Chỉ một lần vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, các nhà giáo đi B đã phải đối mặt với biết bao gian khó hiểm nguy. Thế nhưng đối với thầy giáo Nguyễn Quốc Bảo gian khổ hiểm nguy đó lại được nhân lên gấp nhiều lần vì chỉ trong 8 năm ông đã hai lần đi B và phải ba lần vượt Trường Sơn.
Anh cán bộ Đoàn không muốn làm thầy giáo
Lúc tập kết ra Bắc cậu học sinh lớp 8 Trường Nguyễn Huệ (Bình Định) Nguyễn Đức Ánh (sau này đổi thành Nguyễn Quốc Bảo) đã là một thanh niên 18 tuổi. Do có lệnh đi đột xuất nên Ánh chỉ gặp được ba để chia tay rồi vào Quy Nhơn chờ ngày lên tàu. Tội nghiệp cho người mẹ đang ở Quảng Ngãi nghe tin đứa con trai ra đi liền tìm cách vào tận Quy Nhơn để gặp lần cuối nhưng bà chỉ biết gạt nước mắt nhìn theo vì khi bà đến nơi thì tàu vừa nhổ neo rời bến. Khi ra Bắc, do đã học gần hết chương trình cấp ba (hệ 9 năm) nên Ánh được cử sang Trung Quốc học lớp trung cấp sư phạm. Đến khu học xá Nam Ninh, biết mình học nghề này ra để làm… thầy giáo thì anh không chịu và nằng nặc đòi được trở về nước để làm công tác Đoàn. Tuy nhiên sau đó ông Võ Thuần Nho – Giám đốc khu học xá đã cho một bài “lên lớp” về tinh thần trách nhiệm của người đoàn viên thanh niên lao động nên Ánh đã rút đơn và ở lại. Chính trong thời gian học tập ở nước bạn mà anh sinh viên sư phạm đã được rèn luyện ý thức kỷ luật và tinh thần ham học của môi trường giáo dục XHCN. Đây là cái nôi đầu tiên đào tạo một đội ngũ thầy cô giáo sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc mà anh không thể nào quên ơn được.
Về nước chưa kịp đứng lớp thì Ánh lại được TW Đoàn cử đi sửa sai cải cách ruộng đất tại các vùng nông thôn. Đang ở Vĩnh Linh, anh được triệu tập về Hà Nội ôn thi đại học để trở thành sinh viên khoa Văn và sau này là cán bộ giảng dạy khoa Tâm lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bắt đầu từ đó như một duyên nợ, anh thanh niên tuyên giáo ngày nào lại gắn bó với nghiệp bảng đen phấn trắng mặc dù trước đó đã có lần anh quyết từ chối.
Thời kỳ này ở miền Nam đang cần lực lượng cán bộ vùng đô thị nên đầu năm 1964, Phó bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Ánh đã có tên trong danh sách đoàn giáo dục miền Bắc đi B. Đúng vào ngày 22-12 thầy giáo Ánh bắt đầu cuộc hành quân đi bộ vượt Trường Sơn trở về quê hương công tác bằng cái tên mới: Nguyễn Quốc Bảo. Thế nhưng khi vào đến Tiểu ban Giáo dục TW Cục miền Nam thì kế hoạch phải thay đổi, chiến tranh đặc biệt đã chuyển sang chiến tranh cục bộ rất ác liệt. Không tổ chức được mạng lưới đại học vùng chiến khu, thầy giáo Bảo lại tình nguyện đi xuống cơ sở huấn luyện cán bộ chủ chốt của ngành giáo dục, tham gia công tác trí vận. Sức còn trẻ, nhiệt tình cách mạng còn cao nên thời gian này anh đã đặt chân đến không biết bao nhiêu vùng đất từ Kiến Tường (Đồng Tháp) xuống Mỹ Tho rồi vòng qua Bình Dương mặc bom rơi đạn nổ quanh mình.
