Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những người thầy tốt là những anh hùng vô danh

Tạp Chí Giáo Dục

Giải thưởng Võ Trường Toản là giải thưởng tôn vinh các thầy cô giáo đã vượt qua những khó khăn, trong công tác lẫn cuộc sống đời thường, được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh suy tôn. Luôn xứng đáng là những tấm gương sáng cho đồng nghiệp học tập và và học sinh noi theo, như lời Bác Hồ dạy: “không đăng lên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy tốt là những anh hùng vô danh…”

33 nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường  Toản

Đó là chia sẻ của ông Lê Hồng Sơn- Thành ủy viên, Bí thư đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP tại Lễ tôn vinh các nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 18 – năm 2015, vào tối 18-11 do Sở GD-ĐT TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đồng tổ chức.

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu

Còn muôn ngàn những đóa hồng thầm lặng

Nhấn mạnh tại buổi lễ, ông Sơn khẳng định: “Nhận thức được ý nghĩa thiêng liêng của nghề giáo, trong suốt thời gian qua tập thể giáo viên TP. HCM với lòng yêu nghề, mến trẻ, đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực đổi mới- chủ động- sáng tạo- nỗ lực hoàn thành thiên chức “trồng người”. Đào tạo ra những lớp thanh niên, góp phần to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, cũng như TP.HCM thân thương”. Ông Sơn chia sẻ: “Không chỉ 33 nhà giáo tiêu biểu được nhận giải thưởng hôm nay, ngành GD-ĐT còn muôn ngàn những đóa hồng tuy thầm lặng nhưng luôn tỏa sáng trong ánh mắt và vòng tay thân yêu của các em học sinh, các bậc phụ huynh học sinh và nhân dân TP”

Ông Nguyễn Tấn Phong- Tổng Biên tập Báo SGGP suy tôn: “Ở mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển của các thế hệ thông qua việc đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò với tấm lòng nhẫn nại, bền bỉ và cái tâm trong sáng. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của mọi mặt đời sống xã hội, nhiều mối quan hệ xã hội cũng thay đổi, trong đó có mối quan hệ thầy – trò. Mặt khác, sự phát triển của khoa học – kỹ thuật hiện nay cho phép học sinh không chỉ học ở trường, lớp mà còn có nhiều môi trường khác để nghiên cứu, học tập. Tuy nhiên, với vai trò định hướng, giáo dục con người thì không có môi trường học tập nào có thể thay thế được người thầy”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Giang- Giảng viên trường CĐ KT-KT  TP.HCM

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc- Hiệu trưởng trường THPT Gia Định

Cho đi và không mong nhận lại

Có thể nói, 33 tấm gương thầy, cô giáo được nhận giải thưởng năm nay là 33 đóa hoa đã có nhiều đóng góp thầm lặng trên mặt trận GD-ĐT của TP. Có người sắp nghỉ hưu, có người đang ở đỉnh cao của sự đam mê, sung sức cống hiến, nhưng trên tất cả là lòng yêu nghề, luôn gắn bó với từng lớp học sinh yêu quý…

Cho đi và không mong nhận lại, những thầy cô tiêu biểu nhận giải thưởng cao quý lần này luôn hết lòng vì học sinh, sẵn sàng sẻ chia với đồng nghiệp. Luôn đi trước, luôn giành việc khó để làm, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy và có nhiều sáng kiến hay, các thầy cô không chỉ tạo được uy tín trước tập thể sư phạm mà còn là tấm gương sáng cho đội ngũ giáo viên trẻ noi theo. Sự nghiêm túc, tuyển chọn khắt khe, đưa ra tiêu chí cao của Hội đồng xét duyệt giải thưởng Võ Trường Toản hàng năm đã cho thấy những thầy cô được vinh danh đều xứng đáng, tiêu biểu cho cả tập thể sư phạm.

Ông Lê Thanh Liêm- Phó chủ tịch UBND TP.HCM tặng hoa  chúc mừng các đơn vị tổ chức và Đơn vị tài trợ

Chia sẻ kinh nghiệm sau 20 năm công tác trong ngành giáo dục, nhất là giảng dạy ở một môi trường đặc biệt với đối tượng là các học sinh khiếm thị, cô Nguyễn Thị Ngọc Hân, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết để trở thành một nhà sư phạm, một giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, bản thân người giáo viên phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý, tính cách, sở thích, thói quen từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp. Ngoài ra, trong công tác chủ nhiệm, giáo viên phải đặc biệt quan tâm đến việc khích lệ, biểu dương sự cố gắng của học sinh để kịp thời động viên các em trong quá trình học tập. Còn đối với cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, để giúp học sinh yêu thích môn học nào đó, người thầy là nhân tố quan trọng nhất thông qua việc xác định mức độ, khả năng tiếp thu của học sinh, chọn ra phương pháp giảng dạy phù hợp, khơi dậy cho học sinh niềm đam mê khám phá, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

 

Ông Nguyễn Tiến Đạt- PGĐ Sở GD-ĐT TP chúc  mừng cô Trần Thị Ngọc Châu (GVMN 27- Bình Thạnh)

Riêng đối với cô Trần Thị Tuyết Hạnh, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), 33 năm đứng trên bục giảng là từng đó thời gian cô miệt mài nhóm lên “ngọn lửa” say mê nghiên cứu, hết mình với học sinh thông qua từng bài giảng. Cô còn tổ chức bài giảng theo hình thức game show, thuyết trình, đố vui… vừa giúp các em tích lũy thêm tư liệu, kiến thức, vừa tạo điều kiện cho học sinh mở rộng cánh cửa tâm hồn để suy tư, lắng nghe và cảm nhận âm thanh, vẻ đẹp của cuộc sống.

Hơn 18 năm đứng lớp, cô giáo Trần Thị Ngọc Châu, giáo viên Trường mầm non 27 (quận Bình Thạnh) cho biết khoảng cách từ nhà đến trường dạy học hơn 10 km nhưng chưa ngày nào cô xin nghỉ dạy. “Chỉ cần nghĩ đến việc học sinh của mình buồn khi không thấy cô đến lớp thì dù bận việc đến mấy, sức khỏe có trục trặc mình vẫn cố gắng đến lớp vui đùa cùng các con. Chỉ cần nghe các bé gọi “mẹ Châu ơi, mẹ Châu à” là bao mỏi mệt đều tan biến”, nụ cười ánh lên trên đôi mắt người giáo viên. Chính nhờ tình yêu thương và sự gần gũi đó, cô đã được Liên đoàn Lao động TPHCM trao tặng chữ “Tâm” và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2012. Song hơn hết mọi phần thưởng chính là những lời miêu tả đầy tự hào, kính trọng công việc của mẹ từ đứa con gái nhỏ, năm nay đang học lớp 5. Chính sự yêu thương, thấu hiểu của con đã giúp cô có thêm động lực, toàn tâm toàn ý cống hiến với nghề.

Lãnh đạo P.GD-ĐT Q.1 chúc mừng cô Nguyễn Ngọc  Thiên Hương (MN Bé Ngoan).

Quang Huy – Minh Tâm

Bình luận (0)