Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những người đi dọc Trường Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nhơ thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống ở Trường Sơn
Họ là những cô thanh niên xung phong (TNXP), quê ở các tỉnh miền Bắc xa xôi. Tuổi thanh xuân, họ khoác ba lô xẻ dọc cung đường Trường Sơn, có mặt tại các điểm ác liệt nhất của cuộc chiến. Ngày hòa bình, họ tình nguyện ở lại trên những cung đường ấy để chung tay cùng đồng bào xây dựng cuộc sống mới…
Trở lại đường Trường Sơn huyền thoại vào những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có cảm giác như được sống lại một thời hào hùng cả nước lên đường bảo vệ Tổ quốc. Bây giờ trên cung đường ấy, một sức sống mới đã bật lên mãnh liệt, dấu tích của chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là những cánh rừng bạt ngàn, những nương rẫy, ruộng lúa trĩu hạt, cơ sở hạ tầng với đầy đủ điện, đường, trường, trạm…
Cựu chiến binh Pả Hiên, nhà ở thôn Pa Hy, xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) phấn khởi nói: “Cuộc sống trên cung đường huyền thoại này giờ đã đổi thay nhiều nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống dọc dãy Trường Sơn. Điều đặc biệt, trong số đó phải kể đến những cô TNXP quê tận Thanh Hóa, Hải Dương… đã hy sinh tuổi thanh xuân vì hòa bình và nay lặng lẽ bám trụ để cùng đồng bào xây dựng kinh tế”. Theo lời của Pả Hiên, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Phòng, ở xã Tà Rụt.
Một thuở xẻ dọc Trường Sơn
Trong căn nhà nhỏ nép mình bên đường Trường Sơn, bà Phòng kể về những năm tháng lăn lộn mở đường đầy gian khổ mà tự hào. Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuộc xã Thành Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), năm 18 tuổi (1968), bà nhập ngũ, được phiên vào đơn vị TNXP C38 (Công trường 20, Ban 67) thi công, sửa chữa tuyến đường Trường Sơn ở Quảng Bình. “Nghĩ thân gái dặm trường, nên gia đình can ngăn nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ không cho tôi dừng lại ở đó. Tôi lặng lẽ viết đơn tình nguyện và đêm trước ngày lên đường, tôi để lại lá thư giãi bày tâm nguyện của mình với bố mẹ”, bà Phòng kể, “Vào hôm trước, hôm sau chúng tôi đã lăn ra mặt đường để vá lấp hố bom cho thông xe vào tiền tuyến. Làm ngày, làm đêm. Những cơn sốt rét rừng hành hạ đến xanh tái da nhưng dứt cơn sốt, chị em lại lao ra đường. Gần 10 năm lăn lộn để thông xe trên cung đường ấy, hy sinh, gian khổ lắm. Đồng đội sáng ra tập trung đông đủ, chiều về có khi vơi đi phân nửa. Nhưng lúc ấy, quyết tâm đánh đuổi giặc, trả lại bình yên cho quê hương là mục tiêu, động lực mạnh mẽ nhất giúp chúng tôi trụ vững. Đến năm 1976, sau khi hòa bình lập lại, tôi xuất ngũ, trở về nhà”.
Chỉ tay về phía con đường nhựa bóng loáng, bà Phòng nhẩm tính: “Ở xã Tà Rụt bây giờ còn có 7 chị em TNXP quê Thanh Hóa đang sinh sống. Một năm vài bận, chị em chúng tôi hẹn nhau về thăm quê. Mảnh đất này đã gắn với chúng tôi trong những năm tháng thanh xuân đến tận bây giờ, gần gũi như quê hương vậy”.
Rời nhà bà Phòng, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Nhơ, quê ở tận Hải Dương, nay ở xã A Ngo (huyện Đakrông), vừa lúc bà đi thăm lại chiến trường xưa với đồng đội cũ trở về. Rót vội cốc nước mời khách, bà bắt đầu kể về quãng thời gian tham gia chiến đấu trên tuyến đường này. “Năm 1971, khi vừa 16 tuổi, tôi vào TNXP, gia nhập Trung đoàn 515, Sư đoàn 473. Đó là cái Tết đầu tiên xa gia đình, ở tận Nghệ An. Ba ngày sau, Trung đoàn đi bộ vào Quảng Bình và xe của Trung đoàn H13 đưa vào ngã 3 đường 9 (Hướng Hóa, Quảng Trị)”, bà Nhơ nhớ lại. Những năm tháng đó, bà cùng đồng đội tham gia mở đường từ Hướng Hóa về thị xã Đông Hà, rồi ngược lên thị trấn Đakrông đi ngược vào xã A Ngo. “Hồi ấy, ngày cũng như đêm, chị em vừa mở đường mới, vừa đắp vá đường cũ bị bom cày xới”, bà Nhơ nói.
Ở lại với Trường Sơn