Nỗi day dứt còn lại
Tháng 7-1972 thầy giáo Bảo đang tham gia lớp huấn luyện bí thư Chi bộ Đảng ở vùng tam giác sắt thì có lệnh ra Bắc để báo cáo tình hình chiến sự và xin chi viện cho miền Nam. Lại những ngày cơm nắm nước chai, băng rừng vượt suối như 8 năm trước đây ông đã vượt Trường Sơn vào Nam giờ phải vượt Trường Sơn ra Bắc. Vừa ra đến miền Bắc tưởng thoát ra khỏi vùng lửa đạn thì anh lại phải hứng chịu bom B52 của Mỹ trong suốt 12 ngày đêm ở Hà Nội. Đây cũng là thời kỳ hạnh phúc nhất của anh khi trở ra Bắc gặp lại vợ và hai đứa con thơ mà anh đã xa cách 8 năm trời. Mỗi lần nghe bà vợ nói đùa: “Anh đi đâu B52 đi theo đó” thì ông lại cao hứng đọc đoạn thơ trong bài “Đợi anh về” của Xi-mô-nốp (Nga) đầy lạc quan: “Vì sao anh chẳng chết/ Nào bao giờ ai biết? Có gì đâu em ơi/ Chỉ vì không ai người/ Biết như em chờ đợi”.
Thế nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì ông có lệnh trở về Nam công tác. Nếu lần trước ra đi lòng nhẹ phơi phới thì lần này ra đi lại là một cuộc đấu tranh không chỉ trong gia đình mà ngay cả trong bản thân ông. Câu nói: “Anh Bảo ạ, lúc này là lúc cách mạng miền Nam đang cần cán bộ đi vào” của đồng chí Tố Hữu (lúc này là Trưởng ban Tuyên huấn TW Đảng) đây cũng là nguồn động viên và lời nhắc nhở để ông thuyết phục gia đình. Đầu tháng 4-1973 một lần nữa thầy giáo Bảo lại chia tay với Hà Nội để trở về Nam nhận cương vị Trưởng Tiểu ban Giáo dục miền Đông Nam bộ. Tuy chiến sự nhiều nơi vẫn còn ác liệt nhưng với cương vị người phụ trách giáo dục của một vùng đất “gian lao mà anh dũng”, ông đã chỉ đạo các địa phương quyết giữ trường, bám lớp trong mọi hoàn cảnh. Đây cũng là giai đoạn các trường phải chia nhỏ ra để đi sơ tán, nhiều nơi tổ chức dạy học theo nhóm chứ không thể theo lớp được. Ông đã từng xót xa khi nhìn thấy các cô giáo không còn tiền còn gạo phải đi vào nhà dân xin nắm rau, rổ khoai để lo cái đói cho học sinh như lo cho con cái của mình. Ngoài việc lên lớp, thầy cô giáo cách mạng phải tham gia công tác “giành dân lấn đất” để cùng địa phương mở rộng vùng giải phóng. Gian khổ nguy hiểm nhưng chẳng ai nề hà.
Năm 1975 ông về tiếp quản Sài Gòn với tư cách là người của Bộ Giáo dục và Thanh niên thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. Sau đó ông còn giữ chức vụ Hiệu phó, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Phó chánh văn phòng Bộ GD-ĐT.
Hơn 10 năm đi B không biết bao nhiêu đồng đội bị thương và cả hy sinh trên tay ông mà thầy giáo Bảo không thể nào nhớ hết được. Tuy ông không nói ra nhưng tôi biết trước khi nghỉ hưu ông đã làm được một công việc thật có ý nghĩa: cùng bạn bè vận động quyên góp trong cán bộ giáo viên được hơn 1 tỷ đồng và đề xuất với Bộ GD-ĐT nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Giáo Dục tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Thế nhưng ông vẫn chưa bằng lòng vì vẫn còn những liệt sĩ như thầy giáo dạy toán Phạm Xuân Phương cùng tổ đi B với ông khi chết chôn ở trảng Lò Gò mà đồng đội đã chín lần đi tìm nhưng vẫn chưa thấy mộ phần. Đó chính là điều mà đến nay thầy giáo già Nguyễn Quốc Bảo cứ còn day dứt mãi.
Hương Thủy
Bình luận (0)