Họ là những người lính cứu hộ trên các bãi biển Đà Nẵng. Mùa hè, khi lượng khách du lịch đến thành phố này đông nhất, họ lặng lẽ với những bước chân trần trên cát, dõi mắt theo từng dòng người thỏa thích bơi lội giữa biển xanh để canh cho sự an toàn của du khách.
Ông Nguyễn Văn Hùng (áo vàng) chuẩn bị vào ca làm việc ở biển Đà Nẵng
Những người đi trước về sau
Ca làm việc trong ngày của các nhân viên cứu hộ bãi biển tại Đà Nẵng bắt đầu từ 4 giờ 30 phút sáng và 3 giờ 30 chiều, kết thúc vào 17 giờ tối hàng ngày. Nhưng với các nhân viên cứu hộ này, thời gian chỉ là cột mốc cố định phải có mặt, họ thường đến bãi biển từ rất sớm để “đo lường” các lạch nước, phòng khi có dòng xoáy đổi chiều sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia tắm biển; ước lượng tốc độ sóng, gió của ngày hôm đó để có sự hướng dẫn, phòng ngừa kịp thời.
Cùng đồng nghiệp đẩy thuyền thúng cứu hộ ra biển, ông Nguyễn Văn Hùng – nhân viên cứu hộ bãi tắm Sao Biển Đà Nẵng đi dọc một vòng trong khu vực quản lý của mình để thăm dò con nước. Yên tâm với các vị trí dây phao chăng cảnh báo mực nước, ông lặng lẽ trở lại trung tâm bãi tắm, nơi có đông du khách đang tắm để quan sát. Một cô bé tầm 8 tuổi thắc mắc với mẹ: “Tại sao chỗ kia không có người tắm?”. Thấy người mẹ bảo con ra chỗ vắng tắm cho thoải mái. Ông Hùng liền ngăn lại, giải thích: “Để ông giải thích cho con, chỗ giữa hai sợi dây phao này là vùng biển an toàn nên mọi người tập trung tắm đông, còn chỗ vắng kia là dòng nước xoáy nguy hiểm nên được cắm cờ đỏ cảnh báo không được tắm”. Cô bé dạ thật to, xách phao bơi đi về phía đông người, ông Hùng nhìn theo mỉm cười. “Không chỉ cứu hộ, mình phải kịp thời giải thích cho du khách hiểu để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nhiều người thường nghĩ, chọn vùng biển vắng để tắm cho thoải mái nhưng thực tế những nơi đó rất nguy hiểm. Dù mình đã cắm cờ đỏ cảnh báo nhưng không phải ai cũng để ý, vì vậy phải nhắc nhở thêm”.
Mỗi đội cứu hộ trên một khu vực bãi tắm thường có 4 nhân viên. Cùng với 2 nhân viên chèo thuyền thúng canh ngoài biển, hai người còn lại canh trên bờ. Trong khi du khách vui chơi, thỏa thích vui đùa với dòng nước, họ lặng lẽ dõi mắt liên tục để kịp phát hiện các nguy cơ. Mùa khách vắng còn thảnh thơi đôi chút, ngày khách đông họ làm việc cật lực. “Có khi, trẻ theo cha mẹ tắm rồi mãi vui đi lạc. Phụ huynh lo lắng quá đến… bắt đền cả nhân viên cứu hộ. Anh em hiểu nên luôn bình tĩnh hỏi han, phán đoán tình hình để tìm kiếm một cách nhanh nhất”, ông Hùng bộc bạch.
Anh Nguyễn Quốc Vinh – Đội trưởng Đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng cho biết, đội được thành lập từ năm 1999. Hiện có 100 nhân viên, chia làm 19 đội. Vào những dịp hè, lễ hội… phải huy động 100% nhân lực. Các nhân viên cứu hộ đi sớm, về muộn, ngâm mình dưới nước vì sự an toàn của du khách và người dân. Cực nhất lúc biển đông người. Những người trụ lại với nghề là những ngư dân từng trải, yêu biển. |
Tròn 22 năm làm nghề cứu hộ trên bãi biển, ông Nguyễn Văn Cường nói: “Nghề này ngoài mưu sinh cần có tính kiên trì, nhẫn nại, thậm chí cả tình yêu với biển. Khi mình giữ an toàn cho mọi người thì niềm vui nhân đôi”. Chuyện đi sớm, về muộn với ông Cường cũng là chuyện thường, đó không chỉ là nhiệm vụ công việc mà còn là sự chu toàn của một người con xứ biển, có tình yêu đặc biệt với biển. Mỗi ngày, xong công việc, ông còn dành thêm chút thời gian gom nhặt những cọng rác, túi nilon mà du khách vô tình làm rơi vãi trên bãi cát.
