Vì muốn con “giàu có” về tri thức, có những người mẹ đã luôn sát cánh cùng con trong suốt quá trình học tập. Phải đạp xe chở con đến lớp học ròng rã nhiều năm liền, thậm chí phải rời quê theo con vào thành phố, họ cũng không quản, chỉ cần con học tập tốt là thấy ấm lòng…
7 năm cùng con đi học
Sinh ra với cơ thể không lành lặn, em Nguyễn Thị Ngọc Trinh (lớp 7, Trường THCS Thống Linh, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) không có khả năng tự đi lại như những đứa trẻ khác. Tuy giờ đã là học sinh lớp 7 nhưng trông Trinh nhỏ bé, mảnh mai và yếu ớt như học sinh tiểu học. Xương tay, chân teo nhỏ, giòn và yếu, mọi sinh hoạt của em đều nhờ vào bàn tay của mẹ. 7 năm liền, cô Dương Thị Ngọc – mẹ em – ngày nào cũng đạp xe quãng đường 3 cây số đưa con đi học. Giờ Trinh vào lớp, cô Ngọc cũng mắc võng đợi ngoài sân trường. Cô mang theo một số công việc thường ngày tranh thủ làm như may bao đựng lúa… Không phụ lòng cha mẹ, 7 năm liền năm nào Trinh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trinh chia sẻ, với em việc học khó khăn hơn những bạn bình thường rất nhiều. Bởi vì em không thể tự mình di chuyển hay thực hiện những sinh hoạt cá nhân. Và điều khó nhất đối với Trinh là vượt qua nỗi mặc cảm tật nguyền trước ánh mắt bè bạn. Cô học trò nhỏ xúc động khôn nguôi khi nghĩ về mẹ mình, người đã tần tảo đội mưa che nắng cho em đi học. Trinh cũng rất thương người cha đã thay mẹ gánh vác công việc đồng áng, chăm lo kinh tế gia đình để em có điều kiện sống và học tập. Học bổng “Vươn lên” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng mới đây như một món quà ghi nhận sự nỗ lực vượt qua số phận của Trinh. Bồng con lên nhận học bổng, cô Dương Thị Ngọc không giấu nổi xúc động: “Sinh ra, thấy con không lành lặn như bao đứa trẻ bình thường, làm mẹ, tôi càng thương con vô cùng. Còn gì vui hơn khi thấy con mình ham học và học giỏi. Tôi cầu mong mình luôn khỏe mạnh để đưa con đi học để sau này nó kiếm được cái nghề phù hợp có thể tự lo cho cuộc sống của mình”. Nói về ước mơ, cô học trò nhỏ này cũng rất khiêm tốn và thực tế: “Em sẽ chọn học một ngành gì đó mà công việc sau này liên quan đến máy vi tính chẳng hạn, vì nó phù hợp với điều kiện sức khỏe của em”.
Với Trinh, ngày đầu tiên đi học đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng cô bé. “Lúc đó, em thấy xung quanh cái gì cũng lạ. Sợ mẹ bỏ về trước, em òa khóc. Nhưng mẹ đã ở lại bên cạnh em”. Và suốt 7 năm qua, Trinh không lúc nào òa khóc với nỗi sợ hãi nữa vì luôn có mẹ kề bên mỗi ngày đến lớp.
Nặng gánh nuôi con đến trường
Con thi đậu đại học, với cô Sương quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi thì niềm vui đến, nỗi lo cũng theo về. Những thửa ruộng ít ỏi với bao năm thất mùa do khí hậu miền Trung quanh năm khô cằn, khắc nghiệt không đủ nuôi con ăn học, người mẹ miền Trung ấy quyết định theo con vào Sài Gòn…
Bốn năm trời rong ruổi khắp các nẻo đường đến từng con hẻm nhỏ với gánh đậu hũ nặng trĩu vai, cô Sương đã chắt chiu từng đồng tiền lời nuôi cô con gái lớn học đại học. Giờ, khi cô con gái lớn ra trường và lập gia đình, bé Châu, con gái nhỏ của cô lại tiếp tục vào học tại khoa Kinh tế (ĐHQG TP.HCM). Căn phòng trọ ven khu vực công viên Gia Định hai mẹ con đang ở khá chật chội nhưng gọn gẽ. Đó là căn phòng trọ mà mấy mẹ con cô đã ở từ dạo đặt chân đến Sài Gòn. Hồi mới vào, chưa quen đường sá, vốn liếng lại ít ỏi, mỗi ngày cô chỉ bán được khoảng hơn một ký đậu. Bị… lạc hoài rồi cũng nhớ đường, dần dần, cô “gầy” thêm được nhiều mối mới. Bây giờ, bán hết một nồi đậu hũ, trừ ra các khoản chi phí, mỗi ngày cô kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng. Số tiền này, cô vừa chi tiêu tằn tiện vừa tranh thủ dành dụm lo các khoản phí học tập cho con. Cô Sương nói: “Chẳng có ai lại muốn xa gia đình, con cái, nhưng nếu chỉ ở quê làm ruộng, cuộc sống đã chật vật thì nói gì nuôi con học đại học”.
Năn nỉ mãi, cô Sương mới cho tôi xem vết hằn tím đen trên đôi vai, dấu tích của nhiều năm trĩu gánh đậu hũ đi bán. Và mỗi ngày đôi vai gầy ấy đã rong ruổi mưu sinh khắp các nẻo đường Sài Gòn. Niềm mong mỏi của người mẹ tảo tần này là sau khi con cái học thành tài sẽ trở lại quê hương sống cho thỏa những ngày xa cách…
M.T
Bình luận (0)