Bài cuối: 24 giờ “đứng gác”
Anh Nguyễn Thành Thảo (phải) và đồng nghiệp trên “vọng gác” |
Ngày nắng, đêm mưa gió bão bùng… Người đứng gác không được phép vắng mặt ở “vọng gác” của mình. Vì tinh thần trách nhiệm, người “đứng gác” còn đối mặt với những hiểm nguy khó lường…
Từ trên “vọng gác”
Nhiều ngày liền, tôi rong ruổi đến các công trình xây dựng lớn ở nhiều quận, huyện ngoại thành để tìm nhân vật, tôi mới biết có hai dạng người “đứng gác”. Thứ nhất, người “đứng gác” bên trong công trình, có trách nhiệm bảo vệ tài sản, kiểm tra công nhân có mang tài sản gì của công trình ra ngoài hay không. Thứ hai, người “đứng gác” ở bên ngoài công trình có nhiệm vụ canh gác, phát hiện kẻ gian và sẵn sàng hỗ trợ những người “đứng gác” bên trong khi có kẻ gian đột nhập. Người “đứng gác” bên ngoài thường là người của địa phương (công trình thuê mướn lực lượng dân phòng, công an viên… của xã, phường) để làm công việc này.
4 giờ chiều, mưa lất phất, tôi cho xe dừng lại bên lề đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), nơi có một “vọng gác” vừa được dựng lên. “Vọng gác” được dựng từ giàn giáo, mặt sàn là những thanh gỗ vụn, loang lổ. Các mặt của “vọng gác” được che bởi lá dừa nước trống huơ trống hoắc. Mưa mỗi lúc càng nặng hạt, tôi xin phép được leo lên “vọng gác” để trú mưa. Một thanh niên lắc đầu không đồng ý. Một đồng nghiệp của anh ta liền giãi bày: “Anh mà trèo lên là nó sập ngay đó, hồi nãy định tìm sắt gia cố lại nhưng vì mưa lớn quá. Cũng đến giờ đi “tuần” rồi, nó xuống rồi anh leo lên cho nhẹ bớt”.
Người thanh niên ấy tên Nguyễn Thành Thảo, làm ở Xã đội Phước Kiển được công trình này thuê “đứng gác”. Hì hục mãi, tôi cũng leo lên được nhờ sự trợ giúp của anh Thảo. Chưa kịp ngồi bỗng cơn gió thốc mạnh, “vọng gác” lắc lư chênh vênh. Tôi có cảm giác như “vọng gác” đã bị hỏng chân. Có lẽ anh Thảo nhận ra sắc mặt thất thần của tôi nên đã trấn an: “Thấy vậy chứ không dễ đổ đâu, mấy bữa trời chuyển mưa, gió lớn lắm nhưng chẳng xi nhê gì, anh yên tâm đi”. Anh Thảo nói thì tôi nghe vậy chứ từ mặt đất đến sàn của “vọng gác” cao khoảng 3 mét, đã vậy “vọng gác” chỉ được gá trên nền đất lún.
Sao không dựng kiên cố hơn? Tôi hỏi. Anh Thảo trả lời như cố ý khoe: “Cái này là “sáng kiến” của anh em, mượn được giàn giáo và tự thiết kế chứ có ai làm cho mình đâu. Trước đây, công trình chỉ cho mượn chiếc ghế và tấm bạt để phòng lúc nắng, mưa. Có “vọng gác” rồi đỡ nhiều lắm”.
Tôi đến một công trình khác trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7. Ở đây, “vọng gác” cao với 4 trụ sắt to, sàn và sườn được hàn, lắp ráp bằng đinh vít, mái che rộng. Hôm tôi vừa đến cũng là lúc “vọng gác” vừa tiếp nhận ca trực mới, đó là ca trực của anh Nguyễn Thanh Thắng. Tiếp tôi, anh Thắng có vẻ dè chừng. Tôi luôn miệng giải thích, anh Thắng bảo: “Anh thông cảm, hôm trước cũng có người đến đây, bắt chuyện với tôi và nhận người quen đã gặp ở đâu đó. Nhưng đó là kẻ xấu dàn cảnh, đánh lừa tôi để đồng bọn nó lẻn vào trộm thùng sơn. Cũng may anh em công nhân phát hiện kẻ lạ mặt và tri hô, lúc này mới lộ nguyên hình kẻ trộm”.
Hôm ở “vọng gác” của anh Kiên, tôi đang loay hoay với chiếc túi xách bị vướng dây vào thanh sắt kiềng hình chữ V thì nghe: “Nó chạy về hướng rạch Bàng, tóm nó ngay”. Tiếng hô hoán phát ra từ chiếc máy bộ đàm của anh Kiên. Tiếp nhận thông tin, từ trên “vọng gác” ở độ cao hơn 2 mét, anh Kiên nhảy phóc xuống đất một cách nhẹ nhàng và đuổi bắt tên trộm vật liệu. Tên trộm nhanh chân tẩu thoát về hướng con rạch chằng chịt cỏ. Một thanh niên “đứng gác” thông báo qua bộ đàm: “Nó thoát rồi”, đầu dây bên kia lệnh: “Mỗi chốt một người trực, một người về họp ngay”.
