Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người thầy không biên chế: Kỳ 1: Cô giáo bách nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Vân trong giờ lên lớp

Tuổi thơ của cô giáo Nguyễn Thị Vân lắm cơ cực, thiếu tình thương của cha, nghỉ học sớm vì nghèo. Nhưng ai ngờ rằng cô Vân đã trở thành một đảng viên xuất sắc, một giáo viên phổ cập hết lòng với trẻ em nghèo, bất hạnh. Gần 30 năm, cô đã dạy dỗ biết bao thế hệ học trò thành đạt. Giật mình nhìn lại, tuổi xuân của cô đã đi qua lâu lắm rồi.
Trò nghỉ, cô ốm
Lớp phổ cập phường Đông Hưng Thuận, quận 12 gồm có 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5 với 3 giáo viên phụ trách. Cô Vân phụ trách hai lớp 1 và 2 với khoảng 40 học sinh. Được thành lập từ năm 1986, lúc bấy giờ là lớp xóa mù chữ và trở thành lớp phổ cập từ năm 2001. Hiện lớp có tổng cộng 86 em, trong đó có đến 15 em thuộc diện mồ côi, còn lại là con em gia đình nhập cư khó khăn, bệnh tật, không có giấy chứng sinh… Lớp học được đặt tại Trung tâm Học tập cộng đồng phường Đông Hưng Thuận, cũng là trụ sở của Ban điều hành khu phố 3. Người dân địa phương thường nói vui “lớp học 3 trong 1”. Phòng học chật chội, nóng bức. Bàn ghế cũ kỹ, không đúng quy cách mà các trường trên địa bàn thải ra được tận dụng lại. Cô Vân tâm sự: “Tôi cũng không nhớ nổi đã bao lần chuyển địa điểm, nghe đâu sắp phải di chuyển nữa”. Trầm tư hồi lâu, cô Vân tiếp: “Tội nghiệp tụi nhỏ, phòng học chật chội, nóng nực thế này đã đành, một không gian nhỏ bé cho các em vui đùa cũng không có”. Buồn thay, khoảng sân phía trước lớp học khá rộng được trưng dụng làm nơi đặt hai chiếc bàn bóng bàn cho người lớn chơi. Ngày mang về bàn bóng cũng là ngày cô và trò bỏ ăn vì một học sinh vui đùa bị va đập phải vào viện cấp cứu.
Học phí lớp phổ cập 18.000 đồng/ học sinh/ tháng. Giáo viên dạy 5 buổi/ tuần, 2 giờ/ buổi với thù lao không quá 500.000 đồng/ tháng. Số tiền ấy không đủ để cô giáo mua quà bánh, dụng cụ học tập khuyến khích các em đến lớp. Để duy trì lớp học, một buổi cô Vân lên lớp, buổi đi vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp, chăm lo phần nào cho học sinh. Bất kể nắng mưa, sớm khuya cứ giờ rảnh là cô đến từng nhà để thuyết phục, vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Sau này, các đơn vị, các phường cùng phối hợp hiệu quả, sĩ số học sinh ngày một đông. Ngoài công việc dạy học, cô Vân còn làm thủ tục để giới thiệu các em mồ côi, lang thang, trẻ thuộc gia đình khó khăn, đông anh em vào các mái ấm Hoa Sen, Tân Bình…
Vận động được trẻ ra lớp nhưng ai sẽ là người dạy các em? Cô Vân cũng đã nhiều lần kêu gọi các giáo viên trẻ tham gia đứng lớp cùng với mình nhưng chỉ được một thời gian rồi lại bỏ dở giữa chừng. Một mình cô vừa lên lớp vừa chăm sóc và quản lý học sinh. Để khuyến khích các em đi học đều đặn, cô Vân còn dành nhiều thời gian thăm hỏi và tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình từng em. Cô có thể nói chính xác hoàn cảnh khi ai đó bất kỳ hỏi đến tên một học sinh. Những trường hợp không có giấy chứng sinh, cô phải lặn lội khắp nơi để xác minh rồi tham mưu cho cơ quan chức năng làm giấy khai sinh cho trẻ.
