Ông từng cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, người lính năm ấy trở thành nhà giáo. Đó là thầy Lê Đình Khương, Trưởng phòng Tổ chức – Công tác sinh viên và là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thầy Lê Đình Khương, Trưởng phòng Tổ chức và Công tác sinh viên và là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu
|
Ước mơ của người lính
Tôi gặp ông, nhà giáo Lê Đình Khương – người đã trải qua quãng đời binh nghiệp và nay lại đứng trên bục giảng. Dù ở cương vị nào ông cũng đã và đang cống hiến bằng cả tài năng, bản lĩnh, nhiệt huyết của mình. Ông nói với tôi “Ngại lắm! Có gì đâu để viết! Tôi cũng chỉ là một người lính, người giáo viên bình thường như bao người khác. Ai cũng có thể làm được mà”. Nhưng tôi biết, những cái mà ông cho là bình thường ấy không dễ gì ai cũng làm được. Ông sinh ra và lớn lên ở Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa. Năm 1969, khi 19 tuổi ông viết “huyết tâm thư” xin đi bộ đội đánh Mỹ: “Lúc ấy mọi người đều hướng về chiến trường với suy nghĩ và trách nhiệm trong sáng. Sự nhiệt tình cách mạng của thanh niên ngày ấy được ví như “củi khô bốc cháy”, thách thức sự gian khó, hiểm nguy và khốc liệt của chiến tranh” thầy Khương bộc bạch. Đầu năm 1969, thầy đã được gia nhập vào Sư đoàn 338, Ngọc Lạc – Thanh Hóa, tham gia chiến đấu tại chiến trường B, Binh trạm 38, Sư đoàn 559, Đại đội C2, bộ binh, chiến đấu bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh. Năm 1971, được chuyển về đơn vị cảnh vệ của Đoàn 421. Năm 1973, chuyển sang Phòng Chính trị, Sư đoàn 471, thuộc đường 59. Năm 1976, thầy xuất ngũ. Dù chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại một thời bi tráng đó, thầy vẫn như nghe văng vẳng bên tai tiếng gọi của người đồng đội bị trúng bom napan của kẻ thù, trái tim thầy nghẹn lại, nước mắt rưng rưng; “Nóng quá, nóng quá… chết mất thôi”. Trong gian khổ, tình đồng chí đã giúp thầy và các đồng đội vượt qua biết bao khó khăn của những chặng đường hành quân, nhiều khi cả hai tháng trời gạo, muối không có mà ăn. Nhiều ngày trời phải ăn rau rừng chống đói, nhưng ăn vào cổ họng chỉ muốn “rách toạc” ra vì ăn phải rau ngứa mà không ăn không được. Cũng may trong những lúc đó, đơn vị của thầy có anh Sắt cùng quê rất cẩn thận và kỹ tính. Vừa đói, mệt, cổ họng bỏng cháy vì khát và ngứa… anh em ai cũng thèm có một miếng cháo lót dạ. Đúng lúc này anh Sắt mới “dốc” ngược ba lô tìm một gói nhỏ, mở ra là một ít hạt đường được anh cất cẩn thận. Đưa mỗi người một dúm nhỏ cho vô miệng, vị ngọt của đường làm anh em thấy hết ngứa và có cảm giác như vừa ăn xong một tô cháo đường. Ai cũng thấy mình khỏe ra. Chiến tranh đi qua, như biết bao người lính, thầy hiểu được những mất mát của chiến tranh. Thầy vẫn luôn quan niệm một điều: “sống phải thật trách nhiệm với cuộc đời, luôn phấn đấu và cống hiến hết mình cho cuộc sống”. Thầy Khương tâm sự: “Những người lính chúng tôi ngày đó có rất nhiều ước mơ! Có người ước mơ sau này đất nước hòa bình, họ sẽ trở về quê hương góp phần xây dựng và làm giàu trên mảnh đất, nơi “chôn nhau cắt rốn” nuôi mẹ già, em nhỏ. Có người ước mơ sẽ tiếp tục được đi học, trở thành kĩ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học… Thế nhưng, phần nhiều trong số họ đã phải nằm lại chiến trường, giấc mơ còn dang dở”. Còn với bản thân, nhớ lại những dự định của tuổi trẻ ngày ấy thầy hồi tưởng: “Ngày đó, tôi chỉ đau đáu một giấc mơ là trở thành thầy giáo được đứng trên bục giảng. Vì một điều rất giản dị, ngày còn đi học THCS tôi rất ham học toán. Những bài toán khó tôi đều lên hỏi thầy để biết được cách giải nhưng các thầy cứ lần khất mãi… rồi quên luôn! Lúc ấy, tôi chỉ muốn trở thành thầy giáo ngay tức thì để có thể giải được bài toán khó mà mình chưa tìm ra đáp án”.
