Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

“Những người đưa đò” ở New Zealand

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải là những người thầm lặng với công việc đêm đêm soạn giáo trình, ngày ngày đứng lớp, người thầy (giáo viên, giảng viên) ở New Zealand được coi là một trong những người đa năng nhất. Được xếp hạng độ chuyên nghiệp thứ 4 thế giới (theo OECD, 2016), đội ngũ người thầy ở nước này đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của nền giáo dục tiến bộ phía Nam bán cầu.

Quốc Việt (đội nón) và các đồng nghiệp dạy cùng trường

Truyền cảm hứng học tập

“Ở New Zealand, giáo viên luôn hết mình truyền cảm hứng học tập cho học trò của mình” – đó là lời kể của Quốc Việt, cựu sinh viên ĐH Auckland và hiện đang là giáo viên môn toán tại Trường Trung học Takapuna Grammar ở New Zealand – “Bạn sẽ yêu thích môn học ngay từ buổi đầu tiên vì giáo viên luôn có một câu chuyện hay để kể đằng sau mỗi chủ đề, ngay cả trong môn toán. Như khi học về hệ số góc của đường thẳng, tôi lấy ví dụ trong cuộc sống hằng ngày hệ số góc thể hiện độ dốc của ngọn đồi, thường được ghi trên biển báo đặt bên đường trước khi bạn lên đồi. Ngay lập tức, học sinh của tôi hiểu tại sao các em cần phải học hệ số góc và nó được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống thực”.

Những người thầy ở New Zealand giúp học sinh – sinh viên tìm thấy ý nghĩa thực sự sau mỗi bài học. Họ còn đặc biệt giỏi trong việc đánh thức ham muốn tìm tòi, khám phá của đối tượng này. Bùi Nam Khánh (sinh viên ĐH Victoria Wellington) chia sẻ: “Mình rất thích phương pháp học tập và giảng dạy ở đây vì sinh viên có quyền phát biểu ý kiến của riêng mình và được thầy cô lẫn các bạn tôn trọng. Ở trường, các ý kiến thể hiện quan điểm riêng không có cái đúng cái sai. Vấn đề là mình có đủ luận điểm để chứng minh, bảo vệ quan điểm đấy hay không. Và mỗi lần bạn bảo vệ được quan điểm của mình, các thầy cô sẽ đánh giá rất cao”.

Tấm gương về đổi mới và sáng tạo

Giáo dục New Zealand coi trọng tính sáng tạo và sự đổi mới, điều này được thể hiện ngay trong giáo trình dạy của mỗi người thầy. Với đặc quyền được tự biên soạn giáo trình, người thầy tùy vào từng lớp học sẽ có cách tiếp cận bài vở linh hoạt, phù hợp nhất với học sinh – sinh viên lớp đó. Đặc quyền này đã giúp họ đặt chân lên mảnh đất màu mỡ của sự sáng tạo. Ví dụ, trong bộ môn sinh học, thay vì chỉ học qua lý thuyết hay hình ảnh trong sách giáo khoa, các học sinh – sinh viên có thể sẽ được thầy cô dẫn ra đảo chim để trực tiếp tìm hiểu nghiên cứu về tập tính các loài chim.

Rất nhiều cộng đồng tại New Zealand được xây dựng để thầy cô đóng góp tiếng nói, chia sẻ ý tưởng dạy học của mình. Tiêu biểu là The Mind Lab, một phân nhánh của Học viện kỹ nghệ Unitec vừa tung ra chiến dịch Faces of Change, nơi người thầy có thể chia sẻ đoạn video về ý tưởng thay đổi phương pháp giảng dạy của riêng họ, nhằm giúp học sinh – sinh viên sẵn sàng cho tương lai không ngừng thay đổi trong thời đại công nghệ số.

Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu

New Zealand được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu về nghiên cứu trên thế giới. Chỉ riêng 8 trường ĐH công lập – là nhà của hơn 27.000 nhà nghiên cứu (chiếm khoảng 70% tổng số nhà nghiên cứu tại New Zealand) – mỗi năm đã thu về khoảng 500 triệu đô la thông qua việc thương mại hóa các công trình nghiên cứu của mình. 

Người thầy tại New Zealand đều là những nhà nghiên cứu hàng đầu

Hầu hết người thầy tại New Zealand, đặc biệt là giảng viên khối giáo dục ĐH đều là những chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Với lối tư duy cởi mở, không ngừng cập nhật xu hướng mới cùng kinh nghiệm dày dặn về nghiên cứu, những người thầy ở đây đã dẫn dắt sinh viên của mình thực hiện thành công nhiều nghiên cứu giá trị. Các công trình “chất xám” này góp phần phát triển các ngành công nghiệp tại New Zealand và nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như trở thành nguồn tư liệu quý giá cho việc đào tạo hơn 43.000 sinh viên tốt nghiệp tại xứ Kiwi mỗi năm.

Cầu nối giữa lớp học với thế giới bên ngoài

Ngọc Mai (sinh viên ngành quản trị du lịch nhà hàng khách sạn tại Queenstown Resort College) chia sẻ: “Các thầy cô thường dẫn chúng mình “bỏ trốn thành phố”, đi thực tế ở rất nhiều nơi, học hỏi những điều bên ngoài sách vở hay khám phá lịch sử, đất nước con người Kiwi. Như trong lớp học về resort, chúng mình được thầy cô dẫn đến một trong những khu resort bậc nhất New Zealand để có thêm cái nhìn cận cảnh về cách vận hành và quản lý một khu resort”. Người thầy ở New Zealand chính là cầu nối quan trọng giữa lớp học với thế giới bên ngoài. Điều này được thể hiện trong cả cách giảng dạy với nhiều trải nghiệm thực tiễn lẫn sự chủ động kết nối các doanh nghiệp bên ngoài với sinh viên. Ngoài giờ lên lớp, họ còn dành thời gian gặp gỡ các doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội thực tập cho sinh viên cũng như nghiên cứu nhu cầu của thị trường lao động để xây dựng chương trình học phù hợp nhất.

Quốc Việt chia sẻ: “Quá trình trở thành giáo viên ở New Zealand khá phức tạp, không những giáo viên phải có bằng ĐH, ít nhất một chứng chỉ về giảng dạy bậc trung học cùng khả năng tiếng Anh tốt, họ còn phải có vốn hiểu biết sâu sắc về sự đa dạng văn hóa ở nước này và biết cách ứng dụng chúng vào công tác giảng dạy chuyên nghiệp”.

Khó là thế nhưng tại sao quốc gia này vẫn thu hút nhiều nhà giáo dục hàng đầu thế giới đến đây nghiên cứu và giảng dạy? Câu trả lời nằm ở chính sách giáo dục cởi mở và môi trường sống an toàn, lành mạnh của xứ Kiwi. Bộ giáo dục New Zealand hằng năm trao tặng rất nhiều học bổng cho giáo viên trau dồi chuyên môn của mình. Mặt khác, chính sách tại các trường cũng rất hỗ trợ thầy cô trong quá trình giảng dạy. Nhờ những quan tâm thiết thực, đội ngũ giáo viên đã không ngừng cống hiến vào sự nghiệp “trồng người”, trở thành thỏi nam châm thu hút hàng trăm ngàn du học sinh quốc tế đến học tại New Zealand.

Ngọc Thanh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)