Thầy Lại Tấn Bán trong giờ làm việc |
“Có người lính, mùa thu ấy, ra đi từ mái tranh nghèo…” ông bảo đó là câu hát mà tôi thích nhất trong bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến. Lời của bài hát cứ vang mãi trong ông suốt hơn 30 năm qua, kể từ ngày người thầy giáo trẻ Lại Tấn Bán “xếp bút nghiên” lên đường ra mặt trận.
Năm tháng không quên
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu thì biên giới phía Bắc và Tây Nam của tổ quốc bị kẻ thù xâm chiếm. Tháng 3 năm 1979, sau hai năm đứng trên bục giảng thầy cùng với sáu đồng nghiệp của ngôi trường cấp 1,2, Tiên Phong, quận 11, TP.HCM xung phong lên mặt trận Tây Nam cùng đoàn quân tình nguyện Việt Nam qua giúp nước bạn Campuchia (CPC) đánh đuổi bè lũ diệt chủng Pôn Pốt. Hôm tạm biệt bạn bè, đồng nghiệp và học trò, lẫn trong những người ra tiễn có cô giáo trẻ bịn rịn bên thầy như không muốn chia tay. Nắm chặt tay người yêu như để “truyền” thêm sức mạnh, thầy nói: “Anh đi không biết có ngày được gặp lại em hay không? Nơi trận tuyến anh chắc tay súng, em ở lại hãy thay anh dạy các em học trò thành tài”. Cô như thấy trái tim mình thổn thức, nước mắt tuôn trào mà nụ cười vẫn nở trên môi. Thầy Bán cùng Đại đội 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 thuộc Quân khu 7 tiến về chiến trường Poc-on-bo, một trong những nơi ác liệt nhất của chiến trường CPC. Được phân công làm phiên dịch cho chỉ huy đại đội vì trước đây thầy cũng biết một ít tiếng Khơ-me. Vì vậy, trên đường hành quân thầy luôn tranh thủ học thêm tiếng Khơ-me của các sư quanh vùng. Biết được ngôn ngữ của người dân địa phương cũng là hiểu được phong tục tập quán của họ. Từ đó đã giúp ích cho công việc phiên dịch của thầy rất nhiều. Cuộc chiến ngày một ác liệt, trong điều kiện gian khổ đó tình đồng chí và đặc biệt là tình cảm của nhân dân nước bạn dành cho bộ đội Việt Nam thật sâu đậm. Thầy Bán cho biết: “Hơn 4 năm sống và chiến đấu trên đất bạn, ăn ở cùng nhân dân và bộ đội cách mạng CPC, biết bao tình cảm sâu đậm đã khắc sâu trong tâm trí tôi. Đặc biệt là gia đình mẹ Hươn. Mẹ có hai con ruột là bộ đội cùng người con rể là Chủ tịch xã nơi đơn vị đóng quân. Tôi nhớ nhất là mẹ Hươn, đó là người mẹ thứ hai của tôi! Hôm đó như thường lệ, sau khi ăn cơm chiều thì được lệnh của chỉ huy thông báo cho cán bộ, nhân dân địa phương biết bộ đội Việt Nam chuẩn bị rút quân “chiến lược”. Đơn vị đề nghị thanh niên địa phương giúp vận chuyển lương thực cùng bộ đội về địa điểm đóng quân mới. Khi đoàn quân cắt rừng được hơn nửa tiếng đồng hồ bất chợt một tiếng nổ vang lên trong đêm tối, tiếp theo là hàng loạt đạn B.40, lựu đạn, đạn AK xé gió bay về phía đoàn quân. Sau một hồi đánh trả, bọn địch rút chạy, đơn vị bị thương một số đồng chí nhưng 20 thanh niên và con rể của mẹ Hươn không bị vấn đề gì. Ngày hôm sau mẹ đánh xe bò đến “cứ”, vừa gặp tôi nước mắt mẹ tuôn trào: “Khi các con đi, mẹ thắp hương khấn Trời Phật phù hộ cho các con không gặp nguy hiểm, nay tụi bay an lành như thế này mẹ mừng lắm”. Ôm tôi vào lòng, mẹ đưa cho nắm thuốc lá tự trồng, một cái khăn cà-ma và không quên “chúc con may mắn, mạnh khỏe để trở về gặp má con, cho mẹ gửi lời cám ơn bà và những người mẹ Việt Nam anh hùng khác”. Sau khi đánh đuổi Pôn Pốt ra khỏi thủ đô Phnom Penh, hôm cùng đoàn công tác ra thành phố, thầy bất chợt được gặp một cô giáo người Khơ-me cùng các em học sinh đang trên đường tới lớp. Em nào cũng vui vì được đi học nhưng gây xúc động với thầy là trên vai các em, màu khăn quàng đỏ làm thầy nhớ tới học trò của mình ở Việt Nam. Xúc động thầy đã sáng tác bài thơ Mùa xuân mới.
