Đã có không ít nhà giáo đã “rẽ ngang” sang nghề báo bằng niềm đam mê và có cả một chút “định mệnh”… Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2015, Báo Giáo dục TP.HCM đã có một cuộc chuyện trò với các nhà báo xuất thân từ nhà giáo nghe họ chia sẻ về những vui buồn trong nghề nghiệp.
PV: Các nhà báo có thể cho biết lý do, hoàn cảnh nào đã đưa mình đến với nghề viết báo dù trước đó là một giáo viên có nhiều năm gắn bó với dạy học?
Nhà báo Tạ Văn Doanh qua ký họa của họa sĩ Trần Đạt |
Nhà báo Tạ Văn Doanh – Nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM: Năm 1998 đang là Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý TP.HCM, tôi về công tác tại Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo với chức vụ Tổng Biên tập. Đây cũng là năm Thành ủy TP.HCM thông qua nghị quyết về chương trình hành động với mục đích tập trung các nguồn lực để phát triển GD-ĐT xứng tầm với vị trí giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, thời đi học phổ thông và đi dạy tôi đã thích làm báo và có nhiều bài báo viết về mảng giáo dục cho Báo Điện Tín (trước năm 1975), Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Giáo dục và Sáng tạo… Biết được tin này một số bạn bè cùng viết báo trước đây như nhà báo Vũ Tuất Việt, Hàng Chức Nguyên, Kiều Phan khuyến khích và thúc giục tôi sang làm báo chứ lúc đầu gia đình chưa ai đồng ý. Ngoài niềm đam mê, tôi đến với báo còn vì trách nhiệm được phân công và vì sự tin tưởng của ngành giáo dục trong hoàn cảnh lúc đó.
Hàng Chức Nguyên (bìa trái) trong một buổi gặp gỡ bạn bè |
Nhà báo Hàng Chức Nguyên (nguyên phóng viên Báo Tuổi trẻ): Khi về dạy văn ở Trường cấp 3 Hoàng Hoa Thám – Q.Bình Thạnh, thỉnh thoảng tôi có viết bài cho Báo Tuổi trẻ và tham dự CLB Sáng tác trẻ của Thành đoàn do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Đến năm 1981, anh em ở Tuổi trẻ có nhã ý “kéo” tôi về báo. Thực sự tôi rất băn khoăn: Một bên, tình cảm của đồng nghiệp, của học trò, của trường lớp, phấn bảng níu kéo; một bên sự ham thích chuyện viết lách thôi thúc. Tôi cứ dùng dằng mãi chuyện đi hay ở. Rồi một hôm, cô Hiệu trưởng Thúy Nga – người trước đây vốn tha thiết nhất và cố thuyết phục tôi ở lại trường, bỗng gọi tôi vào phòng và nói: “Chị rất muốn em ở lại trường, trường đang cần giáo viên, em lại là tổ trưởng nhưng chị nghĩ kỹ rồi em à, em nên về báo. Chị tin là với nghề viết lách em sẽ phát triển rất tốt, tương lai sẽ là một cây bút…”. Nghe thế, tôi hết sức xúc động, trường đang thiếu giáo viên, chị đã trả lời với sở không đồng ý việc điều chuyển tôi đi, vậy mà cuối cùng với tình cảm của một người chị, cô Hiệu trưởng lại thuyết phục tôi chuyển nghề, nghề viết. Và tôi về báo cuối năm 1981.
Sau này bạn bè có người nói vui: “Ông về báo vì nghề giáo nghèo quá chứ gì”. Oan thật. Thời ấy “nhà” nào cũng nghèo, nhà giáo cũng như nhà báo. Lương giáo viên cấp 3 của tôi 75 đồng, chuyển về làm cán bộ Thành đoàn, phóng viên Báo Tuổi trẻ, được hưởng lương 76 đồng, chỉ hơn 1 đồng. Còn nhuận bút, cũng giống như thù lao dạy thêm bổ túc văn hóa, hầu như không đáng kể, vì được tính bằng… hào. Tôi về báo, quả thật với một niềm say mê là viết.
Nhà báo Đào Quốc Toàn (trái) và tác giả Phan Ngọc Quang |
Nhà báo Đào Quốc Toàn – Trưởng văn phòng đại diện Tạp chí Văn học và tuổi trẻ (Nhà xuất bản Giáo dục): Tôi bắt đầu cộng tác cho các tờ báo Thanh niên, Tuổi trẻ từ lúc vào dạy Trường ĐHSP Quy Nhơn năm 1985. Cơ hội đến với nghề báo khi được chuyển vào TP.HCM để làm việc tại Trung tâm Nghe nhìn giáo dục và sau đó chính thức làm biên tập viên cho Tạp chí Thế giới mới vào năm 1992. Như vậy lý do đầu tiên là do sự thuyên chuyển công tác vì điều kiện gia đình là chính. Tuy nhiên, đó cũng là duyên nợ khi bắt đầu tôi làm cộng tác viên về mảng văn hóa nghệ thuật xã hội cho Tạp chí Sông Hương thời dạy ở Trường ĐH Tổng hợp Huế. Khi viết bài cho mảng giáo dục là do nhu cầu của tòa soạn vì biết tôi vốn là giảng viên trường ĐH. Duyên tơ bắt đầu từ đó.
