Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người lính trên bục giảng: Bài 4: Lý tưởng sống của người “lính biển lửa”

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Phạm Thăng – Trưởng phòng Công tác chính trị Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Ước mơ của biết bao thế hệ cha anh trước năm 1975 là khát vọng hòa bình và thống nhất tổ quốc. Sự gian khổ, ác liệt của chiến tranh và cái chết luôn cận kề càng làm cho tình đồng chí, đồng đội của những người chiến sĩ cách mạnh thêm trong sáng, nghĩa tình. Đó là một phần cuộc đời của TS. Phạm Thăng, hiện nay là Trưởng phòng Công tác chính trị, Đại học Kinh tế TP.HCM.
Trong “vùng” địch
Sinh ra tại xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, năm 1971 sau khi thi xong đại học, cậu thanh niên Phạm Thăng “mặt còn búng ra sữa” tạm biệt “quê lúa – Thái Bình” lên đường nhập ngũ, vào chiến trường B2 (miền Đông Nam bộ). Rời xa quê hương bao nhiêu năm nhưng giọng nói của thầy vẫn rặt tiếng… Thái Bình! Mỗi khi nhắc tới những đồng đội đã hi sinh, gương mặt thầy như đang cố kìm nén những giọt nước mắt. Dòng hồi ức của thầy về những tháng năm chiến đấu bên đồng chí của mình cứ bị ngắt quãng bởi những kỷ niệm buồn vui “ùa” về. Dù thể trạng không được “đô” như nhiều bạn bè cùng trang lứa nhưng do nhanh nhẹn, khéo léo thầy được tuyển chọn vào đơn vị đặc công Q.16 (lực lượng tăng cường cho các đơn vị bộ đội chủ lực Miền). Với biệt danh “lính biển lửa” vừa thân thương vừa chứa đựng nhiều gian lao nguy hiểm. Một lần vào khoảng tháng 10-1972, trong trận đánh vào căn cứ suối Ông Hùng thuộc tỉnh Tây Ninh, khi đại đội của thầy áp sát vào tới “thắt lưng” địch thì bị chúng phát hiện. Đủ loại vũ khí cứ vậy nhắm vào chỗ phát ra “nhiệt” của ba quả đạn B40 thầy đeo trên vai mà “xối” đạn. Có thể, do đạn của địch “không có mắt” nên cứ nhắm hai bên và trên đầu thầy mà bay qua. Bắn được năm quả B40 vào “cửa mở”, tiếng hô xung phong đanh thép của đại đội trưởng vang lên, cũng là lúc tai thầy “điếc đặc” nhưng vẫn lao về phía trước. Mất gần hai tiếng đồng hồ bộ đội ta làm chủ trận địa, anh em khiêng đại đội trưởng ra ngoài vẫn còn hằn sâu vết đạn trên trán, thầy làm công việc tiếp quản, giải tù binh và khâm liệm liệt sĩ đưa về hậu cứ. Cả đại đội trong trận này hi sinh gần 2/3 quân số. Đưa thi hài đồng đội về tới cứ, tay còn dính máu vậy mà vẫn bốc cơm ăn một cách ngon lành, ăn xong, do quá mệt thầy nằm ngủ luôn cạnh thi hài anh em, sáng hôm sau tỉnh dậy mới đưa đi chôn cất. Ác liệt là vậy, tổn thất là thế nhưng điều mà thầy và các đồng đội luôn an tâm mỗi khi từ trận địa trở về đó là tình quân dân như “cá với nước”. Dù có như thế nào thì những người dân yêu nước vẫn luôn kề vai sát cánh cùng bộ đội. Lúc này, giữa ta và địch đang ở thế “cài răng lược”, do “chúng” lật lọng không thực hiện đúng những cam kết đã ký trong hiệp định Paris năm 1972 nên việc tiếp tế cho bộ đội, du kích vô cùng khó khăn. Nhớ lại giai đoạn này thầy Thăng cho biết: “Khi hiệp định Paris được ký, bộ đội ta và binh sĩ địch đã bỏ súng xuống mà ôm nhau trong hạnh phúc. Rồi đây, ai cũng sẽ được sống trong hòa bình, không còn cảnh bom rơi đạn lạc. Thời gian không được bao lâu, giới cầm quyền Sài Gòn đã phản bội lại hiệp định, chúng tổ chức cho quân tái chiếm những vùng đất đang tranh chấp, bắt dân vào ấp chiến lược với mục đích ngăn đường tiếp viện cho “cộng sản”. Những người dân kiên trung ngày qua ngày lúc làm ruộng, khi đi chợ… đã tiếp tế lương thực, cung cấp vị trí đóng quân của Mỹ, Ngụy cho bộ đội đánh thắng hết trận này tới trận khác. Và cũng từ đây tình yêu đã “đơm bông”, thầy gặp cô Ngọc Yến con chú Hai Bía trong những lần tiếp tế. Qua ánh mắt, nụ cười hai người đã “hẹn” khi đất nước thống nhất sẽ nên duyên vợ chồng. Gần một năm yêu nhau, chỉ được gặp nhau trong chốc lát rồi lại vội vàng trở về với nhiệm vụ của mình… Rồi một hôm thầy nhận được hung tin: Trong một lần đi công tác cô Yến bị vấp mìn và hi sinh, nén nỗi đau thầy tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng, thống nhất tổ quốc mới về được Trảng Bàng, Tây Ninh quê hương của người con gái anh hùng để thắp nén nhang thơm. Thầy Thăng tâm sự: “Dù mỗi người chúng tôi khi đó có những cảm xúc khác nhau về cuộc chiến, thế nhưng điều đặc biệt là chúng tôi luôn cháy lên một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng ở ngày mai. Ai cũng ý thức được mình là ngọn lửa góp vào muôn nghìn ngọn lửa cùng nhau thắp sáng con đường tiến tới độc lập tự do của dân tộc”.
