Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những nhà giáo đi B thời chống Mỹ – Bài 5: Người hai lần được… lập bàn thờ

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Phạm Kim Yến đưa tiễn đoàn học sinh Trường Lý Tự Trọng đi bộ độiMột lần bị giặc bắt, một lần lọt vào vòng vây của trận càn, cả hai lần, đồng đội xót thương tưởng chị đã bỏ trường, bỏ lớp ra đi mãi mãi. Nhưng như một câu chuyện cổ tích thời đánh Mỹ, cái chết đã phải “cúi đầu” trước cuộc đời tràn đầy nhựa sống của cô giáo Phạm Kim Yến – một trong những nhà giáo đi B đầu tiên theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam.

“Hy sinh” lần thứ nhất…

Là con út trong một gia đình nhưng tuổi thơ của Phạm Kim Yến đã phải chịu nhiều cay cực. Mẹ mất sau khi Yến chào đời, mấy anh chị phải nuôi đứa em thơ bằng nước cơm, nước cháo lần lữa qua ngày. Người cha phải chịu cảnh “gà trống nuôi con” rồi sau đó cũng ngã quỵ trước một căn bệnh hiểm nghèo. Thấy Yến nhanh nhẹn, tháo vát các cô các chú đưa vào làm liên lạc trong cơ quan Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc Yến tròn 11 tuổi. Yến còn nhớ mãi ngày 29 Tết năm Giáp Ngọ trên bến sông Đốc rộn ràng kẻ đón người đưa. Hòa lẫn trong dòng người ra Bắc tập kết (năm 1954) cô bé người nhỏ nhắn, vai mang chiếc ba lô nhỏ cũng hối hả lên tàu. Ra đến Hải Phòng, bắt đầu từ đó Yến lớn lên trong bầu không khí của chế độ mới miền Bắc XHCN.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Yến trở thành cô sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Chưa kịp ra trường thì đế quốc Mỹ mang bom ra bắn phá miền Bắc, thầy trò phải sơ tán vào núi. Lớp học dựng ngay trong chùa, nhà dân là ký túc xá của sinh viên. Ban ngày cùng bộ đội dân quân đào giao thông hào, ban đêm thầy trò mới chong đèn vào lớp học. Sinh viên Lớp văn khóa 3 năm đó vẫn không thể nào quên được cô lớp phó học tập dáng mảnh mai, một đảng viên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết. Nằm trong danh sách cán bộ nguồn nên sau khi ra trường, Yến được lệnh điều động ngay về Ban Thống nhất Trung ương để lên đường vào Nam. Đó là ngày 24-9-1965.

… Tại vùng rừng U Minh Hạ có một ngôi trường mang tên người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng. Được về dạy chữ ngay trên mảnh đất dù tận cùng đất nước nhưng lại là chính quê hương mình nên Yến vô cùng hào hứng. Tuy nhiên, trường lớp ở đây khó khăn gấp bội phần so với các vùng chiến khu khác, cái gì cũng thiếu nên thầy trò đều phải tự lực cánh sinh. Khổ nhất là mùa mưa, chỗ nằm trong căn hầm tránh đạn luôn ngập nước. Nhiều lần cả cô và trò áo quần ướt sũng do vừa chui xuống hầm tránh bom địch nhưng vẫn để nguyên mà vào lớp học. Hồi đó trường còn thiếu giáo viên nên có khi cô giáo dạy văn “kiêm” luôn cả mấy môn tự nhiên toán, lý, hóa… dạy không kể giờ giấc. Gặp thời kỳ ác liệt trường lại phải di dời liên tục. Có hôm vừa lên lớp xong, nửa đêm thầy trò lại ôm sách vở xuống xuồng bí mật đi tiếp để lại bao sự luyến tiếc về ngôi trường cũ tuy nhà tranh vách nứa nhưng phải mất bao nhiêu mồ hôi và cả máu xương mới có được.

