Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người “nắn” xương…

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Hồ Tiềm làm giày cho bệnh nhân

Không ít người gọi vui về công việc của các kỹ thuật viên chỉnh hình là “nắn” xương.
Để có những dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân, không chỉ đòi hỏi người làm ra nó phải được đào tạo qua trường lớp mà còn có lòng yêu thương con người.
“Nắn” xương cho người
Nói “nắn” xương cũng đúng bởi những ca vẹo cột sống nhẹ có thể điều trị bảo tồn bằng các dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình mà bệnh nhân mang trên người. Những dụng cụ đó được bàn tay khéo léo của chính các kỹ thuật viên làm ra theo chỉ định của bác sĩ.
Khâu chỉnh hình thuộc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động (Q.10, TP.HCM) có số nhân viên, kỹ thuật viên không quá 10 người. Mỗi người làm ở mỗi khâu, mỗi công đoạn khác nhau như bó bột, làm giày, nẹp, áo nẹp, dây đai, chân, tay giả… Nhìn những bàn tay tỉ mẫn, chăm chút từng li từng tí cho chiếc nẹp, chiếc giày, dây đeo, áo nẹp… mới thấy được nghề này cũng lắm công phu. Một chiếc giày hay một chiếc áo nẹp nhôm làm ra lệch số đo so với chỉ định, không chỉ không có tác dụng hỗ trợ chỉnh hình mà còn làm cho bệnh tật của bệnh nhân trầm trọng hơn.
Tại phòng làm giày, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về công việc từ anh Hồ Tiềm, kỹ thuật viên lâu năm của trung tâm. Anh Tiềm cũng là người duy nhất của trung tâm đảm trách khâu này. Cuộc chuyện trò của tôi và anh có đôi lúc phải sử dụng giấy bút. Số phận của anh kém may mắn. Không chỉ mắc bệnh câm điếc bẩm sinh mà anh còn bị tàn tật cơ quan vận động. Tuy nhiên, với nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống, anh đã chiến thắng số phận ngặt nghèo. Thời gian sau, anh may mắn được một tổ chức từ thiện đưa đi nước ngoài điều trị và học nghề.
Trở thành kỹ thuật viên chỉnh hình của trung tâm này nên hơn ai hết, anh Tiềm hiểu rõ nỗi bất hạnh của người tàn tật vận động. Công việc ở đây không chỉ giúp anh tự nuôi sống bản thân mà còn làm việc có ích cho xã hội. Anh không nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu đôi giày cho người tàn tật. Mỗi đôi giày là một hoàn cảnh đáng thương.
Bác sĩ Mai Văn Thu phụ trách Phòng Kế toán tổng hợp Phân xưởng Chỉnh hình cho biết: “Đa số bệnh nhân của trung tâm là những ca được điều trị vật lý trị liệu và chỉnh hình của các dự án, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. Trung tâm là nơi điều trị, hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho đối tượng là bệnh nhân nghèo. Dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình cho bệnh nhân chủ yếu là nẹp nhôm, nẹp nhựa, áo nẹp, giày tật, giày dùng nẹp và sửa chữa các dụng cụ… Các dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình được sản xuất theo chỉ định nên tất cả mọi công đoạn đòi hỏi tính tỉ mẫn rất cao và tính chính xác tuyệt đối.
Nghề không của riêng ai
Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động được thành lập từ năm 1983. Ban đầu chỉ phục vụ điều trị cho trẻ em. Về sau do nhu cầu của xã hội, đối tượng phục vụ được mở rộng ra cả người lớn khu vực phía Nam.
Tiếp chuyện với chúng tôi, một bệnh nhân đến từ Lâm Đồng thổ lộ: “Tôi thật sự cảm phục tấm lòng của những kỹ thuật viên trung tâm. Từ lời nói đến việc làm, các anh luôn quan tâm đến bệnh nhân. Gặp bệnh nhân ở đâu là dừng lại hỏi thăm ở đấy”. Dù mới đến đây điều trị nhưng tôi thấy như đã thân quen tự bao giờ. Một nụ cười, một cử chỉ ân cần thăm hỏi… đó cũng là một “liều thuốc” tinh thần giúp bệnh nhân mau lành bệnh.
Anh Võ Ngọc Thạch, Quản đốc Phân xưởng Chỉnh hình cho biết: “Kỹ thuật viên khi tham gia khám cho bệnh nhân phải có kiến thức cơ bản về bộ môn chỉnh hình. Người làm công việc này được đào tạo chính quy từ Trung tâm Đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình – Vietcot tại Hà Nội hoặc được đào tạo ở các tổ chức dạy nghề từ thiện có uy tín ở nước ngoài. Bệnh nhân sử dụng dụng cụ chỉnh hình ít ra phải đạt được tiêu chuẩn hỗ trợ. Để đạt được tiêu chuẩn này, kỹ thuật viên phải có cái tâm, có đạo đức nghề nghiệp và luôn hết lòng vì bệnh nhân”.
Quy trình làm việc của bộ phận chỉnh hình cực kỳ nghiêm ngặt mà nhất nhất người làm phải tuân thủ. Theo kỹ thuật viên Quốc Hùng thì khi bệnh nhân có dấu hiệu vẹo cột sống đến khám, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định, sau đó kỹ thuật viên mới bó bột lấy mẫu (mẫu này gọi là âm bản) rồi tiến hành chỉnh sửa trên cốt bột sẽ cho ra dương bản. Dương bản là dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình cần thiết và bắt buộc cho bệnh nhân vẹo cột sống ấy. Cũng theo anh Hùng, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân vẹo cột sống, trong đó có không ít nữ sinh (phát hiện khi đi may áo dài). Nếu bệnh nhân có điều kiện kinh tế thì điều trị phẫu thuật chỉnh hình, khó khăn thì điều trị bảo tồn (nếu bệnh nhẹ) bằng các dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình bên ngoài do kỹ thuật viên của trung tâm làm ra.
Bài, ảnh: Trọng Tri

Mỗi đôi giày anh Tiềm làm ra phải là một sản phẩm khoa học, được bệnh nhân hài lòng. Rồi tự tay anh sẽ mang giày cho bệnh nhân. Mỗi lần như vậy, anh đều nguyện cầu cho bệnh nhân mau lành bệnh. Với anh, hạnh phúc đơn giản là thế.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)