Hạnh phúc với những gì mình có
Cũng như bao đồng đội khác, sau khi chiến tranh qua đi thầy tiếp tục với ước mơ của mình là đi học đại học. Tháng 9-1975 thầy học tại Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, tới năm 1980 tốt nghiệp ra trường. Về công tác tại Trường Đại học Nông lâm, làm giảng viên và kiêm nhiệm thêm công tác chính trị, sau này do một số thay đổi thầy được điều về làm cán bộ chính trị của Trường Đại học Đại cương, tới năm 1986 thì về giảng dạy và làm Trưởng phòng, Phòng Công tác chính trị, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho tới bây giờ. Gần 30 năm gắn bó với bục giảng, đặc biệt là làm công tác chính trị. Mà muốn làm được công việc này tốt, người cán bộ chính trị phải đặt vị trí của mình vào vị trí của sinh viên. Phải cùng ăn cùng ngủ… và cùng chơi để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của sinh viên, các em cần gì và muốn gì? Nói về lý tưởng sống của sinh viên giữa hai thời đại, thầy Thăng chia sẻ: “Nhìn chung thì sinh viên thời đại nào cũng giống nhau cả thôi. Nếu có khác thì chỉ khác đôi chút ở hoàn cảnh sống. Ở thời đại của thầy, sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung, được giáo dục rằng việc đi nghĩa vụ quân sự, lên đường cầm súng bảo vệ tổ quốc là một vinh dự. Và hầu hết thanh niên đều xung phong ra mặt trận và cảm thấy tự hào khi mình được đứng trong hàng ngũ những người lính, mang trên vai nghĩa vụ cao cả là bảo vệ tổ quốc. Thế nên dù biết ra trận có thể hi sinh, đi vào chỗ chết nhưng vẫn cảm thấy rất nhẹ nhàng, đơn giản, sống cuộc sống của bộ đội cũng thấy lãng mạn, yêu đời. Sau giải phóng, đi học được nghỉ hè, ba lô trên vai thầy về thăm quê, mới bước vô cổng nhà, mọi người “hoảng sợ” vì người thân trong gia đình tưởng thầy là “ma”. Mùa khô năm 1972 những người lính đặc công trước khi vào trận đánh, bao giờ cũng được làm lễ “truy điệu” sống trước và trong trận đánh ở Trảng Bàng do bị thương và lạc đơn vị, thầy được đơn vị bạn đưa về quân y viện của Cục. Đơn vị ai cũng tưởng thầy đã hi sinh vậy là có giấy báo tử về địa phương, gia đình đã lập bàn thờ nên mới có chuyện cười ra nước mắt đó. Mẹ thầy khi đó thấy vậy bán tín bán nghi đến gần cầm tay, thấy đúng là người thật, lúc đó gia đình mới tin là thầy còn sống. Tuy bây giờ con cái đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định gia đình thầy vẫn “chung thủy” với căn nhà tập thể của khu ĐHQG TP.HCM tại Thủ Đức, hàng ngày phải đi làm sớm nhưng với thầy như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi.
Lê Quang Huy
“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, rất nhiều thế hệ thanh niên kể cả cán bộ khoa học, các nhà giáo, học sinh, sinh viên đã hăng hái tòng quân. Thầy Phạm Thăng và những CCB hiện đang công tác tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng là những người trong số đó. Mỗi thầy, cô là tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên nhà trường học tập và noi theo về tinh thần cách mạng trong chiến đấu và phẩm chất vượt qua mọi khó khăn trong học tập, rèn luyện để trở thành những nhà giáo gương mẫu trong cuộc sống và công tác “trồng người””, thầy Nguyễn Quốc Tế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT nhà trường tâm sự.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)