Dù hết lời khuyên bảo nhưng nhiều phụ huynh không chịu cho con đi học. Đó là nỗi buồn lớn nhất của cô Vân. Hôm nào trẻ đi học đông đủ, biết vâng lời thì hôm ấy cô giáo ăn ngon, ngủ yên. Trò nghỉ học nhiều cô lại sinh bệnh. “Dạy học sinh phổ cập không đơn giản như dạy học sinh ở lớp học bình thường. Các em thường “quậy” hơn, đọc và viết yếu, tiếp thu bài rất chậm. Muốn dạy được các em thành công, đòi hỏi giáo viên phải có một tình thương bao la và một giáo án đặc biệt”, cô Vân chia sẻ.
Vì trò nghèo quên tuổi xuân
Thiếu tình thương của cha khi lọt lòng mẹ chưa lâu. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn nên cô giáo Vân phải bỏ dở việc học từ năm lớp 8. Vốn hoạt bát, lanh lợi và biết sống vì mọi người, cô đã tham gia công tác Đoàn từ năm 1985. Cứ mỗi dịp theo các anh chị đoàn viên đến lớp dạy xóa mù chữ, Vân lại xin đứng lớp. Khi dứt không ra mới hay mình đã “nghiện” nghề dạy học. Cô Vân tâm sự: “Tôi đã trải qua những tháng ngày cơ cực, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha… Tôi tìm thấy được điểm chung, sự đồng cảm giữa các em với mình”. Dạy một thời gian, có người bảo rằng “Cô giáo gì mới học đến lớp 8?”. Cô không trách giận mà xem câu nói ấy như là một động lực để mình phấn đấu. Được sự động viên của nhiều người, cô vừa đi dạy, vừa đi học thêm để nâng cao kiến thức.
Trước hôm gặp tôi, tình cờ cô gặp lại một học trò cũ. Dường như niềm vui ngày hội ngộ vẫn còn tươi rói trên gương mặt cô. Cô Vân khoe: “Có nhiều học trò chỉ học hai, ba buổi rồi nghỉ mà vẫn nhớ đến mình. Gặp lại một trò, hay tin được nhiều trò tôi vui lắm. Vui nhất là chúng có công việc làm ổn định, có địa vị trong xã hội…”. 
Gần 30 năm rồi còn gì, có học trò giờ đã là mẹ của hai, ba đứa con. Cũng có người vừa nhận chức bà ngoại, ông nội. Gắn bó với lớp học ngần ấy năm nhưng trong cô vẫn không khỏi buồn mỗi khi tiếp nhận học sinh mới có hoàn cảnh éo le. Mỗi em có một hoàn cảnh, một nỗi đau riêng. Để bù đắp phần nào những mất mát cho các em, trái tim của cô lại phải “chia” nhỏ nhiều phần. Ánh mắt đượm buồn, những nếp nhăn hằn sâu trên trán mà tôi bắt gặp trong thoáng chốc đã nói lên điều đó. 
Căn nhà cấp bốn cô đang ở xập xệ, chật hẹp nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 với gần chục thành viên thuộc ba thế hệ. Thế mà, mọi người vẫn vui vẻ dành riêng một góc nhỏ để cô cất giữ hàng trăm bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng. Bốn bức tường loang không còn chỗ nào trống để cô treo những tấm bằng khen kia nữa.
Tôi ra về. Cô lại bắt đầu công việc mưu sinh với gánh xôi. Gánh xôi hôm ấy nặng hơn ngày thường bởi những phần thưởng cuối năm dành cho các em đang chờ cô phía trước.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Từ năm 1985 đến nay, cùng một lúc cô đảm nhận nhiều công việc như Tổ trưởng Tổ dân phố; Phó ban điều hành khu phố, tham gia công tác Đảng, đoàn thể; Phó chủ tịch Hội Khuyến học, Phó giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng… Tuy phải đảm đương nhiều công việc, không có chế độ nhưng người đảng viên này luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được người dân và chính quyền kính trọng.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)