Nỗi niềm người “đứng gác”
Như đã hẹn, 22 giờ, tôi trở lại “vọng gác” nơi anh Thảo làm việc. Xe tôi trờ tới, trong bóng tối loạng choạng, từ xa tôi thấy cả hai người đang ngồi bỗng bật dậy, quất đèn pin vào mặt tôi. Tôi đưa tay che luồng ánh sáng đang chĩa thẳng vào mặt mình, nhận ra tôi, anh Thảo nói lớn: “Tưởng mới bị “đuổi đi” giờ đến trả thù, ai dè là anh”. Thì ra, trước lúc tôi đến khoảng 30 phút, chốt của anh Thảo vất vả với hai thanh niên say xỉn ngồi vật vờ gần công trình. Hai bên lời qua tiếng lại, anh Thảo đành phải gọi cho công an xã đến áp giải.
Đêm khuya tĩnh mịch, đường khá vắng vẻ. Từ trong những bụi rậm, ao nước tù đọng, tiếng ếch nhái, ễnh ương phát ra liên hồi như một dàn nhạc giao hưởng đang lúc cao trào, phấn chấn. Câu chuyện của tôi và anh Thảo thường xuyên đứt quãng bởi anh Thảo cứ lúc đứng, lúc ngồi rồi lại xuống đất rảo một vòng… Trên sàn “vọng gác”, người trực cùng ca với anh Thảo đã ngủ say tự khi nào. Sợ anh ta thức giấc, anh Thảo bảo: “Mình nói khẽ để nó ngủ, mới nằm khoảng 45 phút thôi. Mấy ngày nay nó bị sốt, mới thấy đỡ là đi làm ngay, hôm nay nó lại hốt hụi chót”. “Hốt hụi chót” là cụm từ mà những người đứng gác gọi người gác cho đến giờ giao ca (từ 4 giờ 30 đến 6 giờ 30 sáng). “Dù đã quen việc nhưng nghĩ đến chuyện “hốt hụi chót” là ai cũng ngán ngẩm vì thời gian này rất thèm ngủ, trời thì lạnh, bọn trộm thường lợi dụng thời gian này mà hành sự”. Anh Thảo giãi bày.
Gần 3 năm “đứng gác”, anh Kiên không nhớ nổi mình ứng phó với bao nhiêu vụ trộm cắp. Anh tâm sự: “Sau mỗi vụ tôi và anh em trấn áp tội phạm giao cho công an xử lý, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì đã góp phần bài trừ nạn trộm cắp hoành hành còn lo vì sợ bị trả thù, đến những ngày xuống ca cũng không dám lân la ở gần khu vực mình làm”. |
Nhắc đến chuyện vợ con, anh Thảo nói với vẻ lo lắng: “Tối qua con gái (3 tuổi – NV) ho quá, không biết có bị gì không nữa. Mấy bữa nay, hết vợ bệnh đến con đau mà tiền bạc làm tháng nào xào tháng đó, phải chi có dư chút đỉnh mình cũng không lo nhiều. Mình làm 24, nghỉ 24 nhưng ngày nghỉ cũng chẳng làm gì được để kiếm thêm thu nhập. Lúc trước, xuống ca còn đi bán vé số nhưng bây giờ về đến nhà là lăn ra ngủ…”.
2 giờ sáng, cơn buồn ngủ ập đến, đôi mắt tôi như muốn nhắm nghiền lại. Anh Thảo trêu: “Vậy mà bày đặt làm “lính gác”, cũng may là đêm nay không mưa lớn chứ có không biết em còn ở đây tới giờ này không nữa”.
Mặc dù đồng lương của người “đứng gác” cũng tròm trèm 2,5 triệu đồng/ tháng nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu so với công sức đã bỏ ra. Nhớ lại lời của anh Kiên hôm trước, anh nói như than: “Hồi mới vô làm cân nặng 66 kg, làm tháng đầu xuống còn 61, tháng thứ hai chỉ còn 57, lúc trước chẳng thấy đau bệnh gì, còn bây giờ trong túi lúc nào cũng đề phòng đủ các loại thuốc tây”.
Còn anh Thắng mới đây, trên đường đi làm đã bị kẻ xấu chạy xe ép vào lề đường, anh té ngã, bọn chúng ập vào đánh tới tấp. Nguyên nhân là do anh Thắng đã “điểm mặt” một phụ hồ giấu sắt vụn trong người mang ra khỏi công trình.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)