Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người “sống trong rác – chết vùi trong rác”

Tạp Chí Giáo Dục

 

Bài 1: Bới rác tìm… cơm

Đêm nay cũng như nhiều đêm khác, bác Nguyễn Văn Tuấn với dáng người gầy còm đang khom mình vật lộn với đống rác (tại bãi rác Phong Phú trên đường Tăng Nhơn Phú B, Q.9 ) để mưu sinh. Mùi hôi thối từ bãi rác bốc lên nồng nặc, nhưng đó lại là nơi mưu sinh của nhiều phận đời. Nơi kiếm tiền lo bát thuốc lúc đau ốm, nơi để bao người cha người mẹ chắp cánh ước mơ cho những đứa con của mình…
Trắng đêm bới rác
Chúng tôi đến bãi rác Phong Phú khi trời chiều chập choạng, nhưng cái ngột ngạt của đợt nắng chiều kéo dài làm cho không khí ở đây trở nên khó chịu vô cùng. Mùi xú uế phả ra thật khủng khiếp, vậy mà có gần chục người già trẻ gái trai đánh vật với đống rác hàng đêm để kiếm sống. Thấy chúng tôi đến, bác Tuấn với gương mặt đen sạm ngã lưng dựa vào phía bờ tường lo lắng: “Khổ vậy đấy cháu, cả đời “bán mặt cho rác, bán lưng cho trời”, mai đây bãi rác di dời rồi không biết lấy gì mà ăn đây?”. Quê gốc ở Tam Hiệp (Ninh Bình), bác vào Gò Công (Tiền Giang) rồi bén duyên với Cô Tám (làm nghề bán vé số) vào năm 1986 ở cái tuổi 45. Nhưng rồi người vợ mà bác thương yêu hết mực lại bỏ bác ra đi vào một đêm trời mưa gió. Cái chết định mệnh của người vợ đã để lại cho bác hai người con đang đến tuổi ăn tuổi học. Cuộc sống khó khăn, bác phải rời quê trôi dạt lên Sở Thùng (P.11, Q. Bình Thạnh) “hành nghề” nhặt rác được hơn chục năm nay. Từ ngày Sở Thùng có công nghệ máy móc bác trở nên thất nghiệp, phải “chạy” về khu vực Q.9 ai mướn gì làm nấy. Nhưng nghề lượm rác đã một lần nữa gắn chặt với bác khi không có công việc gì khác. Đời cha đã 40 năm lấm lem với rác, nay đến hai người con cũng trở thành “thợ” nhặt rác chuyên nghiệp khi theo cha ra bãi rác từ khi mới 5-6 tuổi. Kể về hai đứa con của mình bác Tuấn tự hào: “Cái thằng Tín năm nay gần 20 tuổi, một chữ bẻ đôi cũng không biết, thế mà mấy bữa trước được người ta kêu đi thu gom rác trong khu phố 4 ở phường Phước Long B. Mỗi tháng kiếm cả hơn triệu bạc chứ ít gì cháu. Còn thằng Răng Sún (theo cách gọi của bác là em của Tín) giỏi nhất nhà, ngoài nhặt rác nhanh nó còn biết đọc biết viết đấy! Người ta bảo cho nó đi phụ hồ rồi học nghề thợ xây nhưng nó sợ tôi làm một mình trong đêm tối nên chưa đi”. 
 Bất kể là đêm hay ngày, mưa hay nắng đã hơn 30 năm nay chị Nguyễn Thị Huệ, 46 tuổi (Thạnh Thất, Hà Tây) vẫn cần mẫn bên những đống rác để bới móc tất cả những thứ gì bán được. Kéo chiếc nón đội trên đầu xuống chị buông lời: “Tuổi thơ của chị lớn lên từ rác. Quê chị ở vùng nông thôn, cả đời chỉ biết cày sâu, cuốc bẫm. Rồi chị theo người anh trai vào đây làm nghề này. Mỗi ngày chị bới rác thu nhập cũng được 70 – 80 ngàn đồng. Phải chịu khó lắm mới làm được nghề này em ạ”. Còn anh Nguyễn Văn Tý, sau khi vợ mất gia đình lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Cuộc sống đẩy đưa anh rời vựa lúa Thái Bình vào mưu sinh ở bãi rác trên đường Phạm Văn Hảo (P. Phú Thọ Hòa, Tân Phú) đến nay cũng được gần chục năm. Ngày nào anh cũng lọ mọ chuẩn bị đồ nghề từ 5h chiều để đi bới rác (bởi rác chuyển về đây từ trưa, không bới rác trong đêm thì ngày mai không còn gì để làm vì rác đã được chuyển đi tiêu hủy-PV). “Anh cũng đâu có muốn đêm hôm tìm đến nơi hôi thối này làm gì, nhưng cũng tại cái nghèo. Cả ba bố con đều nhờ vào tiền kiếm từ đống rác này”, người đàn ông gần 40 tuổi với vẻ mặt khắc khổ thổ lộ tiếp: “Anh tính gom góp tiền mua cái xe gắn máy Trung Quốc để chạy xe ôm cho đỡ khổ, nhưng gần chục năm nay vẫn chưa dư được đồng nào. Nhiều lúc còn hụt lên thiếu xuống, nhịn ăn để dành tiền gửi về cho hai đứa con”. Tuy vất vả nhưng đi nhặt rác ngày khá lắm anh cũng kiếm được hơn 50 ngàn đồng, nhờ đó mà cuộc sống của ba bố con cũng được duy trì.
Nỗi lòng