Sự đổi thay ở các bản làng bên cung đường huyền thoại
Chiến tranh xảy ra, đánh đuổi kẻ thù xâm lược không là nhiệm vụ của riêng ai. Các cô TNXP tuổi mười tám, đôi mươi cũng không ngoại lệ. Ngày hòa bình, họ xuất ngũ trở về quê hương, xây dựng hạnh phúc riêng tư khi nhiệm vụ chung đã hoàn thành là điều hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, với những cô TNXP trên cung đường Trường Sơn này, nhiệm vụ xây dựng cuộc sống mới nơi bị bom đạn giặc cày xới không còn là nhiệm vụ chung mà là mệnh lệnh trái tim của mỗi người. Bà Phòng nói: “Năm 1976, tôi được đơn vị cho xuất ngũ trở về, nhưng chục năm trời gắn bó với mảnh đất này rồi lại ra đi không đành. Sau khi về thăm quê, tôi xin phép cha mẹ cho trở lại nơi này để góp một chút công sức cùng bà con xây dựng cuộc sống mới”. Rồi bà trở lại thật. Không chỉ trở lại, bà còn kết duyên với một người Vân Kiều ở Tà Rụt để gắn bó đời mình dài lâu với mảnh đất này – nơi từng tấc đất, ngọn cỏ đều trở nên thân quen. “Ngày trở lại, nơi này chỉ là những mái nhà sàn xiêu vẹo. Cuộc sống bà con đói quay quắt. Bữa ăn dọn ra chỉ có muối ớt, rau rừng và sắn luộc”, bà Phòng cho biết. Cuộc sống ngặt nghèo cứ thế trôi qua cho đến năm 1996, chồng bà lâm bệnh qua đời. Những tưởng bà sẽ bỏ xứ về quê, nhưng tình yêu thương gắn bó với mảnh đất này đã níu bà ở lại. Nghĩ mãi rồi bà quyết định mở quầy tạp hóa buôn bán. Cuộc sống khấm khá dần lên. Bà bày cho bà con xóm làng cùng làm ăn. Bà nói: “Chiến tranh ác liệt là vậy, kẻ thù hung hãn là vậy mà mình còn đánh đuổi được nó. Cái đói nghèo, mù chữ không có cớ nào mình lại đầu hàng”. 
Có nhiều tiểu đội sau 2-3 năm từ 30 người còn lại chưa tới 10 người. Có trận bom một lúc vùi lấp đến 7 TNXP đang tuổi mười tám, đôi mươi. Họ vĩnh viễn nằm lại, hóa thân vào núi rừng, sông suối.
Đến từ một miền quê xa hơn, bên cạnh tình yêu dành cho mảnh đất này như bà Phòng, bà Nhơ gắn bó với nơi này bằng một lẽ khác. Đó là ở lại cùng đồng đội. Có nhiều tiểu đội sau 2-3 năm từ 30 người còn lại chưa tới 10 người. Có trận bom một lúc vùi lấp đến 7 TNXP đang tuổi mười tám, đôi mươi. Họ vĩnh viễn nằm lại, hóa thân vào núi rừng, sông suối. Bà Nhơ bảo: “Mình làm sao về được khi đồng đội còn nằm lại nơi này. Đây là đất, là nhà, là quê hương của đồng đội thì cũng là của mình”. Đó cũng là lý do, bao nhiêu năm qua, bà cùng người chồng tên Hồ A Tin – cũng là một người lính Trường Sơn – lặn lội khắp núi rừng tìm thi hài đồng đội…
Con đường đưa chúng tôi về xuôi dường như ngắn lại. Những cánh rừng xanh thăm thẳm, những mái nhà sàn vững chãi trước nắng mưa trên đoạn đường chúng tôi qua là minh chứng rõ nhất của sự hồi sinh sau gần 40 năm quê hương im tiếng súng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Gian khổ là điều có thật. Chữ nghĩa không lột tả được hết nỗi khổ ấy. Nhưng đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại những năm tháng đã qua, tôi nhận ra rằng, chỉ có tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước là sức mạnh vô biên giúp con người vượt qua tất cả để đánh bật kẻ thù”, bà Nguyễn Thị Nhơ nói. 
 
 

Bình luận (0)