Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người thầm lặng cứu nạn trên sông Hàn

Tạp Chí Giáo Dục

“Hành động quên mình dũng cảm, tình người của những người dân đã đóng vai trò quyết định thành công hết sức lớn trong việc cứu hộ những người bị nạn trong vụ chìm tàu vừa rồi. Nếu không có những người dân quên mình như vậy thì không thể lường được tổn thất lớn đến chừng nào…”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xúc động nói.

Hai anh Lê Văn Hoa và Lê Văn Phú (trái) đã cứu được 20 người

Quên mình cứu người

Chỉ trong vòng ít phút, con tàu mang tên Thảo Vân 2 hành nghề chở khách du lịch khi chưa được cấp phép lại chở gấp đôi số người quy định (58 người) dạo ngắm sông Hàn về đêm chao lắc mạnh rồi chìm xuống đáy sông Hàn sâu hoắm. Phần lớn trong số du khách đó là trẻ em và phụ nữ, không biết bơi. Giây phút ánh đèn trên tàu vụt tắt, nhiều tàu du lịch, ca nô neo đậu bên bờ và đang chở khách du lịch kịp phát hiện, nhanh chóng tiếp cận hiện trường cứu nạn…

Sông Hàn những ngày sau thảm nạn tàu Thảo Vân 2 chìm khiến 3 du khách (1 người lớn và 2 trẻ em) tử vong, nỗi đau vẫn còn đâu đó trong lòng mỗi người dân, du khách khi nhắc về đêm kinh hoàng 4-6. Nhắc về đêm kinh hoàng ấy, anh Lê Văn Hoa (SN 1993), thuyền viên tàu du lịch Phú Quý nói: “Đang chuẩn bị đưa khách đi dạo thì nghe tiếng kêu cứu, nghĩ có người đuối nước nên tôi lên ca nô cùng anh Lê Văn Phú chạy về phía đó. Ai ngờ càng tiến sát, càng thấy nhiều người chới với giữa dòng sông. Hai anh em không ai bảo ai, tấp ghe lại cứu người. Được khoảng 5 người thì phát hiện đằng xa có một cháu bé thế là chúng tôi tiến lại cứu cháu lên, rồi thay nhau xóc nước cho cháu”. “Lúc ấy thấy nhiều người giãy giụa rồi chìm dần giữa dòng nước, hai anh em dù rất mệt nhưng cũng cố gắng hết sức để cứu người”, anh Phú nói tiếp.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa khen thưởng cho 5 tập thể và 9 cá nhân, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong tham gia cứu nạn vụ chìm tàu Thảo Vân 2.

Những anh hùng cứu nạn nhận bằng khen của UBND Đà Nẵng

Còn anh Mai Viết Dụng, thuyền viên tàu Biển Đảo Việt kể: “Lúc đó tôi cùng anh Nguyễn Khánh Trường chở 15 du khách trên ca nô từ bến tàu Bảo tàng Chăm Pa đi về phía cầu Thuận Phước, khi tới cầu sông Hàn thì nhìn thấy tàu phía trước bị lật nghiêng. Tôi và anh Trường nhanh chóng tiếp cận ném áo phao, vừa thả dây thừng cho mọi người nắm lấy, rồi nhảy xuống sông cứu người”. Dụng bảo, cứu được nhiều người nhưng nhớ nhất với anh là khi ném tấm đệm xốp cứu hai mẹ con chị Lưu Phương Thủy với cháu bé 10 tháng tuổi… 

Tự hào có những công dân ưu tú

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, sẽ xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức bất chấp pháp luật, coi thường mạng sống con người, răn đe hành vi vô trách nhiệm đối với cộng đồng.

Sông Hàn được biết đến là dòng sông rộng, sâu và có dòng nước chảy săn xiết. Phía hạ nguồn nơi chuẩn bị tiếp giao với biển Đông, không chỉ người dân thường mà cả ngư dân dạn dày kinh nghiệm sông nước cũng có thể bị cuốn trôi chỉ cần sơ sẩy. Tai nạn lật tàu lại diễn ra lúc đêm xuống, ánh đèn ven bờ không đủ sáng chiếu rọi mặt sông, địa điểm lật tàu lại nằm gần cửa biển. Chỉ cần hình dung như vậy đủ thấy hết độ hiểm nguy khi đối mặt. Nhưng đêm ấy, những người dân thường làm nghề chài lưới và phục vụ tàu du lịch đưa khách đi dạo trên sông không ngần ngại trước tin dữ. Họ quên mình, nhảy ào xuống dòng nước, quăng những tấm phao, những sợi dây thừng để giành giật mạng sống của du khách đang ngạt nước giữa lòng sông sâu. Khi được hỏi về hành động dũng cảm của mình, anh Dụng cười hiền, bảo: “Vào tình thế đó ai cũng sẽ như mình thôi. Hôm anh Dũng tìm đến nói lời cám ơn, tôi rất vui và hạnh phúc vì biết hai mẹ con cháu bé là vợ con của anh Dũng đã khỏe mạnh, cháu bé tuy 10 tháng tuổi nhưng phục hồi rất nhanh”. Còn anh Hoa nói: “Lúc đó mình hành động như mệnh lệnh của trái tim. Có người cần thì mình phải giúp. Mình cùng anh Phú cứu được 20 người nhưng vẫn rất buồn vì không cứu được 3 người còn lại, tội nhất là hai chị em ruột cùng bị đuối nước. Cứ nghĩ đến là chảy nước mắt”. 

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Ngay khi vụ tai nạn xảy ra, lãnh đạo có mặt tại hiện trường. Bằng tất cả sự nỗ lực của toàn dân, cơ quan chức năng từ bộ đội, công an tới người dân bình thường đã nỗ lực hết mình để cứu hộ, cứu nạn làm giảm thiểu sự mất mát cho du khách. 53/56 người được cứu là một con số khó tin vào đêm hôm đó. Cũng chính những người dân chài, đánh cá cùng lực lượng chức năng bằng tất cả biện pháp đã tìm kiếm thi thể người không may ra đi, để trả lại phần thân thể cho người thân của gia đình họ đã mất mát. Dù nỗi đau ấy khó bù đắp nhưng việc tìm thấy thi thể làm vơi đi chút ít nỗi đau”. “Hành động quên mình dũng cảm, tính nhân văn cao cả, tình người của những người dân đã đóng vai trò quyết định thành công hết sức lớn trong việc cứu hộ vừa rồi. Chính họ là những người đầu tiên, sớm nhất có mặt tại hiện trường và cứu được hầu như đa số người bị nạn. Giây phút đầu tiên quyết định quan trọng trong cứu hộ. Nếu không có những người dân quên mình như vậy thì tổn thất vô cùng lớn. Và nếu như không có họ, thì không thể biết được tổn thất to lớn đến cỡ nào. Những người dân bình thường ấy là những công dân ưu tú, xuất sắc, quả cảm. Đà Nẵng tự hào có nhiều công dân như thế!”, ông Thơ nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

 

 

 

Bình luận (0)