Tất cả cho sự nghiệp giáo dục
Nhận xét về đồng nghiệp của mình, thầy Lê Mạnh Hùng, giảng viên môn văn và cũng là cựu chiến binh của trường cho biết “Thầy Khương có một cuộc đời sôi nổi, một nhà giáo, một nhà quản lí tâm huyết. Cái mà thầy “giàu nhất” đó là tấm lòng trong sáng, cao thượng dành cho đồng nghiệp và học sinh. Chính tấm lòng này thầy đã cảm hóa được rất nhiều học sinh, sinh viên “cá biệt” để các em trở thành những sinh viên ngoan, học giỏi, những người thầy tốt trong tương lai…”.
|
Rời quân ngũ, thầy Khương đã đi theo con đường sư phạm. Thầy đã thực hiện được dự định của mình và giữ trọn lời hứa với những người đồng đội: đó là trở thành một nhà giáo, truyền tri thức và tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ.
Năm 1976, do được nằm trong danh sách “đặc cách” chuyển ngành thầy đi học sư phạm và tới năm 1981, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An) chuyên ngành lịch sử và được phân công dạy tại Quảng Xương (Thanh Hóa). Khi ấy cùng với tình hình khó khăn chung của đất nước, cuộc sống đa số giáo viên gặp nhiều thiếu thốn. Khoai sắn cũng không có ăn chứ đừng nói là gạo, thầy và người vợ trẻ – cô Nguyễn Thị Ngà đã phải làm thêm rất nhiều việc để sống. Nhiều lúc mệt mỏi thầy muốn bỏ cuộc nhưng rồi ý chí của người lính lại kéo thầy lên và trụ lại với nghề. Thầy tự nhủ: “Cuộc sống khó khăn dễ làm con người “bỏ cuộc”! Nhớ lại hình ảnh những đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường, thấy mình có cực đến bao nhiêu cũng không thấm vào đâu so với sự hi sinh ấy. Tôi lại xốc mình đứng dậy! Phải bám nghề, bám lớp!”. Năm 1984, thầy chuyển vào miền Nam, được đặc cách lên làm Hiệu trưởng Trường THCS 600 B ở Tân Phú, Đồng Nai, vừa làm quản lí vừa dạy học. Với sự phấn đấu không ngừng thầy được lên làm Phó phòng Giáo dục Đoàn 600, rồi lên Trưởng phòng Giáo dục. Từ năm 1992 đến nay thầy đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Tổ chức và Công tác sinh viên của Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôn chỉ trong giáo dục của thầy: “Làm thầy giáo phải có cái tâm trong sáng, phải có tình thương bao la với các thế hệ học trò. Hạnh phúc nhất là được nhìn thấy học trò do mình đào tạo thành đạt trong công việc”. Những năm tháng gắn bó với nghề dạy học, nhiều năm liền thầy đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Thầy đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tổ chức nhà nước; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và Huy chương Cựu chiến binh Việt Nam…
Q. Huy – T.Giang
Bình luận (0)