Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người lính trên bục giảng: Bài cuối: Người thầy giáo thương binh

Tạp Chí Giáo Dục

 

PGS.TS Viện trưởng Viện KHGD Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Phạm Xuân Hậu  

PGS.TS Phạm Xuân Hậu là giáo viên của nhiều thế hệ SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thầy từ chiến trường trở về với nhiều vết thương mang trên người. Khi những bài giảng theo thầy ngược dòng quá khứ, trở lại với lịch sử thì hình ảnh về người thầy – người chiến sĩ như càng được khắc sâu hơn vào tâm khảm của lớp trẻ.  
Người lính “ăn Bắc giặc Nam”
Phạm Xuân Hậu học xong năm cuối của Trường cấp 3 Đông Quan, tỉnh Thái Bình đúng vào thời điểm quân và dân miền Nam chuẩn bị đợt tổng tiến công mùa xuân năm Mậu Thân. Hè năm 1967, cùng với nhiều bạn bè cùng lứa, Hậu lên đường nhập ngũ với sức trai Phù Đổng của quê hương 5 tấn. 3 tháng trời huấn luyện ở Lục Ngạn (Hà Bắc) Hậu trở thành chiến sĩ pháo bộ binh của Sư đoàn 320 và đã lớn khôn hơn về dáng vóc và cả nhận thức tư tưởng. Nếu trước đây, sách vở là bạn bè thì hôm nay giữa chốn thao trường súng đạn, đội hình đội ngũ là những bài học đầu tiên mà người lính phải thuộc nằm lòng. Những ngày cuối năm gần đến Tết Nguyên đán, chiến sĩ nào cũng gửi lòng về quê nhà nhưng theo tiếng gọi của tổ quốc tất cả xốc ba lô đứng vào đội ngũ lên đường diệt giặc. Cuộc hành quân mở màn của Sư đoàn 320 đã được xuất phát từ Lục Nam đi dọc các tỉnh phía Bắc vào đến Đông Hà, Cửa Việt. Vùng đất này thuộc chiến trường B5 được coi là “chảo lửa miền Trung” suốt ngày bom cày đạn xới. Đường hành quân không chỉ vượt qua dốc đá cheo leo, suối ngàn thác lũ mà còn lượn quanh những hố bom, hàng rào dây thép gai của kẻ thù. Biết vào Nam là phải đối mặt với đạn bom nhưng các anh lại không ngờ chiến trường quá khốc liệt và dữ dội đến như thế. Đêm đêm, tàu chiến Mỹ tuần tra dọc bờ biển Cửa Việt liên tục bắn pháo vào đất liền như muốn hủy diệt sự sống nơi đây. Những ngày đầu không quen anh em không thể nào ngủ được vì tiếng pháo nổ đì đùng suốt đêm. Trận đánh mà anh lính trẻ Phạm Xuân Hậu nhớ nhất là cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1968: “Đêm 30 tết đơn vị pháo bộ binh chúng tôi đang đóng quân ở Vĩnh Linh thì có lệnh vượt sông Bến Hải. Lúc đó mới 8 giờ tối. Trước khi xuất phát, nghe tin được nhận quà xuân của Bác Hồ ai cũng vui mừng và cảm động. Dù mỗi người chỉ nhận được một chiếc kẹo Hải Châu và một điếu thuốc lá Điện Biên nhưng giữa đêm đông giá lạnh, chiến sĩ nào cũng thấy ấm lòng và thanh thản”. Trước giao thừa, tiếng súng của quân giải phóng miền Nam vang lên giữa bầu trời Quảng Trị báo hiệu giờ G của chiến dịch “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Như hàng ngàn lớp sóng đại dương, quân ta từ nhiều ngả vây lấy đồn thù. Trận đầu thắng lớn nhưng chúng ta cũng hao tổn rất nhiều sinh lực, đại đội của Hậu ra đi 76 người nhưng chỉ có 17 chiến sĩ trở về. Thuộc sư đoàn cơ động nên khi cho kẻ thù “ăn một cái tết lịch sử”, đơn vị lại quay ra Bắc để tiếp tục huấn luyện và bổ sung lực lượng. Các anh được mang danh đội quân “cơm Bắc giặc Nam” là vì thế.