Anh Tý (phải) đang làm việc cùng đồng nghiệp

“Tôi chỉ mong sao cứ có rác mà bới như thế này, cực cũng được, hít mùi hôi thối nồng nặc như thế này cũng chẳng sao. Miễn có tiền lo cho hai đứa con ở quê có tiền ăn, tiền học. Và, nếu không có rác đời chúng tôi sẽ về đâu khi một chữ bẻ đôi cũng không biết, nghề nghiệp thì không”, anh Tý phân trần. Cả đời gắn với rác nên chị Huệ vẫn mong một ngày nào đó sẽ có một người đàn ông đến với chị. Nhưng mùi hôi của rác gắn với chị như bóng với hình nên chị cũng ngại tiếp xúc với đàn ông, dần dần chị trở thành người sống khép kín. “Trước kia có anh Tính làm chung để ý, nhưng rồi hi vọng cuối cùng đó cũng tuột qua. Giờ này quá lứa lở thì nên không ai để ý nữa”, giọng chị Huệ buồn buồn. Chị Huệ chỉ tay về phía người đàn ông đang cắm cúi nhặt rác ở góc đối diện nói thêm: “Tôi bảo ông kia về sống với tôi cho vui cửa vui nhà, có người chia sẻ lúc ốm đau, bệnh tật nhưng ông ấy chưa đồng ý. Ông ấy cũng có hoàn cảnh giống tôi, nhưng dường như đang còn mơ về chân trời nào đó”. Còn Nguyễn Hoài Nam 17 tuổi nhưng đã có 10 năm trong nghề bới rác, nói đi nói lại với tôi là mong sau này được vào làm ở công ty. “Thằng Út, em trai của em có biết chữ nào đâu. Ngày trước hai anh em cùng nhặt rác, nhưng tháng trước nó được nhận vào bê hàng ở Công ty An Phú Châu. Em nghĩ chỉ có làm công nhân ở các công ty mới có tương lai được anh à”, Nam hi vọng. Anh Nguyễn Văn Rạng (quê ở Bắc Giang) rời quê vào Sài Gòn làm nghề bới rác gần chục năm nay, nhưng chưa một lần đón được cái tết trọn vẹn. Bởi cứ mùng 2 tết là anh lại bắt đầu làm việc. Quơ tay lấy bịch rác, anh nói: “Những ngày tết mọi người về hết, một mình một “sân” tha hồ lượm rác. Mặt khác ngày tết toàn là rác bán có giá như nhựa, lon bia… tết đến, nhìn gia đình người ta sum vầy, đi chơi, nhiêu lần tôi bật khóc, nhớ gia đình lắm. Nhưng biết làm sao khi cuộc sống còn phải đắp đổi qua ngày”.
Chia tay bãi rác Phong Phú (Q.9) lúc 3 giờ sáng, nhưng hình bóng những người bới rác vẫn lầm lũi bới móc rác trong tiết trời se lạnh đầu đông làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thầm cầu mong cho những ước muốn giản đơn của họ trở thành hiện thực, mong mỗi ngày qua đi họ sẽ vơi đi sự khốn khó, nhọc nhằn để mơ về một tương lai tốt đẹp.
Văn Mạnh

 

Bình luận (0)