Tối 3-1, Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức Lễ tuyên dương 10 công dân trẻ tiêu biểu TP năm 2016. Đây là những bạn trẻ, tiêu biểu trong các lĩnh vực: kinh tế, khởi nghiệp, sáng tạo, nghiên cứu khoa học… Những sáng kiến, hiến kế của họ đã giúp cho đơn vị, trường học đổi mới phương pháp dạy và học, cũng như hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Lê Duy Phúc giám sát và điều khiển từ xa hệ thống điện TP. Ảnh: PV |
Đam mê học tập và sáng tạo trong công việc
Nhỏ tuổi nhất trong số 11 ứng viên được bình chọn “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016”, Tô Huỳnh Phúc 11 tuổi (học lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) đã gây ấn tượng đặc biệt khi có bảng thành tích học tập xuất sắc, nhất là với toán. Riêng năm học 2015-2016, Phúc đã đạt 5 HCV tại các kỳ thi toán quốc tế và trong nước, như: Kỳ thi toán quốc tế Kangaroo (thu hút trên 6 triệu thí sinh từ khoảng 50 quốc gia tham dự mỗi năm), kỳ thi Olympic toán quốc tế Singapore 2016, kỳ thi toán quốc tế Waterloo Canada 2016… Với Phúc, toán không đơn thuần là một môn học mà là sự say mê. Bất kể lúc nào có chút thời gian là Phúc lại tìm đọc tài liệu, sách, báo liên quan đến toán học và khai thác hiệu quả mạng internet để nâng cao kiến thức về toán. Ngay cả việc giải trí, Phúc cũng chọn… giải toán thay cho các trò chơi thông thường và mỗi bài toán khó được Phúc xem là một cột mốc chinh phục đầy hào hứng.
Những năm còn học tiểu học tại Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp), Phúc học giỏi đều các môn và viết rất đẹp. Bí quyết học giỏi của em là chủ động tự học, mở mang kiến thức bằng nhiều nguồn. Em luôn nhắc mình đến trường thuộc bài, về nhà hiểu bài. Đặc biệt theo Phúc, dù gặp một bài toán khó đến mấy cũng không bỏ cuộc, chịu khó làm đủ dạng bài tập có độ khó cao và gặp bài nào khó phải cố gắng suy nghĩ, tìm tòi nhiều cách giải. Bên cạnh đó, Phúc còn học rất giỏi tiếng Anh. Ngoài hoàn thành các chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế ở bậc tiểu học, Phúc còn trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để lấy chứng chỉ Key English Test và chứng chỉ Preliminary English Test (PET-CEFR tương đương trình độ tiếng Anh B1). Đạt huy chương bạc tại cuộc thi cấp quốc gia tranh tài tiếng Anh qua mạng…
Tô Huỳnh Phúc (đọc sách) cùng các bạn học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: PV |
Một trường hợp khác là Lê Duy Phúc (SN 1991). Ngoài việc hoàn thành xuất sắc công tác của một Tổ trưởng Tổ giám sát và điều khiển từ xa – Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP (Tổng Công ty Điện lực TP) vừa hoàn thành lớp cao học và nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện vào tháng 3-2016, đã có 2 sáng kiến, 2 đề tài nghiên cứu khoa học và 3 giải pháp cải cách hành chính làm lợi trên 6,1 tỷ đồng. Nổi bật có đề tài “Ứng dụng hệ thống tự động hóa cho trạm ngắt theo giao thức IEC 61850” giúp tiết kiệm hơn nửa tỷ đồng/trạm. Đến nay, với 10 trạm được lắp đặt đã tiết kiệm cho công ty hơn 5 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2020 sẽ lắp được 60 trạm tại TP.HCM. Duy Phúc còn là một đoàn viên năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng vào tháng 2-2016.
Hiện thực hóa ước mơ bằng con đường khởi nghiệp
Cả Nguyễn Trung Hiếu (SN 1986) và Đoàn Thiên Phúc (SN 1989) đều đại diện cho những người trẻ “dám nghĩ dám làm”, quyết tâm hiện thực hóa ước mơ bằng con đường khởi nghiệp dù biết đó là chặng đường đầy gian nan, thử thách.
Tốt nghiệp ĐH Nông Lâm TP.HCM với ước mơ xây dựng một trang trại thủy sản, Trung Hiếu đã “lăn lộn” qua nhiều tỉnh miền Tây tích lũy kinh nghiệm nuôi cá giống để rồi tự tin mở trang trại cá giống Trung Hiếu ở Kênh Đông (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) vào năm 2011. Tại đây, Hiếu đã nghiên cứu cải tiến phương pháp nhân giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới tạo nên quy trình sản xuất cá giống lăng nha sinh sản tốt nhất, tỷ lệ trứng nở cao nhất, hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất trên thị trường hiện nay – mỗi đợt sản xuất thu được 1-2 triệu con giống/10 ngày (thay vì 100.000-200.000 con/10 ngày của quy trình cũ). Đến nay, cá giống lăng nha từ trang trại Trung Hiếu đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành cả nước.
