Không có những yếu tố kịch tính nhưng chính sự mộc mạc, chân chất của những “người nhà quê” đã góp phần giúp câu chuyện của My Liberation Notes truyền tải được nhiều thông điệp đến khán giả.
Trái ngược với những gam màu tươi sáng của các bộ phim chiếu cùng thời điểm, My Liberation Notes (Nhật ký tự do của tôi) ngay từ tập đầu tiên đã là một gam màu tối đặc trưng với những thước phim đậm chất hiện thực.
Cách xây dựng hình ảnh những “người nhà quê” của My Liberation Notes chân thực đến đau lòng. JTBC
Bộ phim chính là một phương thuốc chữa lành hiệu quả dành cho những người hướng nội cần xoa dịu nội tâm, vậy nên dù chỉ mới công chiếu được 2 tập nhưng My Liberation Notes đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Đặc biệt cách xây dựng hình ảnh những “người nhà quê” và câu chuyện bị phân biệt đối xử khi sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ khiến người xem không khỏi xót xa.
My Liberation Notes với sự tham gia của ba diễn viên chính Kim Ji Won, Lee El và Lee Min Ki. JTBC
My Liberation Notes xoay quanh câu chuyện về ba chị em nhà Yeom bị cuộc sống thành thị của Seoul bào mòn cả thể xác lẫn tâm hồn chỉ vì không phải là người thủ đô. Cả ba đều là nhân viên công sở bình thường, do tài chính không mấy khá khẩm nên cả ba phải đi đi về về hàng chục cây số hằng ngày từ nhà đến chỗ làm và ngược lại. Suy nghĩ luôn day dứt trong lòng cả ba chính là tìm cách thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt đó nhưng thực tại lại không cho phép. Mỗi tập phim dù không có những tình tiết kịch tính nhưng nhờ những câu chuyện đời thường của các nhân vật cùng những lời thoại đắt giá, không kém phần hài hước đã giúp người xem My Liberation Notes trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi xem phim.
Phũ phàng nhưng đầy thực tế như thế
Chị cả Yeom Ki Jung do nữ diễn viên Lee El thủ vai là một người phụ nữ đã quá lứa lỡ thời. Ngoài tuổi 30, Ki Jung ngán ngẩm việc khoảng cách địa lý xa xôi liên tiếp ngăn cản những buổi hẹn hò và xem mắt của cô. Thậm chí, Ki Jung vô cùng ấm ức khi anh chàng trưởng phòng cưa cẩm và hẹn hò với gần hết những cô gái trong công ty nhưng chỉ trừ cô ra bởi những người đàn ông Seoul đều không thích người nhà quê.
Chị cả Yeom Ki Jung do nữ diễn viên Lee El thủ vai là một người phụ nữ đã quá lứa lỡ thời. JTBC
Đôi khi, Ki Jung còn mong muốn cô sẽ sống ở thời Joseon để có được một cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà không cần phải chọn lựa. Khi trẻ, cũng như những người phụ nữ hiện đại khác, Ki Jung muốn trở thành một người phụ nữ độc lập về cả cuộc sống lẫn tài chính nhưng không ngờ đến tuổi lưng chừng này cô nàng bỗng cảm thấy vô cùng chênh vênh bởi người yêu cũng không có mà tiền bạc lại càng không.
Anh thứ Yeom Chang Hee (Lee Min Ki) là người đàn ông ba “không” – không tiền, không nhà, không xe. JTBC
Không khá hơn mấy với chị Ki Jung, người anh thứ Yeom Chang Hee (Lee Min Ki) cũng vô cùng chật vật kiếm sống ở Seoul. Chang Hee cũng hẹn hò và mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ” nhưng lại bị bạn gái hết lần này đến lần khác tìm cách chia tay và gọi thẳng mặt là “đồ nhà quê”. Là đàn ông ba “không” – không tiền, không nhà, không xe nhưng lại có lòng tự trọng cao ngất, Chang Hee trở thành cái gai trong mắt gia đình. Bố mẹ ngán ngẩm mỗi bữa cơm khi anh nhắc đến chuyện chuyển nhà hay mua xe, cũng như chị em trong nhà đã chán ngắt những lời than thở của anh về công việc, cuộc sống.
Mi Jung do Kim Ji Won thủ vai trở thành nàng thơ mới của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc
Cô út Yeom Mi Jung với diễn xuất của Kim Ji Won đã giúp cô nàng trở thành nàng thơ trầm buồn mới của màn ảnh Hàn Quốc. Tính tình vốn ít nói và lặng lẽ, cô chăm chỉ làm việc ở Seoul nhưng luôn cô đơn và nhạt nhòa ở những đám đông náo nhiệt. Mi Jung phải khép nép xin phép không tham gia hoặc về sớm trong những buổi tiệc tùng ăn uống cùng đồng nghiệp vì sợ không thể bắt được xe. Thậm chí, phúc lợi của công ty là được tham gia một câu lạc bộ tự chọn theo sở thích cá nhân nhưng Mi Jung cũng không thể tham gia bởi lý do nhà xa. Đạt chuẩn mực của một cô gái ngoan hiền, hiếu thảo, không ai ghét cũng chẳng ai thích vì “dành cả thanh xuân” để kịp giờ tàu chạy, cuộc sống của Mi Jung cô đơn đến đau lòng người xem.
Ít nói và trầm tính nhưng hình như nỗi buồn luôn ngự trị trong đôi mắt của Mi Jung. JTBC
Hẳn cái mác “người nhà quê” đã làm cho chị em họ Yeom kiệt quệ đến nỗi mỗi khi trở về nhà gặp nhau sau một ngày dài cũng chẳng thể ríu rít chuyện trò như lẽ tất yếu giữa những người thân trong gia đình, mà chỉ có những gương mặt bơ phờ đầy mệt mỏi, sự im lặng nối tiếp nhau trong nỗi chán chường không dứt. My Liberation Notes đã lựa chọn cho mình một câu chuyện phũ phàng nhưng đầy thực tế như thế. Mỗi nhân vật đều chân thật và đời thường đến mức gợi lên trong người xem những sự đồng cảm sâu sắc rằng vẫn đâu đó trên cuộc đời này cũng còn những người vẫn đang không ngừng vật lộn, nỗ lực mỗi ngày để tồn tại như mình.
Theo Phương Trinh/TNO
Bình luận (0)