Hành quân qua vùng đất Miên giải phóng
Thoáng bóng dừa trong nắng ấm đầu xuân
… Cô giáo hỡi đi đâu mà vui thế?
Xà-rông hoa, cà-ma mới, áo hồng
Cầm chồng tập cô bước đi phơi phới
… Bé thơ hỡi! Cố học chăm em nhé
Cô giáo em: thanh niên, trẻ, nhiệt tình…
Đất nước CPC thoát họa diệt chủng, ai cũng vui cũng hạnh phúc về tương lai tươi sáng của mình. Riêng thầy cùng đồng đội thấy tự hào khi mình có mặt trên đất nước “chùa tháp” xinh đẹp này. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, thầy trở về Việt Nam với bao tình cảm lưu luyến của quân và dân nước bạn.
Về với bục giảng
Sinh năm 1957, trong một gia đình có sáu anh chị em, ngay từ nhỏ thầy Bán được cha dạy và định hướng sau này sẽ làm thầy giáo. Vì theo ông, không có nghề gì tốt bằng nghề dạy học! Từ những suy nghĩ đó nên khi còn nhỏ thầy đã chăm chỉ học dưới sự dạy bảo của cha. Vào học lớp một năm 7 tuổi, chỉ sau một tháng theo học thầy được nhà trường đặc cách lên học lớp 2. Tôi hỏi thầy chắc thầy rất thông minh nên được nhà trường ưu tiên như vậy? Không phủ nhận nhưng thầy chia sẻ: “Do điều kiện gia đình khó khăn mà tôi phải đi học chậm một năm, trong thời gian ở nhà tôi được cha dạy đọc dạy viết. Vì vậy, khi vào học lớp 1 thì đã quá tuổi, nhà trường thấy tôi đọc thông viết thạo mới cho lên học lớp 2 cùng các bạn đồng trang lứa”.Vâng, có thể từ những định hướng ban đầu của cha mà trong sáu anh chị em của thầy đã có tới năm người theo nghề “gõ đầu trẻ”, không những vậy ba người chị em dâu của thầy cũng là cô giáo. Trở về từ chiến trường, người thầy giáo trẻ Lại Tấn Bán thêm rắn rỏi, chững chạc trong cuộc sống. Năm 1983, khi đó dù đất nước có nhiều khó khăn, thầy vẫn được cấp trên ưu tiên cho chọn những công việc khác thuận lợi và có thu nhập khá hơn nghề giáo. Thế nhưng thầy vẫn quyết tâm theo nghề, khi được phân công về bất cứ ngôi trường nào, điều đầu tiên mà thầy dạy cho học trò đó là tinh thần “tương thân tương ái”. Vì theo thầy, khi các em thương yêu nhau, tập thể đoàn kết thì dù có gặp việc gì khó cũng sẽ tìm được hướng giải quyết tốt nhất. Gần 30 năm đi dạy và làm quản lý, dù ở bất cứ cương vị nào thầy đều hoàn thành tốt công việc của mình.
Điều mà thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thi, quận 11 mong muốn nhất bây giờ đó là được trở về thăm lại chiến trường xưa. Ở nơi đó có mẹ Hươn và những người con của mẹ đã cùng chung vai sát cánh với thầy trong những năm tháng chiến tranh.
Lê Quang Huy
Thầy Lại Tấn Bán đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen của Bộ GD-ĐT, của UBND TP.HCM như: Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; hai danh hiệu thi đua cấp thành phố và rất nhiều giấy khen của Sở GD-ĐT và quận 11. |
Bình luận (0)