Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Những nhà “khoa học nhí”: Bài 1: Ý tưởng nhân văn của cậu học trò lớp 2

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Minh Châu và những thành tích của mình

Tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu nhi lần 5-2010” do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức vừa qua, gây bất ngờ và ấn tượng nhất cho Ban giám khảo chính là cậu học trò lớp 2 Trường Tiểu học Trương Định (Q.12) – Nguyễn Minh Châu. Em mang đến cuộc thi 4 sản phẩm thì có 3 sản phẩm đạt giải: một giải nhì (giải cao nhất ở khối tiểu học) và 2 giải khuyến khích.
“Công trình” mang tính nhân văn
Bắt đầu từ thói quen hay quan sát cuộc sống xung quanh, và những lần được ba chở trên đoạn đường từ nhà đến trường, Châu nhận thấy, hàng ngày có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ. Về nhà em cứ hỏi ba: “Sao người ta biết sai mà cứ vượt đèn đỏ hoài?”. Từ đó, ý tưởng về một giải pháp làm giảm tai nạn giao thông bằng cách chặn không cho người đi đường vượt qua đèn đỏ đã xuất hiện trong đầu em. Ra đường Châu quan sát tỉ mỉ các cột đèn giao thông, rồi về nhà mày mò vẽ lại trên giấy, phác họa ra một thanh chắn ngăn không cho người đi qua. Theo đó, thanh chắn này được gắn trên cột đèn, khi có tín hiệu đèn đỏ, thanh chắn sẽ tự động sập xuống không cho người qua. Hết đèn đỏ, thanh chắn tự động nâng lên. Châu đặt tên phát minh của mình là “Thanh chắn an toàn giao thông” và thanh chắn này đã giúp em đoạt giải nhì ở khối tiểu học tại cuộc thi sáng tạo vừa qua. Không chỉ có thế, Ban giám khảo cuộc thi còn bị bất ngờ hơn khi em trình làng thêm hai sản phẩm khác cũng rất có ý nghĩa đó là: Game show đố bạnSân khấu rối thu nhỏ. Hai sản phẩm này đều đạt giải khuyến khích. Ở sản phẩm Game show đố bạn, Châu giải thích: “Em dùng một hộp bánh Choco-Pie để làm khuôn, sau đó khoét 2 đầu hộp rồi dùng 4 chiếc đũa để làm trục quay; trong đó có 2 chiếc ngăn phần trên và phần dưới để bỏ câu đố và đáp án. Những câu đố đều được Châu và ba vào trong nhà sách để ghi lại về bỏ vào hộp, có khoảng 100 câu hỏi có chủ đề quê hương, thiên nhiên… Mỗi câu đố đều có một đáp án ở ngăn dưới để dò tìm”. Nói về ý tưởng hình thành game show, Châu cho biết: “Mỗi khi xem ti vi, em thường xuyên được nghe về tác hại của những game không tốt như game online, rồi thầy cô và ba mẹ khuyên răn không nên chơi game nên em nảy ý tưởng làm game show đố bạn”. Đến nay, sản phẩm của Châu đã được các bạn trong lớp tham gia chơi rất nhiều, khiến em phải về nhà bắt ba chở vào nhà sách tìm kiếm thêm câu hỏi. Có thể nói, chính những ý tưởng đầy tính nhân văn đó mà các sản phẩm của “nhà khoa học nhí” Nguyễn Minh Châu dù rất đơn giản nhưng lại thuyết phục được mọi người và Hội đồng giám khảo rất cao.
Tấm lòng chia sẻ với người kém may mắn
Sau buổi giao lưu phát giải, tôi theo em về nhà và cảm thấy “choáng ngợp” bởi các thành tích nổi bật của Châu được treo trong căn phòng nhỏ vỏn vẹn chỉ có 8m2, đó là các tấm giấy khen hoa học tốt, thi vẽ tranh cho đến tấm giấy công nhận Cháu ngoan Bác Hồ được ba em cẩn thận ép nhựa rồi treo lên. Anh Nguyễn Văn Long – ba em kể: “Một lần sau khi xem ti vi ở nhà hàng xóm về, cháu đập vào vai tôi, nói: “Con muốn làm chương trình đố vui, rồi cầm hộp bánh Choco-Pie lên hỏi tiếp: “Hộp bánh này biến thành ti vi được không ba?”.
Để hoàn thành được những sản phẩm trên, có nhiều đêm Châu đã phải thức đến 12 giờ mới đi ngủ. Có một điều rất thú vị ở Châu là dù còn nhỏ tuổi nhưng em luôn biết đồng cảm và chia sẻ khó khăn với các bạn kém may mắn. Trong một lần Châu được giao lưu với các bạn khuyết tật, kém may mắn, Châu chỉ biết khóc, không nói nên lời. Từ đó, trong em dần hình thành những ý tưởng mong muốn được chia sẻ với các bạn. Và mô hình “Ngôi nhà tình thương – tiết kiệm” ra đời từ ấy. Công trình này được thực hiện hoàn toàn bằng vật liệu phế thải, cho phép tiết kiệm một khoản tiền không phải mua heo đất. Được biết, hàng ngày em không quên trích ra 2.000 đồng từ tiền ăn sáng vốn ít ỏi được ba mẹ cho để nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo, mong sao cho hai ngôi nhà ấy ngày càng nặng, có vậy mới đủ để mua tập, viết, học cụ và chia sẻ tình thương đến với các bạn khuyết tật, kém may mắn. Công trình đó bây giờ đã được Châu “nâng lên” thành công trình Nhà giàn đa dụng DK2A góp tiền chia sẻ với các chú bộ đội.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Có một điều rất thú vị là Châu dù còn nhỏ tuổi nhưng em luôn biết đồng cảm và chia sẻ khó khăn với các bạn kém may mắn. Trong một lần Châu được mời giao lưu với các bạn khuyết tật, kém may mắn, Châu đã khóc thật nhiều.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)