Giữa cơn bão trào lưu nhà nhà làm YouTube, người người làm Vlog, có nhiều bạn trẻ nỗ lực mang tới những sản phẩm chất lượng, có ý nghĩa với cộng đồng nhưng không quan tâm tới lượng view cũng như số tiền đạt được.
Tun Phạm trong một Vlog hài hước của anh. Ảnh chụp màn hình
Những câu nói ‘để đời’ của phụ huynh, Có em gái thì như thế nào; Hôm nay nếu bất thình gặp người yêu cũ, bạn sẽ phản ứng ra sao; Quản lý tài chính trước tuổi 25 nên như thế nào… Những chủ đề ấy được các bạn trẻ thể hiện hài hước, thông minh trong những Vlog của mình trên YouTube.
Vlog được hiểu là một dạng nhật ký bằng video ngắn trên YouTube, được quay một cách thủ công hoặc có chỉnh sửa bằng máy tính. Nếu như JVevermind, An Nguy, Huy Me, Phở Đặc Biệt hay He Always Smile (HAS) đã là những cái tên quen thuộc trong giới Vlog, một thời từng đốn tim nhiều người trẻ bằng những video hàng triệu lượt xem, thì bây giờ, thế hệ những Vlogger đã nhân rộng ra đông đảo. Chỉ cần với một điện thoại thông minh, khuôn mặt dễ nhìn, cách nói chuyện lưu loát, ai cũng có thể làm Vlog, tuy nhiên để duy trì những kênh nhiều lượt theo dõi, lôi cuốn người xem hết tập này đến tập khác thì quả là một núi thử thách không phải ai cũng vượt qua.
Vlog của sinh viên báo chí
Những người thích Tun Phạm (tên thật là Phạm Đức Huy, 21 tuổi, đang là sinh viên lớp truyền hình, Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Hà Nội) đều yêu những Vlog kể chuyện đời thường của một sinh viên, có tình yêu, có trải qua những kỳ thi căng thẳng, những giáo viên khó tính và những câu nói “bất hủ”.
Tun Phạm là sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh nhân vật cung cấp
Tun Phạm cho biết anh bắt đầu làm Vlog từ năm 2016 khá tình cờ: “Hôm đó tôi chở bạn tôi và trời thì mưa to, nó ngồi sau cứ hỏi suốt 'Trời mưa sao không tháo kính ra nhìn cho rõ' hay 'Mày cận thì mày có nhìn thấy gì không', thế là ngay hôm đó tôi về nhà cầm cái điện thoại lên và nói về những bức xúc của một người cận thị”.
Những gì người ta ấn tượng về Tun Phạm là khuôn mặt điển trai, cách chuyển giọng linh hoạt, hài hước, chút tếu táo gắt gỏng rất đặc trưng. Không có nhiều máy móc hỗ trợ, Tun Phạm quay những video của mình bằng camera thường của điện thoại, song vẫn đảm bảo hình ảnh sắc nét nhất có thể.
Sức hấp dẫn của Vlog chưa bao giờ dừng lại với những bạn trẻ muốn khám phá bản thân mình. Hà Mạnh, 27 tuổi, cựu sinh viên Học viện Báo chí – Tuyên truyền, người viết sách, tác giả cuốn Cô gái U.80 đang sống tại TP.HCM cũng trình làng những Vlog đầu tiên, chủ đề về chi tiêu của giới trẻ hay những thắc mắc đời thường như “Nếu bất thình lình bắt gặp người yêu cũ, bạn sẽ làm gì?”.
Hà Mạnh ghi hình những Vlog của mình. Ảnh nhân vật cung cấp
Hà Mạnh cho hay, dù là người đi sau làm Vlog, anh không quan tâm ai đã làm gì, hay dở ra sao mà chỉ mong muốn bản thân được nói và chia sẻ. “Nhiều người hay so sánh với những Vlogger nổi tiếng nhưng theo tôi không ai giống ai cả, nên có chất riêng của mỗi người. Tôi thích nói những vấn đề mà những người ở lứa tuổi đã 25 nhưng chưa đến 30 đều quan tâm, như tiền bạc, sự nghiệp, tình yêu, hôn nhân…”.
