Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những người ngày ấy – bây giờ: Gặp lại “o du kích nhỏ”…

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ nổi tiếng trong cả nước, bức ảnh “O du kích nhỏ” của nhà báo Phan Thoan đã gây được tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới bằng sức mạnh từ ý chí chiến đấu của một đất nước nhỏ bé nhưng quả cảm. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua bức ảnh đó đã đi vào lịch sử như một minh chứng hùng hồn về cuộc chiến không cân sức.

“O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai cùng con cháu sinh sống tại Hà Tĩnh (chụp ngày 11-9-2016). Ảnh: Quang Trung 

Là đồng hương của người nữ dân quân nhỏ bé giương cao nòng súng, mỗi lần gặp lại bà Nguyễn Thị Kim Lai, tôi như được sống lại những khoảnh khắc ác liệt và hào hùng của cuộc chiến.

Tấm ảnh đi vào lịch sử

“O du kích nhỏ” Kim Lai cho biết, mỗi khi nhắc đến tấm hình đi vào lịch sử nhiếp ảnh thế giới, bà như thấy tuổi trẻ của mình vẫn còn đâu đó. Người mà bà cảm ơn đầu tiên đó là nhà báo Phan Thoan đã kịp bấm máy trong một khoảnh khắc “một đi không trở lại” để có được bức ảnh nổi tiếng: “Hồi đó học xong lớp 7, tôi cùng bạn bè vừa tốt nghiệp cấp 2 tham gia lực lượng dân quân tự vệ địa phương khi mới 17 tuổi. Ban ngày ra trận địa trực chiến còn ban đêm lại tranh thủ đào công sự vì máy bay bắn phá suốt ngày. Huyện Hương Khê là huyết mạch giao thông chuyển quân và hàng vào Nam qua con đường 15B”. Theo lời kể của bà, vào một buổi sáng cuối năm 1965, sau hàng loạt máy bay Mỹ quần đảo trên bầu trời để ném bom xuống cầu sắt Đá Lậu ở xã Lộc Yên thì một chiếc bị dân quân bắn rơi. Khi phát hiện chiếc dù bung xuống thì mọi người chia nhau bủa vây khu rừng để quyết bắt sống tên phi công. Mãi đến chập tối khi đi qua con suối nhỏ o dân quân 17 tuổi mới phát hiện tên giặc đang nấp trong bụi rậm. Sau khi nghe 3 phát súng bắn chỉ thiên, đồng đội đã kịp thời đến hỗ trợ: “Lúc đó tôi chỉ có 37kg, nhưng viên phi công nặng đến 125kg. Cũng chính vì thế mà mọi người bảo tôi áp giải để xem sao”. Thế là một cô gái nhỏ tuổi và nhỏ con nhất đã kiêu hãnh chĩa súng vào người phi công Mỹ đi bộ hơn 10 cây số. Thật may mắn khi hình ảnh đó được nhiếp ảnh gia họ Phan ghi lại.

Khép lại quá khứ

Một năm sau khi được chọn triển lãm toàn quốc, bức ảnh bắt đầu được sự chú ý của công luận bởi thế đối nghịch trong bố cục tác phẩm. Bên cạnh viên phi công to xác cúi đầu đi lặng lẽ là hình ảnh cô gái Việt Nam chân yếu tay mềm chĩa súng lên cao trong niềm kiêu hãnh. Đó cũng là lý do mà tác giả đã đặt tên cho tác phẩm nhiếp ảnh của mình là Uy thế không lực Hoa Kỳ với thái độ dè bỉu, chế nhạo. Nhà thơ Tố Hữu đã đúc kết được nhiều chân lý từ bức ảnh chỉ có 2 con người trong từng tư thế khác nhau. Đó là sự đối nghịch giữa sức mạnh vật chất và ý chí tinh thần, giữa niềm tự hào chiến thắng và sự thất bại nhục nhã. Đây còn là đòn chí mạng đánh vào quan niệm “lấy thịt đè người” hay “cá lớn nuốt cá bé” trong chiến tranh và tư tưởng cổ hủ “trọng nam khinh nữ” của giai cấp phong kiến.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng bức ảnh “O du kích nhỏ” đã đi vào lịch sử như một minh chứng hùng hồn về cuộc chiến không cân sức. 

Tại ngôi nhà của bà Kim Lai ở TP.Hà Tĩnh, bên cạnh những tấm hình của gia đình còn có bức hình của bà chụp với viên phi công sau 30 năm gặp lại. Theo bà Lai, đây là cuộc gặp gỡ quá bất ngờ bởi vì bà nghĩ rằng 2 người cách xa nửa vòng trái đất khó có cơ hội gặp nhau, nhất là khi ai cũng đã có một cuộc sống riêng ổn định: “Một lần đang sang nhà hàng xóm chơi thì tôi nghe có khách vào nhà. Đến khi được giới thiệu tôi mới biết đấy là Robinson và gia đình đã trở lại Việt Nam về Hương Khê thăm tôi. “Cô vẫn vậy chẳng lớn được bao nhiêu” – câu nói đầu tiên của ông ấy làm ai cũng phì cười vì thật dí dỏm”. Dù trước đó đứng ở hai bên chiến tuyến nhưng lần này họ gặp nhau trong những cái bắt tay và những câu hỏi thăm cởi mở thân tình. “Lúc đó, tôi chưa thạo về súng đạn và nếu anh ta bắn trước thì chắc sẽ không có được cuộc gặp ngày hôm nay. Nhưng ông ấy cho biết không bao giờ có chuyện đó xảy ra vì thấy tôi cũng chẳng khác gì đứa em gái ở nhà”. Đó là điều mà cho đến bây giờ bà vẫn còn cảm phục “ông phi công Mỹ to lớn lênh khênh” mang đủ súng ống trên người.

Cùng với Robinson, bà thật sự cảm ơn Đài Truyền hình Nhật Bản NHK đã tạo nên dịp may hiếm có để 2 người vốn trước kia là kẻ thù không đội trời chung bây giờ được gặp nhau để làm bộ phim tài liệu về bức ảnh một thời vang bóng toàn cầu. Họ gặp nhau chỉ để kể lại những kỷ niệm vui bằng tấm lòng tha thứ bao dung mà không hề vẩn đục một chút thù hận. Cũng theo tâm sự của “O du kích nhỏ” năm nào, mọi người còn sống đến ngày hôm nay là điều quá may mắn khi chiến tranh đã kết thúc. Có được hạnh phúc, tự do thì không quên quá khứ vì có quá khứ mới có ngày hôm nay. Hãy gạt đi mọi đau buồn, thù hận để cuộc đời sống thanh thản hơn, sống tốt hơn để xứng đáng với những người đã mất. Hình tượng “O du kích nhỏ” chỉ là một trong nhiều biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng nên bà tự nhận mình chỉ là hạt cát nhỏ bé so với sự hy sinh lớn lao của cả dân tộc. Điều này càng tô thêm vẻ đẹp anh hùng bất khuất của người phụ nữ Việt Nam thời đánh Mỹ xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ trao tặng.

Hương Thủy 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)