Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người thầy không biên chế: Kỳ 2: Niềm vui tuổi già của cô giáo Tuyết

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Tuyết đang dạy học cho các học trò nghèo

Cuộc sống gia đình khó khăn, bệnh tật triền miên nhưng cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết không lo lắng bằng việc lũ trẻ không biết chữ. Hơn 40 năm dạy học, có phân nửa thời gian cô đã gắn bó với các lớp học tình thương ở chùa Liên Hoa (quận 8) và tại nhà của mình.
Tấm lòng thơm thảo
Cô Tuyếtlà cựu sinh viên Trường Sư phạm cộng đồng Long An. Ra trường cô về công tác tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (nay là Bình Thuận). Một năm gieo chữ ở đó, cô được Trường Thực nghiệm sư phạm mời về dạy. Hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, cha lâm bệnh nặng không ai chăm sóc nên cô xin chuyển về Trường Tiểu học Thái Hưng (quận 8) gần nhà để tiện trông nom cho cha. Sau giải phóng, cô được đề bạt làm Phó hiệu trưởng chuyên môn của trường. Là một giáo viên có năng lực, một cán bộ quản lý giỏi nên cô được ngành giáo dục địa phương luân chuyển đến các trường để cải thiện tình hình dạy và học. Trường này ổn định rồi thì cô lại đi đến trường khác.
Về hưu, cô tình nguyện đến dạy cho học sinh nghèo tại chùa Liên Hoa. Riêng lớp học tình thương cô dạy tại nhà mình nay cũng ngót 20 năm rồi. Các em được đến trường nhưng không có điều kiện đi học thêm thì đến nhà cô học miễn phí. Học sinh mồ côi, lang thang cơ nhỡ cũng được cô quan tâm đặc biệt. Nhiều năm trước, học sinh con nhà khá giả, mỗi buổi học cô thu 500 đồng. Đến nay, mỗi buổi học là 3.000 đồng. Sở dĩ không thu tiền tháng bởi theo cô, con em trên địa bàn phần lớn thuộc gia đình buôn gánh bán bưng. Nếu trả một lần/ tháng thì e họ không kham nổi, đóng tiền theo ngày vậy mà được sự đồng tình của phụ huynh.
Cô Tuyết dạy trẻ ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Tại nhà, cô dạy hai lớp vào buổi sáng và chiều. Mỗi lớp khoảng 16 học sinh. Không thể chia lớp theo từng độ tuổi, chính vì thế công việc của cô nặng nhọc hơn. Mỗi buổi học kéo dài khoảng 2 giờ nhưng thường gấp đôi thời gian. Giảng bài cho học sinh này xong thì cô lại quay sang em khác. Chương trình học của các em ở lớp học tình thương luôn bám sát sách giáo khoa. Gần kết thúc năm học, cô kiểm tra lại kiến thức, học sinh nào đủ điều kiện mới cho “lên lớp”. Gần đây, nhiều phụ huynh đưa con đến gửi cô dạy nhưng cô không thể nhận thêm mà chỉ ưu ái cho những trường hợp thật đặc biệt. Đó cũng là nỗi trăn trở trong cô.
Căn nhà cấp 4 thấp tè, cô dành riêng một diện tích khiêm tốn làm phòng học cho các em. Bàn ghế cũ kỹ, xiêu vẹo được người ta mang đến tặng. Không đủ chỗ cho các em ngồi học, cô mua thêm ghế, bàn nhựa. Cô Tuyết cho biết: “Phải mất 4-5 tháng dành dụm mới mua nổi một chiếc ghế nhựa. Ai cho cái gì có thể phục vụ cho các em thì mình cảm ơn”. Cứ mỗi dịp hè, cô lại đi tìm mua sách giáo khoa cũ giá rẻ và bán lại cho phụ huynh với giá rẻ hơn. Học sinh lớp trước sử dụng xong thì cô mua lại để tặng cho học sinh nghèo lớp sau. Theo cô Tuyết, làm như vậy để các em có ý thức giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận, tiết kiệm tiền của phụ huynh.