Đời chiến binh của các anh hầu như không có một ngày yên nghỉ. Năm 1969, sau khi phục hồi sinh lực, đại đội của Hậu lại băng rừng vượt suối lần thứ 2 giữa đại ngàn Trường Sơn để tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Nếu trận đánh trước Hậu may mắn sống sót trở về thì lần này anh lính trẻ lại bị sức ép của bom và bị thương nặng ở đùi trái. Vết thương ra quá nhiều máu làm anh hôn mê, mãi khi ra đến bệnh viện quân đội ở Thanh Hóa anh mới tỉnh lại.
Không thể trở lại chiến trường cùng đồng đội, năm 1972 Hậu về Tỉnh đội Thái Bình công tác và một năm sau trở thành SV Khoa Địa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để nối nghiệp nghề giáo trong gia đình. 
“Thắng trận” dồn dập
Cũng giống như bao chiến sĩ khác, ký ức về chiến trường trong ông là “những ngày nắng đốt và đêm mưa dội, mỗi bước đường là mỗi bước hy sinh”. Kỷ niệm khi quên khi nhớ nhưng tình cảm của người dân đối với anh bộ đội Cụ Hồ trong những lúc cơ cực đói khổ thì không bao giờ ông để trôi theo thời gian. “Có lần đơn vị chúng tôi đóng quân ở huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), thấy chúng tôi gầy ốm xanh xao bà con thương lắm. Tôi nhớ nhất là bà cụ chủ nhà vì biết chúng tôi thường từ chối nên cứ rình đến bữa ăn là giấu một rá cơm đằng sau lưng rồi đổ ụp vào nồi bắt anh em ăn thật nhiều cho lại sức. Tình cảm đó như tiếp thêm sức mạnh cho người lính khi ra trận”. Do bị sốt rét liên tục, vết đạn hoành hành, chữ nghĩa một phần rơi rụng hết nên khi quay lại giảng đường những SV mặc áo lính như ông lại phải chiến đấu với những thử thách mới cũng không kém phần gian khó. Thế nhưng do được “tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh” nên ông đã chiến thắng được tất cả. Năm 1977 ra trường, ông có đủ tiêu chuẩn về quê dạy chữ nhưng lửa nhiệt tình vẫn hừng hực cháy trong tim người chiến sĩ trẻ nên ông tình nguyện vào miền Nam công tác. Mới đứng trên bục giảng được 2 năm thế mà ông quyết định ra Hà Nội học sau ĐH làm cho nhiều người lấy làm lạ. Thời kỳ đó “cơm cao gạo kém” khó khăn vô cùng thế mà ông dám dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, điều mà ngay đến cả SV trẻ cũng không hề muốn. Nhưng chính từ nền tảng vững chãi đó ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2003. Không chỉ trong chiến tranh mà khi đã xuất ngũ, người thầy giáo thương binh đã “thắng trận” dồn dập trên mặt trận văn hóa. 16 năm giữ chức Phó rồi Trưởng khoa Địa lý, năm 2004 ông được phong hàm phó giáo sư. Bốn năm nay là Viện trưởng Viện KHGD nhưng ông vẫn gắn bó thủy chung với bục giảng và thực hiện được 4 dự án lớn về tiêu chí nghiệp vụ sư phạm, xây dựng chuẩn THCS, quy hoạch mạng lưới trường ĐH các tỉnh thành phía Nam… Trong những giờ học địa lý của thầy Hậu, các em sinh viên không chỉ được tiếp thu về tri thức sách vở mà còn được người thầy giáo thương binh truyền thêm lòng yêu giang sơn tổ quốc, quý trọng từng địa danh lịch sử phải đổi lấy bằng máu xương của nhiều đồng chí đã ngã xuống cho nền độc lập của dân tộc.
Hương Thủy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)