Giữa thời bình, họ là những chiến sĩ lặng thầm nơi tuyến đầu để bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Họ không chỉ nỗ lực hết mình khi dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng trên địa bàn mà còn đi ngược vào tâm dịch để chia sẻ khó khăn, chung tay chống dịch cùng tỉnh bạn…
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng (bìa phải) dẫn đoàn lên đường “chia lửa” cùng Gia Lai trong những ngày cận Tết. Ảnh: PV
Đó là bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng (vừa vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ). “Với tôi và các anh em trong đoàn chi viện cho Gia Lai thì bây giờ mới là những ngày Tết thật sự”, bác sĩ Hồng chia sẻ.
Trước đó, cận Tết Nguyên đán 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng ở Gia Lai, bác sĩ Hồng cùng 7 y, bác sĩ của Đà Nẵng đã bỏ lại gia đình đi hỗ trợ tỉnh bạn. Bác sĩ Hồng nói: “Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát 2 lần tại Đà Nẵng, chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và các tỉnh bạn. Trong khó khăn dịch bệnh, công tác dập dịch cần nắm thời cơ thần tốc. Vì thế khi nhận được yêu cầu từ Bộ Y tế và Sở Y tế Gia Lai, Đà Nẵng lập tức thành lập đoàn gồm những y, bác sĩ giàu kinh nghiệm để lên đường. Tết xa gia đình, xa người thân đương nhiên có những niềm trăn trở nhưng nhiệm vụ chung tay phòng chống Covid-19 luôn được đặt lên hàng đầu vì bình yên của mọi người, vì đất nước. Gia Lai rất rộng, khi có dịch các y, bác sĩ về cơ sở phòng chống dịch Covid-19 nên đoàn y, bác sĩ Đà Nẵng hỗ trợ bạn trong việc truy vết, lưu hệ thống để quản lý F0, F1, F2… thực hiện xét nghiệm có kết quả nhanh để giúp tỉnh bạn kiểm soát, cách ly. Chia sẻ kinh nghiệm để các y, bác sĩ ở đây nắm bắt, làm việc có hiệu quả hơn. Đến mùng 2 Tết, khi dịch được khoanh vùng ổn định chúng tôi mới an tâm trở về Đà Nẵng. Đi trước về sau nhưng vui và hạnh phúc hơn khi dịch đã được khống chế”.
Trong ký ức của chị Đặng Thị Công – điều dưỡng trưởng Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Đà Nẵng cảm xúc khi ca bệnh cuối cùng của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được công bố khỏi bệnh, trở về nhà trong chị vẫn còn mới nguyên. Khoảnh khắc ấy hạnh phúc đến trào nước mắt. Hơn hai mươi năm công tác trong nghề y, chưa có thời gian nào chị cùng đồng nghiệp phải trải qua nhiều khó khăn và cảm xúc như năm 2020. Cao điểm vào tháng 7-2020, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang điều trị cho 285 bệnh nhân mắc Covid-19, đỉnh điểm bệnh viện điều trị thu dung cho 200 bệnh nhân. Chăm sóc và điều trị bệnh trong bộ áo quần bảo hộ, giữa tiết trời mùa hè miền Trung rực lửa với các y, bác sĩ ở đây còn hơn cả một cuộc chiến khốc liệt nhất.
Chị Công kể: “Hai tháng ròng rã ở gần gia đình mà không được về thăm chồng, con là rào cản không dễ gì vượt qua. Những lúc ấy chúng tôi nghĩ đến người bệnh nhiều hơn và niềm trông mong của người thân họ để có thêm động lực”.
Chị Công nhớ nhất là trường hợp sản phụ mắc Covid-19 sinh con ngay trong những ngày nằm viện. May mắn là em bé không mắc Covid-19 nhưng ai cũng lo lắng và thương. “Ngày hai mẹ con sản phụ khỏe mạnh về nhà, nguyên cả buổi chiều ấy tôi hân hoan lắm, cứ đi lên đi xuống cầu thang, nước mắt trào ra vì vui. Với tôi, đó là phần thưởng quý nhất của người làm nghề y”, chị Công tâm sự.
Chị Võ Thị Thoa – điều dưỡng Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng) cũng để lại nhiều tình cảm đối với bệnh nhân và người thân của họ. Đà Nẵng hai lần bùng phát Covid-19 trong cộng đồng thì cả hai lần chị Thoa có mặt trong ê-kíp tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19.
“Hồi hộp, thoáng một chút lo lắng nhưng bên cạnh luôn có Ban Giám đốc bệnh viện, trưởng, phó khoa và nhiều đồng nghiệp nên tôi an tâm, lấy sức khỏe của bệnh nhân làm động lực để thực hiện nhiệm vụ”, chị Thoa nói.
Hai đợt dịch, chị Thoa xa nhà suốt 4 tháng. Tháng 7-2020, dịch ở Đà Nẵng bùng phát mạnh, chị Thoa tăng cường tại Khoa Hồi sức Bệnh viện Phổi, chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 nặng. Mỗi ngày chị động viên tinh thần bệnh nhân, trấn an người thân của họ. Chị kể lại: “Suốt ca trực đều phải mặc bảo hộ, mồ hôi ướt sũng. Thấm mệt và nhớ gia đình nhưng không vì thế mà buồn hay sợ hãi. Dịch bệnh được đẩy lùi thì tất cả mọi người sẽ có cuộc sống an vui”.
Cả bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, điều dưỡng Đặng Thị Công và Võ Thị Thoa đều nói rằng, bằng khen và giải thưởng mà họ nhận cũng là phần thưởng của tất cả các đồng nghiệp đã cùng nhau đi qua một năm đặc biệt khó khăn vì dịch Covid-19. Họ hạnh phúc vì đã đóng góp công sức nhỏ bé để thành phố trở lại bình yên, cho học sinh đến trường…
“Tháng 3, ở Hải Dương, những đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp nữ vẫn đang chiến đấu chống dịch. Tôi muốn gửi đến các bạn lời chúc mừng thay những bông hoa cho Ngày Quốc tế Phụ nữ, các đồng nghiệp hãy tin: chúng ta sẽ chiến thắng”, chị Công nói.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)