So với nghề giáo, nghề báo có sự hấp dẫn, thuận lợi cũng như khó khăn và trở ngại gì trong hoàn cảnh hiện nay, thưa các ông?
Nhà báo Đào Quốc Toàn: Theo tôi, lợi thế của một nhà báo xuất thân từ giáo viên là đã từng trực tiếp đứng lớp nên rất hiểu về giáo dục vì mình là người trong cuộc. Chính hiểu biết cặn kẽ về chương trình, khó khăn và đặc thù của ngành nên viết dễ “trúng” hơn dù ca ngợi hay phê bình đều đúng mực. Vì thế các bài báo “đinh” của tôi về ngành giáo dục lúc đó đều được lãnh đạo Bộ GD-ĐT để ý và khen là viết đúng. Có lần Bộ trưởng Trần Hồng Quân nhận xét: “Cậu viết được, khen chê đều trúng”.
Nhà báo Hàng Chức Nguyên: Về báo, với tôi là rời bỏ một môi trường êm ả, thân quen mỗi ngày, đó là lớp học. Ở đó, trong bốn bức tường, ngày qua ngày, tuần qua tuần, tôi chỉ gặp vài chục đôi mắt sáng nhìn lên, thân ái. Tôi chỉ truyền đến các em những kiến thức có sẵn, những tình cảm tôi từng cảm nhận trong những bài văn, bài thơ. Một không gian quen thuộc, không có sự sôi động, ồn ào, chỉ có sự nhẹ nhàng, yêu thương mà thôi. Về báo, với tôi là đi vào cuộc sống, một không gian mênh mông, vào những nơi xa lạ, tìm kiếm những cái lạ lẫm, ít người biết, là lao vào những nơi sôi động nhất, “nóng” nhất, là tìm cách tiếp xúc, trò chuyện với những con người không quen không biết, nắm bắt nhanh những sự kiện thời sự nhất. Là thầy giáo, trong bốn bức tường của lớp học, tôi nói nhiều hơn để truyền thụ; là nhà báo, trong cuộc sống không có những bức tường ngăn, tôi phải nghe nhiều hơn để cảm nhận và viết. Khi người thầy đứng trên bục giảng chỉ có vài chục đôi mắt cùng trang lứa, cùng trình độ, nhìn; khi nhà báo viết một bài báo có hàng ngàn đôi mắt, với nhiều thành phần khác nhau cùng đọc. Từ đó tôi thấy sự phán xét cao hơn, sâu hơn và nghiêm khắc hơn. Vì vậy sự đòi hỏi đối với nhà báo, tất nhiên, nhiều hơn và cao hơn.
Theo các nhà báo, với một nhà báo xuất thân từ nghề giáo cần phải có những tố chất, phẩm chất và điều kiện gì?
Phóng viên tác nghiệp trong một hội nghị tại Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM). Ảnh: L.Quang |
Nhà báo Đào Quốc Toàn: Nhà giáo vốn là người có tư cách đàng hoàng, mô phạm. Đây là yếu tố rất quan trọng để làm nhà báo. Những bài viết của họ được bạn đọc tôn trọng do cách viết chỉn chu, câu chữ mực thước. Không che giấu những hạn chế của ngành nhưng cũng không ca ngợi một chiều. Khi viết không băm bổ, nặng lời trong lúc đó có người “đánh” giáo dục để mong nổi tiếng nên “chuyện bằng ngón tay thổi phồng như cột đình”. Tuy nhiên, so với các đồng nghiệp khác thì họ ít xông xáo và “liều mạng” hơn. Đây cũng là một hạn chế thường thấy rõ. Không qua trường lớp chính quy nên họ phải nỗ lực tự học và bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ.
Nhà báo Tạ Văn Doanh: Mỗi phóng viên phải có nhân cách sống tốt sống đẹp, nhất là nhà báo của ngành giáo dục lại đòi hỏi cao hơn trong môi trường mô phạm. Không phải giáo viên nào cũng làm báo được nhưng nhà báo đi từ gốc giáo viên thì có nhiều thuận lợi hơn nhất là khi viết về mảng giáo dục. Nếu thiếu tâm đức thì không thể trở thành nhà báo cách mạng được. Bên cạnh đó phải tăng cường trau dồi nghiệp vụ để có năng lực và quan điểm giáo dục đúng đắn. Làm báo phải trang bị đầy đủ kiến thức quản lý để nâng cao tính chính trị và tính luật pháp. Tầm nhìn phải được mở rộng có như vậy mới hoạch định được chương trình lâu dài.
Nhà báo Hàng Chức Nguyên: Với nghề báo và nghề giáo thì nguồn vui, hạnh phúc lại giống nhau: Những ánh mắt rực sáng, những nụ cười nở ra, những cái gật đầu trìu mến của học trò khi cảm nhận được những tình cảm, những kiến thức mới… làm người thầy vui. Và những lá thư, những lời chia sẻ bày tỏ sự đồng cảm, đồng tình của bạn đọc sau mỗi bài báo… làm nhà báo vui. Yêu nghề, say nghề, hết lòng với nghề, không lợi dụng nghề, không quay theo động cơ lợi nhuận… thì cầm phấn hay cầm bút đều có những nguồn vui, những niềm hạnh phúc lớn để bước tiếp với nghề.
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)