Dạy học sinh bình thường đã là một công việc vất vả, dạy những em khuyết tật còn vất vả gấp trăm, ngàn lần. Có những giáo viên dù có thể chọn cho mình một môi trường dạy học tốt, nhẹ nhàng hơn để thực hiện sứ mệnh “trồng người” nhưng họ lại hy sinh bản thân để chắp cánh ước mơ cho những phận đời kém may mắn.
Cô Võ Thị Ngọc Anh dành tất cả cho học sinh đa tật
Họ là những người “lái đò” phi thường đang công tác tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Niềm hạnh phúc lớn nhất chính là nhìn thấy học trò của mình có sự tiến bộ, lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống.
Đưa giáo dục đến với trẻ khuyết tật
Tận tâm, nhiệt tình, chịu khó là những từ ngữ được đồng nghiệp dành nói về cô Võ Thị Ngọc Anh (giáo viên phụ trách lớp trẻ đa tật). Như bao cô gái khác, ngày tạm xa quê hương để vào TP.HCM học tập, Ngọc Anh quyết tâm trở thành một cô giáo tiểu học, sau khi tốt nghiệp có thể trở về quê công tác. Trong một lần đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Ngọc Anh thấy vô cùng khâm phục các em học sinh ở đây. Dù khiếm khuyết nhưng nhiều em có thể tự đi lại, ăn uống, sinh hoạt như một người bình thường trong khi nhiều em khuyết tật ở những nơi khác không làm được, chủ yếu phụ thuộc vào cha mẹ, người thân.
“Lúc đó tôi thắc mắc: Tại sao các em có thể làm được những việc như thế? Rồi tôi nhận ra được một điều, dù khiếm khuyết nhưng trong các em luôn có một ngọn lửa. Nếu ngọn lửa ấy được thắp lên đúng lúc chắc hẳn cuộc đời của các em sẽ thay đổi”, cô Ngọc Anh tâm sự.
Lần gặp gỡ đó đã thôi thúc cô gái sinh năm 1994 luôn nghĩ về những đứa trẻ khuyết tật. Năm 2015, Ngọc Anh tốt nghiệp rồi xin vào Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu công tác. Những buổi đầu lên lớp, cô giáo trẻ loay hoay, lo lắng không biết làm sao để dạy các em vì lúc đi học, cô chỉ được dạy kỹ năng và phương pháp giảng dạy cho trẻ bình thường, không liên quan gì đến giáo dục đặc biệt. Cũng không ít lần, Ngọc Anh cảm thấy bất lực, muốn bỏ cuộc.
“Lớp tôi đảm nhận chủ yếu là trẻ đa tật: điếc, mù, vừa mù vừa điếc, bại não, chậm phát triển, tật vận động. Có những lúc các em tự làm tổn thương bản thân hay có em không thể kiểm soát cảm xúc chạy đến giựt tóc, đánh cô giáo, hét toáng lên, rồi khóc… Nhiều lúc thấy tôi vất vả quá, gia đình cũng xót, bảo tôi dạy trẻ bình thường thôi. Nhưng nhìn các em kém may mắn như vậy, tôi nghĩ, ai cũng chọn công việc dễ dàng thì việc khó ai làm. Từ những suy nghĩ đó tôi tự động viên mình phải cố gắng để giúp các em”, cô Ngọc Anh tâm sự.
Không chỉ hết lòng với học sinh trong trường, cô Ngọc Anh còn mang giáo dục đến với trẻ khuyết tật tại một trung tâm bảo trợ trẻ em ở Gò Vấp để giúp các em tiếp cận với giáo dục đặc biệt.
“Các em ở đây vừa khuyết tật vừa mồ côi. Do số lượng quá nhiều nên trung tâm không thể đưa các em đến trường học mà chủ yếu là chăm sóc, nuôi nấng các em. Việc giáo dục sẽ giúp cho tương lai các em tươi sáng hơn, sau này có kỹ năng, kiến thức tự nuôi sống mình”, cô giáo trẻ Ngọc Anh bộc bạch.
Tính đến nay, Ngọc Anh đã có gần 5 năm gắn bó với trẻ khuyết tật. Ước mơ lớn nhất của cô là có thể mang giáo dục đặc biệt đến với trẻ khuyết tật ở quê hương của mình – tỉnh Bình Thuận.
Vừa làm cô vừa làm mẹ
Đây chính là công việc hằng ngày của cô Hoàng Thị Lương (đồng nghiệp của Ngọc Anh) suốt 15 năm qua. Mỗi ngày, sau khi lo cho gia đình nhỏ của mình xong, cô Lương lại tất tả đến trường dạy kỹ năng cho trẻ đa tật ở độ tuổi thiếu nhi. Cô Lương đến với các em như một định mệnh…
“Hồi còn đi học, trường tôi kế bên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Vào mùa hè xanh, tôi hay qua trường làm thiện nguyện và biết đến các em học sinh ở đây. Lúc đó, tôi không có ý định gắn bó với các em nên sau khi tốt nghiệp, tôi trở về quê tìm việc. Công tác được một thời gian ở quê nhà, tôi thấy môi trường không phù hợp nên quyết định quay lại TP.HCM rồi gắn bó với các em như một cái duyên khó lý giải”, cô Lương chia sẻ.
Dù đã đứng lớp nhiều năm nhưng cảm xúc của cô dành cho các em vẫn nguyên vẹn như ngày đầu tiên nhận lớp, vẫn thổn thức với từng hoàn cảnh, vẫn vui vì những sự tiến bộ nhỏ nhất của học trò. Đặc biệt, cô còn cảm thấy rất hạnh phúc khi công việc của mình càng trở nên có ý nghĩa khi các em có thể làm một số công việc đơn giản mà nếu không đến trường các em khó làm được.
Tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, lớp của cô Lương đặc biệt nhất vì các em còn quá nhỏ, chưa ý thức. Em lớn thì được 6, 7 tuổi, em nhỏ chỉ vài tháng tuổi và tất cả đều đa tật. Ngoài việc dạy các em làm quen với cách lật, ngồi, đi, đứng… cô còn kiêm luôn vai trò làm mẹ, làm vú nuôi. Lớp học của cô lúc nào cũng ồn ào vì hết em này khóc, tới em kia la, thậm chí các em còn tiểu tiện ngay trong lớp. Chính vì vậy, công việc của cô lúc nào cũng bận rộn. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng gương mặt của cô lúc nào cũng vui vẻ, nhẹ nhàng với các em.
Cô Lương tâm sự: “Có những lúc tay chân tôi rã rời vì quá mệt. Nhưng mỗi ngày, thấy các em lớn lên, biết được chút ít, nói chuyện hồn nhiên thì những mệt mỏi đều tan biến”.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, cô Lương chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định của mình. “Tôi mong sao những đứa trẻ bất hạnh này có thể tự lo được cho mình, có thể hòa nhập với những bạn bình thường. Đặc biệt là sau này các em có thể ra ngoài làm việc, lo cho bản thân”, cô Lương bày tỏ.
Năm học này, cô Lương là giáo viên duy nhất được Ban lãnh đạo nhà trường đề cử giải thưởng Võ Trường Toản 2020.
Thầy giáo đặc biệt của học trò đặc biệt
Đồng nghiệp nam trợ giúp cho cô Lương chính là thầy Võ Hoàng Try (sinh năm 1987). Thầy được xem là một trong những thầy giáo đặc biệt của những học trò đặc biệt. Từ lúc nhỏ, đôi mắt của thầy đã rất kém so với bạn bè cùng trang lứa. Biết được số phận của mình, thầy không ngừng phấn đấu học tập và trở thành một chuyên gia tâm lý. Dù không nhìn rõ mọi vật xung quanh nhưng công việc của thầy cũng không khác gì những giáo viên khác khi sắm cùng lúc nhiều vai khác nhau để uốn nắn những học trò khiếm khuyết. Thầy Try cho biết, khi dạy trẻ đa tật, chủ yếu là cầm tay chỉ việc, thậm chí thầy chỉ trước các em quên sau.
“Công việc này ai kiên nhẫn mới làm được, có lúc không vui mình tự tạo niềm vui bằng cách trao đổi, trò chuyện với đồng nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và tìm ra phương pháp dạy hiệu quả nhất”, thầy Try chia sẻ.
Thầy Lê Hồng Vũ Minh luôn tìm ra phương pháp mới giúp trẻ khuyết tật học tiếng Anh tốt hơn
Ngày ngày, thầy Try vẫn lặng lẽ đến lớp từ tờ mờ sáng và trở về nhà khi chiều tối. Bao năm qua, thầy chưa bao giờ có ý định rời xa mái trường, xa học trò.
“Giờ đây, tôi coi lớp học như ngôi nhà thứ hai của mình. Việc dạy các em cũng là một cách để tôi trả ơn cuộc đời”, thầy Try nói.
Ứng dụng công nghệ dạy tiếng Anh cho trẻ hòa nhập
Bị bong võng mạc từ năm 11 tuổi, từ đó cuộc đời của thầy Lê Hồng Vũ Minh dần chìm vào bóng tối. Trong bóng tối ấy, thầy Minh vượt lên số phận để giành ánh sáng về cho bản thân bằng con đường học tập.
“Thời điểm đó tôi chuyển qua Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để học chữ nổi, sau một thời gian quen mọi thứ, tôi xin ra môi trường ngoài để hòa nhập với những bạn sáng mắt”, thầy Minh nhớ lại.
Sau nhiều năm cố gắng, nỗ lực trong học tập, Lê Hồng Vũ Minh đã tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) rồi trở về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu dạy tiếng Anh cho trẻ hòa nhập. Thầy cho biết, với người bình thường học tiếng Anh đã là một chuyện không hề đơn giản và với trẻ khiếm thị lại càng khó khăn hơn vì các em không thấy mặt chữ, chỉ nghe được tiếng. Để các em học tốt và tiếp thu nhanh, ngoài việc dạy các em phát âm, đánh vần từng chữ, thầy Minh còn tận dụng công nghệ để các em thường xuyên nghe và làm bài tập. Nhờ vậy, lớp học tiếng Anh của thầy lúc nào cũng hào hứng, sôi nổi dù các em không nhìn thấy.
Không chỉ dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thị, thầy Minh còn mở lớp dạy cho trẻ bình thường. Từ việc giảng dạy, thầy không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn nuôi được gia đình, con cái.
Không chỉ giỏi tiếng Anh, thầy Minh còn thành thạo công nghệ thông tin và kết nối với bạn bè khắp thế giới. Nhờ vậy, thầy đã hoàn thành chương trình cao học ở Úc và một số khóa học ngắn hạn ở Mỹ bằng phương pháp học từ xa.
Nói về giáo viên của mình, cô Hà Thanh Vân (Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) cho biết, đây là những giáo viên nòng cốt của nhà trường. Khi đến với các em, những thầy cô này đều chấp nhận khó khăn, cực khổ để đưa những “vị khách” đặc biệt sang sông. Những cống hiến của các thầy, cô ở trường không sao kể hết. Chính tình thương và sự đồng cảm của các thầy, cô đã tạo nên sức mạnh tinh thần chắp cánh cho các em học sinh đến bến bờ hạnh phúc.
Ghi chép của Hồ Trinh
Bình luận (0)