m 1967, trên đường đi công tác từ Sóc Trăng về Cần Thơ không may Yến bị sa vào tay giặc. Tuy mang bí danh Nguyễn Thị Ngọc nhưng giọng nói còn pha tiếng Bắc và tay lại đeo chiếc đồng hồ nữ mạ vàng Slava (Liên Xô cũ) nên chị bị địch tình nghi là cán bộ chi viện từ miền Bắc. Thế nhưng chính nhờ giọng nói này mà nữ tù “Bắc di cư’” Nguyễn Thị Ngọc đã làm tốt công tác binh vận với cai ngục “đồng hương” Tám Lẻ để sau đó trốn thoát ra ngoài. Thế nhưng bạn bè ngoài Bắc hay tin sau khi bị bắt cô giáo Trường Lý Tự Trọng đã… hi sinh và mất xác ở trong tù nên nhiều người thương xót lập bàn thờ để tưởng nhớ chị.

…Và lần thứ hai

Ra tù, Yến về dạy Trường Trung cấp Sư phạm miền Tây đóng ở vùng T3. Thời kỳ này chị cùng với nhiều giáo viên được lệnh đi xuống cơ sở chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân. Lại những ngày đói khổ và gian nan vì bom đạn. Chị nhớ lại: “Có lần đến khu vườn Ba xã thì nhóm tụi tôi bị giặc bố ráp kẹt ở dưới hầm mấy ngày liền. Không có nguồn tiếp tế, mọi người đành lượm trái vú sữa do pháo địch bắn gãy ăn thay cơm. Lúc đầu thấy ngon nhưng mấy bữa sau ngán… lên tận cổ”. Nhưng “ấn tượng” nhất là lần chị cùng một cô giáo khác bị kẹt 15 ngày ở Kiến Tường. Sau khi vượt sông, hai người được giao liên đưa vào một căn nhà nát nằm heo hút giữa đồng không mông quạnh, trong nhà có hai chiếc giường nhỏ để nghỉ lấy sức mai đi tiếp nhưng khi vừa bước vào nhà thì mọi người nhìn thấy trên một chiếc giường có… một xác chết còn “nóng hổi”. Lúc đầu cả hai sợ tái cả mặt nhưng vì mệt quá nên hai chị đành chấp nhận “ngủ qua đêm” với đứa con bà chủ nhà vừa bị pháo địch bắn. Cũng trong đợt “luồn sâu vào lưng địch” lần này nhóm của chị đã lọt vào ổ phục kích của giặc. Không biết chị bị lạc đường nên giao liên báo về là chị đã… hy sinh. Lại một lần nữa anh em trong cứ dựng bàn thờ để khóc thương cô giáo Yến.

Sau năm 1975, chị đã từ chối nhiều chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục ở miền Tây để theo gia đình về Sài Gòn công tác. Ngoài công việc Phó trưởng phòng tổ chức Sở GD-ĐT TP, thời gian này chị dồn hết tâm sức để làm tròn thiên chức người mẹ, người vợ. Từ đôi bàn tay tảo tần của người phụ nữ đảm đang, hai cậu con trai ngày một khôn lớn và thành đạt, chồng chị (TS. Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) có điều kiện cống hiến cho ngành giáo dục TP và cơ hội học tiếp chương trình nghiên cứu sinh.

Ở cái tuổi mấp mé 70, mái đầu chị không chỉ pha màu sương mà còn có cả màu khói bom và thuốc súng quân thù. Học trò của cô giáo Yến có nhiều em đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, và cũng không biết bao nhiêu em góp tài góp sức của mình để xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp như hôm nay. Gặp lại lớp học trò cũ như bà Phạm Phương Thảo (Chủ tịch HĐND TP), bà Đặng Huỳnh Mai (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT), nhà giáo Phạm Kim Yến lại càng tự hào hơn về đội ngũ kế tiếp của mình. Trong câu chuyện chị kể, tôi như thấy từ trong sâu thẳm tâm hồn của người con gái kiên trung đất Mũi vẫn còn đó những kỷ niệm thân thương về ngôi trường trong kháng chiến. Ở đó không chỉ nuôi lớn bao thế hệ thanh niên mà còn luyện thêm ý chí cách mạng cho những nhà giáo một lòng đi theo Đảng, nguyện một đời “vì nhân dân phục vụ”.

Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)