Sinh viên thành phố tái hiện hoạt cảnh Hát cho dân tôi nghe của nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Ảnh: Minh Châu |
Đó là những cánh chim đầu đàn của phong trào đấu tranh học sinh – sinh viên Sài Gòn những năm 1965 –1975 cùng các nhạc sĩ gắn bó với phong trào thanh niên tình nguyện hơn 10 năm qua ở lĩnh vực sáng tác, hoạt động văn nghệ. Mỗi sáng tác của họ trong từng giai đoạn đã trở thành một phong trào âm nhạc yêu nước, xung kích vì cộng đồng dành cho đông đảo lực lượng thanh niên, học sinh – sinh viên.
Từ phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”
Với cương vị Trưởng đoàn Văn nghệ sinh viên – học sinh Sài Gòn được thành lập từ ngày 15-5-1965 kiêm Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các “nhạc sĩ sinh viên” Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên, Trần Nhật Nam… thực hiện phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe góp phần làm vũ khí đấu tranh hữu hiệu thông qua các hoạt động tiêu biểu là văn nghệ trong Hội Tết Quang Trung Sài Gòn năm 1967; đêm nhạc Tôn Thất Lập ở Đại học Dược khoa Sài Gòn (1967) do Tạp chí Đất Mới của sinh viên Luật khoa Sài Gòn tổ chức và tại Đại học Khoa học Huế tháng 11-1968; đêm thơ nhạc ở Đại học Sư phạm Huế vào tháng 12-1967… Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe đã phát triển và lan tỏa ra các đô thị khác. Với phong trào này, nhạc sĩ Tôn Thất Lập được xem như là cánh chim đầu đàn với những ca khúc đầy tình tự dân tộc, hào khí như: Hát cho dân tôi nghe, Hát trong tù, Đồng lúa reo, Xuống đường, Người đợi người, Tiếng gọi sinh viên… “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang” (Hát cho dân tôi nghe -Tôn Thất Lập). Một trong những kỷ niệm sâu sắc của nhạc sĩ Tôn Thất Lập là cuộc xuống đường ở Đại học Nông – Lâm – Súc (nay là Đại học Nông Lâm) vào năm 1970 để tẩy chay màn bầu cử thượng nghị viện của chính quyền Sài Gòn. “Hậu quả là tôi và 178 sinh viên nữa bị bắt giam. Trong khám, nam nữ ở hai phòng riêng biệt ngăn cách bởi một bức tường. Tuy nhiên, tất cả các sinh viên chúng tôi vẫn tổ chức ca hát, tiếng hát vang dội khắp các phòng giam cùng những nhịp vỗ tay rầm rập. Đến ngày thứ năm, chúng tôi đã phá được bức tường ngăn cách, anh em hoà cùng một khối. Lo sợ trước khí thế đấu tranh hừng hực bằng tiếng hát của chúng tôi, tay trưởng ty cảnh sát hạ lệnh: “Sinh viên học sinh muốn làm gì cũng được, nhưng cấm không… được hát”” – anh nhớ lại! Nhạc sĩ Trần Long Ẩn thì cho biết: “Năm 1969, tôi vào học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Từ năm 1969, tôi tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh tại các đô thị miền Nam cùng với các anh mà nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã kể trên… Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc xuống đường, bãi khoá, những đêm không ngủ, đốt lửa căm thù… Lúc đầu, tôi sáng tác bài Người mẹ Bàn Cờ và ngồi đệm đàn hát. Một người bạn thân nghe và bảo hay quá. Anh đã giúp tôi sửa chữa bài hát và thật bất ngờ, vào một buổi tối, bài Người mẹ Bàn Cờ được phát trên Đài phát thanh Giải phóng, anh em đã chúc mừng tôi. Sau đó ca khúc này được dàn dựng ở khắp các chương trình của phong trào sinh viên – học sinh, và đó cũng là động lực thúc đẩy tôi sáng tác thêm ca khúc Hoa Lục Bình…”
Đến phong trào thanh niên tình nguyện
Không thể kể hết những nhạc sĩ gắn bó chặt chẽ với hầu hết các phong trào tình nguyện của Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP.HCM như Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Phạm Đăng Khương, Nguyễn Nhất Huy, Quốc An, Hoài An, Công Tuấn, Trần Huân, Huy Cường… Chiến dịch Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Hành quân xanh năm nào họ cũng hăng hái đồng hành, vừa tìm cảm hứng sáng tác vừa đi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ và bà con ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đắk Nông, Buôn Mê Thuột… Trong số đó, phải kể đến nhạc sĩ Thế Hiển với rất nhiều ca khúc: Hành khúc thanh niên tình nguyện, Cao nguyên mùa hè xanh, Xanh mãi những mùa hè. Đặc biệt là ca khúc Cô giáo tình nguyện được viết lên bằng những cảm xúc chân thật và rất đời thường qua câu chuyện mà chính anh đã được chứng kiến: “Có cô sinh viên áo xanh tình nguyện/ Về giữa đồng bằng qua phà qua sông/ Đàn em trông nom yêu cô giáo trẻ/ Đêm đêm đốt đèn đọc chữ i tờ/ Dòng sông mênh mông bên bồi bên lở/ Rồi một chiều mưa giông…”. Có thể nói, ngày xưa và bây giờ tuy hai hoàn cảnh có khác nhau, nhưng những ca khúc truyền thống viết về hình ảnh lớp thanh niên trí thức đầy khí phách anh hùng, dũng cảm của thế hệ trước và lớp thanh niên, đầy nhiệt tình cống hiến của thế hệ hôm nay luôn là động lực cho sinh viên – học sinh trên con đường bước vào đời…
SONG MINH
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn tâm sự: “Sự hy sinh của anh Trần Văn Ơn, chị Quách Thị Trang… như một ngọn đuốc thắp sáng niềm tin cho cuộc đấu tranh của sinh viên học sinh lúc bấy giờ. Cho đến hôm nay, mỗi khi gặp những chuyện phiền toái khó khăn thì những hình ảnh của cuộc đấu tranh và những ca khúc ngày ấy giúp cho tôi tự tin và vững vàng hơn…”. |
Bình luận (0)