Mỗi lần anh Hùng xách lên một ký cát, rác thải cộng thêm ít nước bẩn là anh Trực phải hứng chịu những giọt nước đen thui rơi xuống đầu, quần áo và đôi khi là rơi vào miệng, mũi. Đó chỉ là một trong những khó khăn mà người công nhân thông cống phải đối mặt ngày này qua ngày khác.
Nắp cống bật ra, mùi hôi trong cống bốc lên nồng nặc khiến những người đang uống dở ly cà phê bên quán cóc vỉa hè phải “bỏ chạy”. Thế nhưng tại những chỗ bốc lên mùi hôi thối, dơ bẩn ấy lại là nơi làm việc thường trực của anh Tùng, Trực, Khuồn…
Anh Khuồn đầm mình dưới nước để khai thông dòng chảy cho đoạn cống trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng (Q.1)
|
Khi đường cống là “nhà”
Công việc thông cống (nạo vét cống) không chỉ phụ thuộc vào thời gian mà phụ thuộc vào con nước và thời tiết. Khi triều xuống, những công nhân thông cống sẽ bắt đầu làm việc, không cần biết lúc đó là 1 giờ khuya hay 12 giờ trưa. Tuy nhiên, tại thành phố có khá nhiều con đường buộc người thợ phải làm ca tối (đường Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, Phạm Ngũ Lão (Q.1)…) để tránh ùn tắc giao thông và giữ mỹ quan đô thị.
Công việc này đòi hỏi người làm việc luôn phải ở trong môi trường dơ bẩn, thường xuyên tiếp xúc, đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập. Những mối nguy hiểm này xuất hiện trong trong quá trình họ hành nghề (làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, tiếp xúc thường xuyên với chất thải, chất độc hại…) và do các nguyên nhân khách quan (nhiều phương tiện giao thông đang lưu thông). Anh Nguyễn Trung Trực (công nhân tổ di tu số 2 xí nghiệp thoát nước Bến Nghé) chia sẻ: “Khi mới vào làm, do chưa quen với môi trường làm việc thiếu ánh sáng và không khí nên tôi thường xuyên bị ngộp, có lần phải đưa đi cấp cứu”. Đó là chưa kể việc phải dầm mình trong nước suốt thời gian làm việc có thể dẫn đến cảm lạnh hoặc một số bệnh khác. Nhưng dù khó khăn như thế nào đi nữa thì những người thợ này vẫn không nản chí để hoàn thành tốt công việc của mình. Tuổi đời và tuổi nghề của họ có thể minh chứng cho điều này. Anh Nguyễn Văn Bừ (anh ruột của anh Khuồn), năm nay mới 52 tuổi mà đã có 32 năm kinh nghiệm trong nghề. Còn anh Khuồn năm nay 49 tuổi cũng đã có 30 năm tuổi nghề. Vất vả, khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng đồng tiền các anh kiếm được đôi khi cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Lương một tháng của công nhân làm nghề này chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng (kể cả phụ cấp). Anh Nguyễn Thanh Tùng (tổ trưởng phụ trách khu vực trung tâm tổ di tu số 2, xí nghiệp thoát nước Bến Nghé) tâm sự: “Thật ra mà nói, đem tất cả tiền lương đưa cho vợ chi tiêu vào các khoản cố định hằng tháng như tiền điện, nước, tiền ăn uống, học hành của con cái… vừa đủ hết, chưa nói đến chuyện vui chơi, giải trí đôi khi là lai rai với bạn bè”.
Cha truyền con nối
Theo chân những người thợ thông cống, chúng tôi đến đoạn đường Tôn Đức Thắng (trước bảo tàng Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM). Theo phản ánh của người dân thì hai ngày gần đây khu vực này thường xuyên bị ngập nên đội của anh Tùng được lệnh đến kiểm tra. Loay hoay mãi, anh Tùng và anh Khuồn mới mở được nắp cống nặng hơn 1 tạ. Nắp cống vừa mở, anh Khuồn nhảy xuống cống thực hiện phần việc của mình. Sau một hồi kiểm tra, anh Khuồn bắt đầu đào đất, đá theo nước mưa chảy xuống cống chặn dòng nước làm cho nước không thể chảy và gây ngập. Những tưởng vét hết số đất đá đó là xong việc, ai ngờ anh bảo đoạn cống này bị sập rồi, vất vả lắm đây. Thế là anh lại hì hục dùng mấy nẹp tre để luồn dây cáp qua bên nắp cống kia. Công việc thật sự gặp khó khăn, gần một tiếng đồng hồ đầm mình trong nước mà anh Khuồn vẫn không tài nào đưa dây cáp qua bên cống kia nối với quả cầu để thông cống. Hết dùng sức, anh lại dùng sự khéo léo, kinh nghiệm của mình thế nhưng vẫn bất lực. Bộ đồng phục khi chưa xuống nước là màu xanh bây giờ đã thành màu đen, màu đen của nước thải đã nhuộm bộ quần áo của anh. Có lẽ đã đói nên anh với tay lấy hộp cơm treo lủng lẳng trên xe.
Công việc này đối mặt với nhiều hiểm nguy, có khi còn mất mạng như trường hợp của anh Võ Văn Be (45 tuổi, Đồng Tháp), công nhân xí nghiệp thoát nước khu vực Nam Tham Lương đã bị chết ngạt trong khi thông cống trên đường Tân Kỳ Tân Quý (P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân) vào trung tuần tháng 8 vừa qua. |
Mới ở dưới cống lên, tay chân lem luốc sình đất, rác rưởi nhưng không biết tìm đâu ra nước sạch để rửa nên anh để vậy ăn luôn. Anh Khuồn trải lòng: “Đây là nghề “gia truyền” của nhà tôi, từ cha tôi đến anh tôi và bây giờ là tôi”. “Vậy anh có muốn truyền nghề này lại cho con trai anh không?”, tôi vui miệng hỏi. “Thật sự chẳng có ai muốn con cái mình làm cái nghề dơ bẩn, vất vả, nguy hiểm này hết, chẳng qua vì học vấn thấp nên mới chọn nó thôi. Tôi không thích con mình lao vào cái nghề móc cống như cha nó”. Nói rồi anh hớp ngụm trà và lại nhảy xuống cống tiếp tục công việc của mình. Trên bờ anh Tùng ghé sát tai tôi ra vẻ bí mật: “Đúng là không cha mẹ nào muốn con mình làm nghề này, nhưng con trai ảnh cũng vừa học xong 11 và nghỉ học đấy, nghe nói đâu mấy tuần trước có dẫn theo “tham quan, học tập” gì đó, biết đâu cái nghề này là lại tiếp tục cha truyền con nối thì sao”. Nói xong anh quay về với phần việc còn dang dở để chiều nay đoạn đường này không bị ngập nữa.
Bài, ảnh: Công Luận
Bình luận (0)