Để những sản phẩm Vlog của mình chất lượng, Hà Mạnh đã xem rất nhiều vlog của nước ngoài để xem cách mọi người khai thác và bàn luận thông tin “Tôi mong những Vlog của mình hữu ích với mọi người, không phải chỉ là những video nói lung tung, không có giá trị”, Hà Mạnh bộc bạch.
Đam mê không phải vì tiền từ YouTube
Cee Jay, chàng trai người Nigeria 29 tuổi hút hồn nhiều fan Việt Nam bởi những Vlog kể chuyện món ăn Việt, những điều “lạ lùng” ở Việt Nam, 5 điều thích nhất ở Việt Nam… chia sẻ với phóng viên: “Tôi không hề biết rằng có thể kiếm được tiền từ những video của mình trên YouTube. Trước đây vì có quá nhiều người hỏi tôi cách tập thể hình, tôi làm video để có thể chỉ cho mọi người rõ hơn rồi dần dần tôi làm các video khác và thấy làm việc với YouTube là một công việc thú vị”.
Hà Mạnh chia sẻ thành thật, anh không bị áp lực bởi các video thấp view trên YouTube, dù với người khác, họ có thể làm nhiều cách để câu view, dù nội dung nhảm nhí. “Tôi mong muốn video nhiều lượt xem nhưng cũng không thấy nản chí nếu view thấp. Điều quan trọng nhất là cảm giác thoải mái khi hoàn thành một video và upload nó lên YouTube”.
Cee Jay trải nghiệm đồ ăn Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp
Trong khi đó, Vlogger Tun Phạm khẳng định anh chưa bao giờ coi Vlog – YouTube là một kênh có thể kiếm tiền: “2 năm qua tôi không dùng Vlog để kiếm quảng cáo, lợi nhuận. Vlog với tôi là niềm vui và là cơ hội để tôi có thể tiến tới ước mơ trở thành MC, diễn viên nổi tiếng”. Thật sự, hiện tại các cơ hội mở ra với Tun Phạm như được tham gia clip lượt xem khủng của một ban nhạc mới, hay là người làm chủ một chương trình hấp dẫn trên kênh VTV7 đều nhờ Vlog.
Theo Tun Phạm, hiện tại ngày càng nhiều người thử sức với Vlog, đồng thời kiếm tiền từ YouTube với nhiều cách khác nhau, nhưng nếu muốn thành công, ngoài nội dung cộng đồng đang quan tâm, đầu tư chất xám, sự sáng tạo, thì người trẻ cần có một cá tính riêng, không trộn lẫn và chữ “duyên” với nghề nhiều thử thách này…
Anh Nguyễn Trọng Nhân, chuyên viên tư vấn tâm lý, Công ty Rồng Việt (TP.HCM) cho biết trong thế giới phẳng, mọi người có thể khám phá cả thế giới dễ dàng với chỉ một chiếc điện thoại thông minh, một chiếc iPad, thì việc chọn lọc nên xem gì, và nên cho con em mình xem gì trên YouTube là vô cùng quan trọng.
"Nếu người trẻ xem những nội dung YouTube kém lành mạnh, nhảm nhí, nó sẽ ảnh hưởng lớn tới nhận thức của các bạn, từ nhận thức, sẽ dẫn tới hành động. Nhiều YouTube có nội dung khoe thân, phản cảm, gợi tò mò cho nhiều bạn trẻ, khiến họ rất dễ làm theo, điều này rất nguy hiểm", anh Nguyễn Trọng Nhân nói.
"Chọn lọc và xem những nội dung ý nghĩa, nhân văn, giá trị tích cực, sẽ khiến suy nghĩ, nhận thức, hành động của những người trẻ tích cực theo, từ đó, thế giới xung quanh người trẻ cũng trở nên tốt đẹp hơn", anh Nhân gợi mở.
|
Thúy Hằng/TNO
Bình luận (0)