Đoàn Thiên Phúc, xuất thân từ Khoa Công nghệ thông tin ĐH KHTN TP.HCM, sau đó học cao học tại Pháp. Thiên Phúc đã nuôi ý tưởng và cho ra đời sản phẩm chống trộm xe máy bằng điện thoại di động với tên gọi S-bike từ thời còn sinh viên. Năm 2011, Phúc quyết định phát triển sản phẩm và khởi nghiệp bằng chính sáng tạo này với việc thành lập Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm Setech Viet. Hiện tại, S-bike tiếp tục được nâng cấp trên nền tảng công nghệ mới gọi là Tagg bike với mức giá rẻ và tiện lợi hơn cho người dùng.
10 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016 Từ 131 hồ sơ do 49 đơn vị trên toàn TP đề cử, qua hơn 3 triệu lượt bình chọn trên mạng và sự xét duyệt của Hội đồng bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016, Thành đoàn TP.HCM đã công bố 10 gương công dân trẻ tiêu biểu trong năm với những thành tích học tập, lao động vượt trội và khát vọng cống hiến mãnh liệt của tuổi trẻ. (1) – Nguyễn Trung Hiếu, SN 1986, thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi; (2) – Đoàn Thiên Phúc, SN 1989, thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu; (3) – Lê Thanh Vủ, SN 1990, chiến sĩ lực lượng vũ trang trẻ tiêu biểu; (4) – Lê Duy Phúc, SN 1991, thanh niên công nhân tiêu biểu; (5) – Nguyễn Viết Thanh, SN 1988, cán bộ, công chức, viên chức trẻ tiêu biểu; (6) – Tô Huỳnh Phúc, SN 2005, đội viên tiêu biểu; (7) – Nguyễn Xuân Giêng, SN 1993, sinh viên tiêu biểu; (8) – Nguyễn Lạc Hà, SN 1989, thanh niên nghiên cứu khoa học tiêu biểu; (9) – Bùi Vũ Nguyệt Minh, SN 2000, văn nghệ sĩ trẻ tiêu biểu; (10) – Lê Tú Chinh, SN 1997, vận động viên trẻ tiêu biểu. |
Trong năm 2016, Thiên Phúc tham gia và điều hành nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu như là Chủ tịch Tổ chức Global Shapers tại TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2017; đại diện TP.HCM tham gia Hội nghị Annual Curators Meeting tại trụ sở Diễn đàn kinh tế thế giới, Thụy Sĩ; Trưởng ban tổ chức chuỗi hội thảo Stepup, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên các trường ĐH trên địa bàn TP. Ngoài ra, Thiên Phúc còn tham gia nhiều chương trình khởi nghiệp với vai trò là điều phối chương trình như Startup IoT, Startup today, Vietnam Startup Forum…
Với những thành tích trên, Thiên Phúc đã được trao danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác khu vực cụm miền Đông Nam bộ năm 2015; Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm 2012.
Hay như Nguyễn Viết Thanh, công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (tỉnh Bình Phước), là Trưởng khoa Tâm thần trẻ nhất trong các cơ sở xã hội của Sở LĐ,TB&XH TP.HCM. Những năm qua, Viết Thanh đã xem nơi công tác như nhà và bệnh nhân như những người thân thực sự. Việc “cùng ăn, cùng ở” hay cùng nhau đón Tết đã giúp Viết Thanh thấu hiểu sâu sắc các trường hợp bệnh tình để tham mưu cho Ban Giám đốc nhiều phương án chữa trị hiệu quả. Trong đó, trung tâm theo dõi và tiến hành sàng lọc 50 bệnh nhân tương đối tỉnh bố trí phòng riêng biệt với chế độ sinh hoạt vui chơi, giải trí phù hợp giúp bệnh nhân dần phục hồi ký ức, tạo lối sống lành mạnh. Năm 2016, Viết Thanh cùng trung tâm đã liên hệ được 20 gia đình bệnh nhân và giải quyết hồi gia 14 trường hợp, góp phần thực hiện đề án xã hội hóa trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho bệnh nhân tâm thần…
Với những thành tích trên, Viết Thanh đã nhận nhiều Bằng khen của Bộ LĐ,TB&XH, Trung ương đoàn, UBND TP.HCM, Sở LĐ,TB&XH TP.HCM…
Lê Quang Huy
Bình luận (0)