Ông Cường nói, nghề cứu hộ chưa bao giờ dễ dàng. Cần có sự nhanh nhạy, mưu trí, dũng cảm, am hiểu luồng lạch nước mới có thể cứu được người khi tai nạn xảy ra. Biển vốn rất dữ, nhất là vào độ tháng 9, tháng 10… Con sóng mùa này thường cao và giật mạnh, vì vậy người cứu hộ phải hiểu để thả đúng những dây phao vào chỗ biển có thể tắm được. Công việc “canh chừng” du khách trên biển cũng vất vả hơn rất nhiều, tiếng còi liên tục vang lên khi có ai đó lấn sâu ra vùng biển “cấm”.
Hồi sinh những mảnh đời gặp nạn
17 năm làm nghề cứu hộ bãi biển, ông Nguyễn Văn Hùng không nhớ mình đã cứu biết bao nhiêu người không may bị sẩy chân sóng cuốn. “Nhìn thấy người ta chới với, vẫy tay thì mình lao ra. Đương nhiên cứu người cũng cần bình tĩnh và có kỹ thuật. Sau mỗi lần cứu được họ, nhận không biết bao nhiêu lời cảm ơn, những cái siết tay, cái ôm thật chặt nhưng hạnh phúc nhất là lúc đưa họ vào bờ an toàn”, ông Hùng nói. Cách nay vài chục năm, thời còn là ngư phủ, một buổi chiều ngồi đan lưới bên chân sóng biển Mỹ Khê, nhìn thấy hai đứa trẻ tắm biển nhưng một lát sau chỉ còn thấy một. Ông Hùng tri hô người bạn thuyền gần đó rồi nhảy ra vùng sóng dữ. “Lúc ra vòng xoáy, tui nắm được tay đứa trẻ nhưng sóng đánh tui kiệt sức. Người bạn thuyền bơi ra hỗ trợ nhìn đứa trẻ nằm đơ thì hoảng hốt. Lúc đó tui bình tĩnh bảo, không biết sống chết thế nào nhưng tôi cầm được tay cháu rồi, ông kéo tôi vào bờ. Một cuộc vật lộn kinh khủng để thoát ra vùng xoáy, vào bờ thấy đứa trẻ tái nhợt, chân thẳng không nhúc nhích, trong bụng tôi thầm nghĩ chắc khó lòng qua được. Ấy vậy mà vài phút sau khi làm các thao tác cấp cứu, cháu mở mắt và cử động. Sau này, cháu lớn lên đi đâu cũng thi thoảng ghé thăm tôi. Có lần khác, tui cứu được một du khách ở Bình Dương ra tham quan, sau này hễ có dịp họ lại ghé thăm, cảm ơn mãi”, ông Hùng kể lại. Đó là động lực để ông quyết định nghỉ nghề ngư phủ, đầu quân vào đội cứu hộ bãi biển để đem lại niềm vui cho mọi người dân, du khách.
Những người lính cứu hộ lặng thầm vì bình yên của du khách trên bãi biển
Theo nghề tròn 20 năm, ông Phùng Thương kể, có lần 4 sinh viên đại học bị đuối nước. Nghe tiếng tri hô, ông lao mình về phía người gặp nạn. Cứu xong 4 người, gần như kiệt sức. Đó là chưa kể, nhiều lần cứu người khác. Ông bảo, đó là công việc của mình. Ngày ký vào tờ đơn tình nguyện làm nghề, có nghĩa là mình cần hạn chế tối đa những tai nạn không may cho người tắm biển. Cứu người là nghĩa vụ, cứu sống người là niềm vui.
16 năm thành lập, Đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng đã cứu được gần 1.800 trường hợp đuối nước. Những dòng chữ tiếng Việt, tiếng nước ngoài để lại cảm ơn hành động của họ là động lực để mỗi thành viên nỗ lực hơn với nghề. Không gì khác, họ làm việc bằng cái tâm, ngày đêm ngâm mình trong sóng dữ để bảo vệ bình yên cho mọi người. Lặng thầm và không ai nhớ mặt, gọi tên nhưng không ai khác, chính những người lính cứu hộ khoác trên mình chiếc áo vàng đó đã nhân lên gấp vạn lần niềm vui cho biết bao nhiêu gia đình, không chỉ trong nước mà còn cả với du khách nước ngoài suốt thời gian qua.
Phan Lệ
Bình luận (0)