LTS: Họ là những nhà giáo đã lặng lẽ vượt Trường Sơn. Họ không hề nao núng với bom đạn khốc liệt của quân thù đang rình rập từng giờ, từng phút hòng cướp đi mạng sống. Không ít thầy cô đã hy sinh, và những người còn lại đã quyết chí đi đến cùng với sự nghiệp “trồng người”. Dù trước mặt họ, Tổ quốc vẫn còn mịt mờ trong khói lửa chiến tranh. Ngày hòa bình, họ lại tiếp tục quàng trên vai mình trọng trách mới…
Bài 1: Dạy chữ trong lòng địch
Như bao người con của miền Nam thành đồng Tổ quốc ra Bắc học tập, Phạm Như Hải lúc nào cũng có một ao ước cháy bỏng là đến một ngày nào đó được trở về quê hương hoạt động. Thế nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, anh sinh viên khoa Toán Phạm Như Hải lại được phân về dạy tại một trường cấp ba thuộc tỉnh Hà Bắc. Mãi đến hơn một năm sau, người thầy giáo ấy mới thực hiện được nguyện vọng của mình.
Không muốn đi học để được vào miền Nam
Khi nghe tin mình được cử đi học tiếp sau khi đã tốt nghiệp đại học, anh không hề muốn chút nào. Trở về miền Nam, anh còn được thăm lại quê hương và gặp lại gia đình người thân sau nhiều năm xa cách. Vì thế anh đã trao đổi với tổ chức là chỉ có nguyện vọng duy nhất là đi B. Hải biết nếu được đi học anh sẽ được đào tạo thành một cán bộ cốt cán, sau này cũng trở về miền Nam lãnh đạo và chiến đấu, nhưng như thế thì quá lâu, nhất là khi mình đang còn trẻ tuổi đầy nhiệt huyết. Sau đó khi được phân công về dạy toán Trường cấp ba Gia Lương, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh), thầy giáo Phạm Như Hải vẫn “ngóng tin thời sự” về các đoàn đi B. Mãi đến tháng 9-1965 khi có tên trong danh sách đoàn cán bộ gần hai trăm giáo viên chuẩn bị lên đường vượt Trường Sơn, anh mới tin là ước nguyện của mình đã thành sự thật. Biết lần này rời xa miền Bắc không hẹn ngày gặp lại, lòng anh không khỏi xốn xang.
Vào đến Khu Bốn, đoàn cán bộ giáo dục bắt đầu cuộc hành trình đi bộ theo đường mòn Trường Sơn. Hơn ba tháng vượt đèo lội suối từ làng Ho (Quảng Trị) đoàn tập kết tại Tiểu ban Giáo dục R (gọi tắt là B3) ở cánh rừng già Suối Cây (Tây Ninh). Song niềm vui quá ngắn và mệt nhọc chưa kịp vơi, họ đã gặp ngay tai họa đầu tiên khi đặt chân đến chiến trường. Do có người bất cẩn đã để khói bốc cao lên ngọn cây trong khi nấu ăn nên đơn vị anh đã bị ba chiếc phản lực oanh kích F5 cùng một lúc đến tấn công. Anh bị thương cùng với nhiều người khác nhưng vẫn còn may mắn hơn anh Châu, nhóm trưởng, do bom napan bắn trúng vào người bị bỏng toàn thân và sau đó đã hy sinh trong niềm thương tiếc của đồng đội.
Dạy chữ giữa làn bom
Sau gần một năm điều trị vết thương, thương binh Phạm Như Hải được tổ chức phân về Y4 thuộc khu Sài Gòn – Gia Định và làm thư ký cho nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Trung ương Cục. “Sống trong địa đạo Phú Mỹ Hưng, vùng trắng của Củ Chi vào thời điểm này rất ác liệt, cam go. Tôi cũng không còn nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần suýt phải bỏ mạng vì bom B52” – thầy Hải nhớ lại. Nhưng đây cũng là thời kỳ mà anh mới hiểu hết tấm lòng người dân đất thép đối với cách mạng. Nếu không có sự chở che và tiếp tế lương thực súng đạn thì các cán bộ nằm vùng không thể bám trụ lâu trong vùng giao tranh ác liệt này. Cũng chính nhờ có sự vận động tuyên truyền của cán bộ mà bà con có thêm niềm tin, nhiều thôn xã đã trở thành cơ sở tốt cho cách mạng. Thời kỳ này anh là người đứng ra mở lớp và dạy các cán bộ xã học chính trị. Từ những lều trại đơn sơ gần địa đạo, các khóa học đã trang bị thêm kiến thức về lý luận chính trị, đường lối của Đảng và chiến lược cách mạng của quân và dân ta. Học trò của anh sau đó đã trở thành “hạt giống đỏ” cho cách mạng và anh chính là người gieo mầm để khắp nơi có những “hạt giống” quý báu này cho Đảng và cách mạng.
Anh Hải kể, bị thua đau sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch bắt đầu tàn phá và ném bom ác liệt vào vùng Hố Bò (Củ Chi). Không còn cách nào khác phía ta phải dạt về vùng biên giới Campuchia để bảo toàn lực lượng. Đến năm 1972 tình hình lắng xuống và đơn vị của anh mới quay trở lại Củ Chi. Đây là thời kỳ nhiều gian khổ và hy sinh nhất của những cán bộ cách mạng bám trụ cơ sở như anh. Cuối năm 1974 có lệnh bí mật của cấp trên, đơn vị anh được chia làm hai nhóm và nhóm của anh đi về hướng Thủ Đức do đồng chí Mai Chí Thọ phụ trách. Sau này nhớ lại anh mới biết đây chính là thời điểm bắt đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam 1975. Thế nhưng kế hoạch bị vỡ, nhóm của anh lại phải “ém nhẹm” vào hướng Bình Chánh. Với tư cách là cán bộ tuyên truyền, anh lại mở các khóa huấn luyện đảng viên bí mật cho cơ sở mặc dù đây là công việc vô cùng nguy hiểm. Để khỏi bị lộ, lớp học phải ngăn ra bằng một tấm ni-lông để người giảng và người nghe không biết mặt nhau. Vì thế có bao nhiêu cán bộ theo học nhưng “thầy giáo” Hải không có được may mắn biết hết mặt học viên của mình.
Suốt đời chỉ biết cống hiến
Sau năm 1975, thầy giáo Phạm Như Hải cùng đồng đội vào tiếp quản Sài Gòn và giữ nhiều chức vụ quan trọng của chính quyền mới như: cán bộ tuyên huấn, cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, Phó chủ tịch quận Gò Vấp… Tuy thời gian công tác ở Phòng GD quận không nhiều nhưng ông đã có nhiều hoạt động giúp giáo dục địa phương ổn định sau ngày giải phóng. Sau ba năm học Trường Đảng cao cấp ở Mạc Tư Khoa (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô cũ) ông mới trở lại với nghề dạy học tại Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2001.
Do yêu cầu của cách mạng và hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, thầy giáo Phạm Như Hải không được liên tục đứng trên bục giảng như nhiều đồng nghiệp khác. Nhưng dù ở cương vị là cán bộ tuyên truyền trong chiến khu hay cán bộ quản lý giáo dục trong thời bình, ông vẫn giữ được phẩm chất trong sáng của một nhà giáo chân chính, nguyện một đời cống hiến tất cả sức mình cho Đảng và cho Tổ quốc. Ông là người góp công gieo mầm những “hạt giống” ưu tú cho cách mạng để thế hệ cháu con có được một vườn hoa tự do độc lập như hôm nay.n
Hương Thủy
Bình luận (0)