Bệnh đau vẫn bám lớp
Mỗi lớp học cô Tuyết dạy ba buổi/ tuần. Mỗi học sinh cô thu 3.000 đồng học phí. Mỗi lớp không quá 20 học sinh, trong khi số học sinh nghèo, trẻ mồ côi chiếm hơn phân nửa thì mỗi buổi dạy cô chỉ thu được khoảng 20 ngàn đồng. Chưa kể phải chi trả điện, nước sinh hoạt, nước uống cho các em. Có nhiều người bảo, sao cô không dạy miễn phí hết mà thu tiền chi cho mang tiếng. Cô Tuyết cho rằng, thu học phí như vậy là để phụ huynh có trách nhiệm với việc học của con. Cô luôn quan tâm và dành tình cảm đặc biệt với học sinh nghèo. Em nào nghỉ một buổi mà không có lý do, ngay lập tức cô sẽ đến nhà tìm hiểu, bất kể nắng hay mưa, xa hay gần.
Những lúc cô ốm đau không tiền, người cháu gái của cô cho cô chút đỉnh tiền để trang trải sinh hoạt và thuốc thang. Nghèo khó là thế, song cái ăn cho học sinh nghèo cô đều lo lắng chu toàn. Đó là những bữa ăn phụ chống đói cho học sinh như cơm chiên, củ khoai, củ sắn hay một nải chuối. Có khi sau mỗi buổi dạy cô không còn một đồng dính túi. Thấy vậy, sau mỗi buổi sáng, cô hàng bánh mì trong xóm mang bánh mì cũ sang cho. Cô cắt bánh thành khúc nhỏ, có hôm đó là thức ăn chính của cô và trò. “Tôi ăn uống kham khổ lắm, có tiền đâu mà ăn ngon. Hơn nữa tôi còn nuôi mẹ già 90 tuổi” – cô Tuyết nói. Nhìn thân hình ốm yếu, xanh xao của cô giáo Tuyết mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Không có thời gian dạy môn đạo đức cho các em nên trong mỗi buổi dạy, học sinh nào mắc lỗi gì cô Tuyết thường lồng vào những câu tục ngữ, thành ngữ liên quan đến lỗi của học sinh. Cô đưa ra những ví dụ cụ thể, có thật trong đời sống hàng ngày để giáo dục, uốn nắn các em kịp thời. Cô còn dạy học sinh tính tiết kiệm bằng cách mỗi ngày đóng cho cô từ 500 đến 1.000 đồng. Cô ghi chép cẩn thận tên học sinh đóng góp vào tập, cứ 500 đồng cô gạch một gạch, 1.000 thì gạch hai gạch. Không bắt buộc học sinh nào cũng phải đóng và công khai với phụ huynh. Số tiền này sẽ dành để mua gạo tặng cho các bạn nghèo trong lớp vào tháng 7 hàng năm.
Tấm lòng thơm thảo của cô giáo Tuyết được người dân trong xóm lao động nghèo trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8 quý mến. Nhưng mỗi khi ai đó nhắc đến việc làm của cô thì cô cho rằng: “Việc mình làm không bằng người khác làm thêm. Tôi chỉ mong sao mình khỏe mạnh để tiếp tục công việc. Giá như mỗi thầy cô giáo khi về hưu cũng làm được việc này nhằm giúp các mảnh đời bất hạnh”.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Cô Tuyết chia sẻ: “Ngày xưa tôi nghèo lắm nhưng hơn người ta là được đi học, có cái nghề để an ủi tuổi già. Tôi nhớ mãi lời thầy tôi dạy: “Giáo viên là người cầm đuốc đi trước soi đường cho người đi sau”. Hơn nữa, nghề giáo là nghề mình đam mê. Các em nghèo không được đến trường, mình không dạy dỗ chúng lương tâm cắn rứt lắm”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)