Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người làm nghề… vẫy tay

Tạp Chí Giáo Dục

Những người này không phải vẫy tay chào khán giả ở các chương trình gameshow của đài truyền hình mà vẫy tay đón khách vào quán nhậu. Hằng ngày, họ làm việc dưới lòng đường đầy xe cộ với một mức lương không có hậu chút nào…

Mưu sinh mạo hiểm
Nghe thì đơn giản nhưng để có được mức lương trung bình 1,5 triệu đồng với cái nghề xuống đường vẫy tay đón khách thật chẳng dễ chút nào. Nguyễn Thanh Cang, quê Bạc Liêu giã từ nghề chài lưới lên thành phố mưu sinh với đủ thứ nghề từ lúc 17 tuổi. Cang chuyển sang phụ việc ở quán nhậu Hoài Giang (đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7) từ cuối năm 2009. Công việc của Cang là ra đường đón khách với mức lương 1,2 triệu đồng chưa kể ăn, ở.
Ở những khu vực được mệnh danh là “cung đường ăn nhậu” thì việc tranh giành khách là khó tránh khỏi. Xuống đường vẫy tay đón khách cũng là một chiêu thu hút “thượng đế” vào quán. Quán chuẩn bị mở cửa cũng là lúc người “vẫy” vào ca. “Bất kể nắng hay mưa, người làm công việc này không được bỏ vị trí cắm chốt. Nếu vi phạm sẽ bị trừ lương, tái phạm nhiều lần chắc chắc sẽ mất việc”, Cang nói. Cang tiếp chúng tôi ở lòng đường dưới trời mưa lâm râm. Thỉnh thoảng anh láo liên mắt vì sợ quản lý phát hiện. Những câu chuyện về công việc mà Cang kể cho tôi nghe thường xuyên bị đứt quãng.
Không phải ai cũng có thể làm được công việc này nếu không quen dãi dầu mưa nắng. Chiếc nón rộng vành chống chọi trước cái nắng oi bức của Sài Gòn và chiếc áo mưa loại bèo với giá 3.000 đồng là những thứ mà người “vẫy” tự trang bị hoặc được quán bao tiêu cho mình. Trời lại đổ mưa, Cang vẫn đứng đó trong chiếc áo mưa mỏng như lá lúa lại rách tả tơi.
Cách đó không xa, quán nhậu Kiều có đến 3 người đứng vẫy khách. Trông ai nấy đều to cao, vạm vỡ. Họ chia nhau đứng ở 3 vị trí, dàn đều theo chiều rộng của quán. Một tốp thanh niên đi xe gắn máy đến liền bị một người vẫy “tóm”, số khác chạy qua khỏi cũng bị hai người vẫy còn lại ra dàn hàng ngang. “Vào quán nhậu đi anh, hôm nay có mấy món mới, khuyến mãi 20%…”. Đó là câu cửa miệng của người vẫy khi đón khách. Theo Cang, đây là công việc mưu sinh mạo hiểm, có thể què quặt hoặc mất mạng bất cứ lúc nào vì tai nạn.

Những người vẫy tay mưu sinh tại một quán nhậu
Vì cuộc sống mà bất chấp
Người đàn ông trung niên có cái bụng bia như cái trống chầu đứng khoanh tay từ bên trong quán Kiều quan sát người “vẫy”. Khi khách từ chối không ghé quán, mặt ông hầm hầm, miệng làu bàu gì đó, rất có thể là đang chửi thề vì người “vẫy” không giữ được khách. Anh Võ Ngọc Thái, người có thâm niên 3 năm đứng vẫy khách cho quán Kiều tâm sự: “Nhiều khách đến đây tỏ vẻ khó chịu khi chúng tôi ùa ra nhưng nếu không làm vậy, cả bọn sẽ bị quản lý hoặc chủ quán chửi mắng. Thậm chí khách dừng xe rồi mà lại đổi ý sang quán khác tụi này cũng bị la”.
Vào giờ tan tầm, khi mật độ xe lưu thông trên đường mỗi lúc một lớn, người “vẫy” lại phải làm việc cật lực hơn. Bất chấp dòng xe cộ chật cứng, người “vẫy” vẫn đứng đó đợi khách, không rời nửa bước. Người “vẫy” đều có chung một tư thế đứng như nhau. Một chân tiền, một chân hậu, còn tay thì lúc nào cũng sẵn sàng vẫy. Cang giải thích: “Kiểu đứng này được anh em rút kinh nghiệm sau nhiều lần bị tai nạn. Nhiều người đi đường, thấy mình đứng vẫy phía trước như cái gai trong mắt họ nên rồ ga phóng nhanh vào chỗ mình đang đứng cho bõ ghét. Nếu ai bất cẩn thì gãy giò như chơi. Vì vậy, chúng tôi phải cảnh giác cao độ, phát hiện người đi đường có động thái gì bất thường là nhảy nhanh vào lề nếu không muốn nằm viện”. “Thế có gặp tình huống đó bao giờ chưa?”, tôi hỏi. “Bị hoài chứ gì, đó, thằng Phú (người cùng làm với Cang – PV) bị nó quất vô, tốn mấy triệu bạc, nghỉ việc cả nửa năm giờ chân đi cà nhắc rồi”, Cang cho hay. Người làm công việc này có lúc gặp những tai nạn mà không thể nào lường trước được. Anh Thái cho biết mới đây khi vẫy khách, anh bất ngờ bị một người ngồi trên xe máy dùng thước nhôm đánh mạnh vào tay vì tội cản đường. Nhưng như vậy cũng còn nhẹ, có người còn bị đạp từ phía sau khiến nguyên cái mặt cày xuống đường. Chuyện tai nạn nghề nghiệp là khó tránh khỏi nhưng sợ nhất vẫn là những “chiêu” ác mà người quán này dùng để “xử” người quán khác vì tranh giành khách.
Bài, ảnh: Tuy An
Với đồng lương èo uột như thế, người “vẫy” phải làm việc từ 10 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Ngoài ra, họ không được hưởng thêm bất kỳ chế độ nào khác, kể cả những lúc không may bị tai nạn hay ốm đau do đội nắng dầm mưa. Hầu hết những người làm nghề vẫy tay đều thừa nhận đây là công việc nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào nhưng vì cuộc sống mà họ phải bất chấp. Anh Thái nói: “Làm công nhân lương cao lắm cũng chỉ 2,5 triệu đồng. Làm ở đây được bao ăn, ở… dù sao cũng đỡ hơn”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)