Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người đưa tiếng Việt sang Lào

Tạp Chí Giáo Dục

Ở cái tuổi căng tràn nhiệt huyết thanh xuân, nhiều bạn trẻ ở Quảng Trị với tình yêu nghề giáo, đã tình nguyện mang con chữ Việt sang đất nước Lào để dạy cho con em Việt kiều ở đất nước triệu voi. Lặng thầm và nhẫn nại, những con chữ phía bên kia biên giới, những bài hát, điệu múa đậm bản sắc Việt được nối tiếp thắp lửa trong trái tim những người yêu nguồn cội.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ (thứ 4 từ phải sang) “trồng” tiếng Việt trên đất bạn Lào

1.Trở về sau hành trình 3 năm gieo chữ trên đất Lào, cô giáo Nguyễn Thị Huệ bảo, đó là những ngày tháng đầy trải nghiệm của tuổi trẻ và hạnh phúc khi được góp chút công sức mình cho những con em Việt kiều trên đất bạn không quên mặt chữ cội nguồn. Huệ bảo, 3 năm trước, khi vừa tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị, đang công tác tại Huyện đoàn Triệu Phong thì thấy thông tin Sở GD-ĐT tỉnh tuyển tình nguyện viên sang Lào dạy tiếng Việt. Vốn có niềm đam mê nghề giáo, Huệ không ngần ngại thuyết phục ba mẹ và làm đơn xin đi. Năm học 2014-2015, cầm tờ quyết định tuyển dụng trên tay, cùng trách nhiệm Trưởng đoàn giáo viên tỉnh Quảng Trị sang tỉnh Savannakhet (Lào) dạy học, Huệ vui không ngủ được. “Ngày đầu mới sang lạ nước lạ cái, em gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mình chưa am hiểu nhiều về tiếng Lào, còn học sinh đa phần con em Việt kiều và một số là con em người Lào nên không thành thạo tiếng Việt lắm. Thế là mình vừa dạy vừa phải học thêm từ đồng nghiệp, từ phụ huynh và tự tìm tòi để trau dồi thêm”, Huệ nói. 3 năm, kể từ mùa mưa đầu tiên khi Huệ đặt chân đến ngôi trường Tiểu học Thống Nhất (tỉnh Savannakhet), cùng với 10 đồng nghiệp tình nguyện ở đây, nhiều thế hệ học trò của trường tiểu học này đã đánh vần tròn chữ Việt, thậm chí còn tham gia các hội thi vở sạch, chữ đẹp tiếng Việt, hát múa dân ca, hát Quốc ca… “Mỗi lần nghe các em cất lên tiếng hát bằng giọng quê hương đất nước mình, em thấy ấm lòng và hạnh phúc lắm. Dù nước bạn có ngày tôn vinh nhà giáo vào 7-10 hàng năm, nhưng đến 20-11, nhiều học trò mang hoa đến tặng cô. Những lúc đó vui đến ứa nước mắt”, Huệ bộc bạch.

Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị về việc tuyển giáo viên tình nguyện sang dạy học theo nhu cầu của Hội Người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet – Lào, từ năm 2008 đến 2016, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã cử 73 giáo viên sang giảng dạy bậc mầm non, tiểu học và THCS cho con em Việt kiều tại Lào. Mỗi giáo viên tham gia nhiệm vụ giảng dạy trong thời gian 3 năm học. 

2.Không riêng Huệ, với mỗi người tình nguyện mang con chữ đến với trẻ em bên kia biên giới đều có chung niềm cảm xúc, tự hào. Cô Lê Thị Bảo Vy, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Savannakhet) kể lại: “Nguyễn Trãi là ngôi trường vùng khó, không có nhiều đồng nghiệp cùng quê như ở Tiểu học Thống Nhất. Ngày em đến, trường chỉ có 1 người Việt đang giảng dạy, thêm em nữa là 2. Mùa mưa ở Lào kéo dài rất lâu và mưa thâm trầm lắm. Ở đây cũng không có nhiều bạn giỏi tiếng Việt nên buổi đầu cũng thấy hơi buồn. Cũng may khi đang theo học đại học em có quen nhóm bạn sinh viên Lào, học hỏi từ họ nên cũng có kha khá vốn tiếng Lào để giao tiếp. Đi qua khó khăn ban đầu, nhìn thấy những chú bộ đội Lào dẫn con đến học tiếng Việt, trong lòng thấy phấn chấn hơn, yêu nghề hơn”, Vy nhớ lại.

Còn với Trần Thị Thanh Huyền, giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Thống Nhất chia sẻ: “Ngày đầu mới sang em cũng rất lúng túng trong việc lên kế hoạch giảng dạy, bởi hầu hết học sinh kiều bào không biết đến khăn the, áo đóng, chưa hề được tiếp xúc với làn điệu dân ca, rồi điệu múa nước bạn cũng khác nước mình… Mặc dù vậy các em rất thích và ham mê học hỏi các bài hát và điệu múa tiếng Việt. Mỗi lần nghe các em cất tiếng hát bằng chất giọng lơ lớ về những bài hát như “Cô và mẹ”, “Bụi phấn”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng”… Em thấy rất tự hào”. Một động lực nho nhỏ khác để Huyền tiếp tục thời gian 2 năm phía trước là những gói thực phẩm, gạo, muối do ba mẹ tiếp tế hàng tháng qua những chuyến xe khách gửi qua.

3. Không dừng ở việc dạy tiếng Việt, dạy âm nhạc Việt, các em học sinh ở Savannakhet còn được các giáo viên người Việt tổ chức các hoạt động khác như hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu lịch sử Việt Nam; kể chuyện về Bác Hồ; ủng hộ đồng bào lũ lụt. Hàng năm học sinh ngoan ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và Tiểu học Thống Nhất đều được kết nạp đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, đeo khăn quàng đỏ. 3 năm nghĩa vụ trở về, khoảng thời gian ấy so ra chưa dài nhưng đủ để những con chữ tiếng Việt mà Huệ, Vy, Huyền và rất nhiều người khác nữa ra đi từ miền đất lửa Quảng Trị trong 8 năm qua đã nảy mầm xanh trên đất bạn, để không chỉ các thế hệ con em Việt kiều nhớ về nguồn cội mà còn có rất nhiều con em nước bạn thông thạo tiếng Việt, gắn kết tình hữu nghị keo sơn!

Bài, ảnh: Phan vĩnh Yên

Bình luận (0)