyên, người Lào Cai. Tuổi đời 30 mà tuổi nghề đã 12, chưa vợ con. Ngồi chung mâm, không thấy anh nói nhiều. Chỉ ăn, nhấp chén rồi lại đốt thuốc. Anh kể tỉnh nào anh cũng góp mặt xây cầu nhưng hễ rảnh là về thăm nhà. Cha mẹ cũng già rồi, anh lại là con một. “Cứ về là dẫn đi xem mặt, mệt lắm” – anh nói.
Cô Lê Thị Sáu 55 tuổi, quê miệt Mỹ Tho, Tiền Giang, là người Nam duy nhất trong cả lán trại. Đã 14 năm làm nghề cấp dưỡng đi theo công trình nên cô gắn bó, thông cảm và yêu thương các anh như con của mình. Cô sống ngay trong lán cùng các anh. Cô kể, chồng mất lâu lắm rồi, các con cũng trưởng thành có gia đình cả rồi, “chúng nó nói thôi má đừng đi làm nữa, ở nhà vui với các cháu. Nhưng tui không chịu, nghỉ một ngày về quê có việc là đã nhớ rồi. Hôm nào tui mà nghỉ là anh em chúng nó phải cử ra một đứa làm cấp dưỡng. Tội lắm”.
Ngày mới làm cô phải đi học nấu món ăn Bắc vài tháng trời. Vì người Bắc khẩu vị không ăn ngọt, không ăn cay quá. Rồi mất thêm cả năm trời mới hiểu hết được từ ngữ người Bắc dùng. Cái giỏ đi chợ thì gọi là cái làn, cái chén ăn cơm gọi là cái bát, bạc hà thì gọi là dọc mùng… “Giờ mỗi lần về quê, quen miệng nói con cái nhiều khi ngơ ngác, không hiểu má nói gì” – cô cười giòn tan kể.
3. Công trình Kinh Thanh Đa cũng đã gần 1 năm nay, còn gần 3 tháng nữa là hoàn thành. Đang trong giai đoạn thi công cuối nên các anh mới chuyển từ khu trọ thuê cũng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về gầm cầu này ở được hơn 2 tháng nay để kịp tiến độ. Bữa nào cao điểm, lán có tới 20 công nhân ở lại. Còn bữa tôi đến vào dịp cuối tuần, đêm lại không phải làm ca, công việc cũng thong thả, công nhân về hết với vợ con, bạn bè. Cả lán chỉ còn lại 3 chàng trai trẻ, một cô cấp dưỡng và tôi.
Khẩu phần ăn của các anh mỗi ngày 30 ngàn đồng/người, cô cấp dưỡng cứ thế mà chia ra. Sáng cô dậy từ 5 rưỡi, úp mì tôm trứng cho các anh. 7 giờ các anh vào làm. Trưa thì 10 giờ cô xách làn đi chợ gần cầu, hôm thịt, bữa cá, luôn luôn đủ chất. 11 giờ rưỡi các anh tan làm rửa tay chân rồi ăn trưa. Tối 5 giờ là cô sắng bữa. 6 rưỡi các anh có cơm ăn. Thỉnh thoảng mưa gió thì anh em hùn tiền vào nhờ cô làm đồ nhậu.
Nam khoe, rượu chuối hột là mẹ anh gửi từ Bắc vào. Thể nào tôi uống thấy đậm quá. Bữa tối tôi đến có thịt nướng, rau muống luộc, đĩa dưa muối và món lươn xào xả ớt mà cô Sáu đứng lên làm thêm để đãi khách. Cô uống nước ngọt, không uống rượu. Thành ra, cả mâm chỉ có 4 anh em tôi uống xoay tròn 1 chiếc ly. Thấy tôi chụp hình, Nam đang ở trần, với chiếc áo mặc vào, nói “nhìn cho nó tử tế”.
Trăng sáng, rượu ngà ngà, ngay ngoài kia phố ồn ào, xanh đỏ. Các anh hát những bài nhạc vàng rất cũ, mà tôi chỉ đế được vào mỗi câu “nếu con không về chắc mẹ buồn lắm…” mà rưng rưng. Dũng nói với tôi, em biết câu hát “bậu qua phà Rạch Miễu” không, cầu Rạch Miễu là bọn anh làm đấy” rồi khề khà ca. Trận mưa ban chiều còn để lại dư âm là những dấu bùn của bước chân các anh vương lại trên nền lán. Ngoài bờ sông, tiếng dế, tiếng ếch nhái vọng vào, rất rõ.
Khi trăng lên quá đỉnh đầu, tôi mới ra về. Rượu chuối hột mềm môi líu ríu chân. Các anh hẹn sẽ để dành ba ba cho hôm sau tôi đến. Chạy xe trên phố, không hiểu sao chỉ thấy vương vất những bàn tay sần sùi và khuôn mặt rạng ngời say sưa kể về công trình của các anh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Cô bán hàng nước ngoài cổng lán khen rằng các anh công nhân người Bắc làm việc chăm chỉ mà ngoan, công trình gần năm mà hổng thấy chơi bời đàn đúm gì. Các anh nói, buồn thì về lán nhậu, nhậu bên ngoài vừa đắt đỏ vừa phức tạp, không quen. 
 

Bình luận (0)