Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Những “nô lệ” quyền lực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Nô lệ”, đó là từ mà Chủ tịch FIFA Joseph Sepp Blatter đã dùng để gọi Cristiano Ronaldo khi M.U quyết tâm trói chân cầu thủ này hồi năm ngoái trước sự tấn công dữ dội từ Real Madrid. Thế nên, khi người “nô lệ thời hiện đại” ấy chuyển sang đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha với giá chuyển nhượng “bất nhân” là 94 triệu euro, đa số những người trung lập đều chỉ trích Real Madrid, riêng Blatter là xoa tay hài lòng. Còn bao nhiêu “nô lệ” như thế trên thị trường chuyển nhượng hiện nay?

Được làm “nô lệ” như Cristiano Ronaldo là ước mơ của hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới

Những trại tù giam

Khi một cầu thủ vui vẻ, anh ta có thể gọi CLB mà mình đang khoác áo là ngôi nhà mơ ước, là mái ấm, là gia đình thứ hai. Nhưng một khi cơm không lành, canh chẳng ngọt thì họ lại sẵn sàng vứt bỏ bộ trang phục từng một thời tôn thờ ấy để hôn lên logo trên chiếc áo đấu của một CLB khác, thậm chí là của đối thủ không đội trời chung với đội bóng cũ. Bây giờ, có rất nhiều cầu thủ đã hôn lên chiếc logo trong lễ ra mắt CLB để lấy lòng. Raul Albiol, Cristiano Ronaldo và Karim Benzema hôn logo Real Madrid, Shunsuke Nakamura hôn logo Espanyol… Nụ hôn càng dễ dàng, sự thay lòng đổi dạ hẳn cũng dễ dàng theo, nhiều người đã nghĩ thế.

Nhưng được như Ronaldo, Benzema hay Nakamura cũng còn may. Vì họ đã được đến những nơi mong muốn. Nhiều cầu thủ khác đang nhấp nhổm ra đi nhưng lại bị CLB kiên quyết giam hãm. Trường hợp tiêu biểu nhất là Franck Ribery. Anh đã công khai bày tỏ ước mơ được khoác áo Real Madrid, vậy mà bất chấp đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đã nhiều lần gõ cửa, Bayern vẫn lạnh lùng nói một chữ “không”. Tất nhiên họ nói nhiều cách khác nhau, khi thì “50 triệu euro chỉ mua được… một giò của Ribery”, lúc thì “Ribery không thể rẻ hơn Cristiano Ronaldo” và gần nhất là “Bayern không phải cái chợ”. Khi Chủ tịch Florentino Perez vươn tay qua Premier League, Serie A và Ligue 1 để lấy đi ngôi sao lớn nhất của họ, Bundesliga bỗng trở thành cái thành trì cuối cùng. Những lãnh đạo ở Bayern một mặt muốn giữ Ribery, một mặt muốn bán với giá cao cũng như một mặt muốn chứng tỏ vị thế của đội mình trên bình diện châu Âu. Đấy là niềm kiêu hãnh của một con “hùm xám” quyết không run sợ trước sức mạnh của bầy kền kền hung hãn.

Có thể vụ Ribery rồi sẽ êm xuôi và Bayern giữ được ngôi sao sáng nhất của họ. Nhưng liệu Ribery có thi đấu hết lòng hay không khi thân xác anh ở Munich nhưng thần hồn thì bay bổng tận Madrid. Allianz Arena rồi sẽ như một nhà tù kềm hãm giấc mơ của anh. Theo ngôn ngữ của Blatter, Ribery đích thị là một nô lệ thời hiện đại dù cho chế độ chiếm hữu nô lệ đã kết thúc từ mấy nghìn năm rồi. Tại Valencia cũng có một “trại giam” khác, trong đó có một tù nhân đang chờ ngày được tự do là David Villa. “El Guaje” từng biểu lộ lòng trung thành với Valencia trong quá khứ, nhưng giờ thời thế đổi thay, những căng thẳng và xung đột ở thượng tầng CLB làm anh chán nản. Sau cuộc họp đầu tuần giữa anh, người đại diện Jose Luis Tamargo, Chủ tịch Manuel Llorente và Phó Chủ tịch Javier Gomez, dù Ban lãnh đạo Valencia đã nói ráo nước bọt rằng anh chính là một trụ cột không thể thay thế, là linh hồn của sân Mestalla trong mùa bóng nhạy cảm này, Villa vẫn đứng dậy và dứt khoát: “Hãy giải quyết sớm chuyện này, tôi không quay lại Valencia nữa”.

Một trại giam khác đang mọc lên từ London. Thật bất ngờ khi tù nhân của Chelsea lại là trung vệ thủ quân John Terry – người được xem là biểu tượng của đội bóng lắm tiền ở thủ đô nước Anh. Nhưng Chelsea chỉ có thể tự trách mình vì họ đã từng thu phục Terry bằng những đồng tiền của tỷ phú Roman Abramovich. Khi bạn xây dựng nên một đế chế bằng tiền, bạn buộc phải dùng tiền để giữ đế chế ấy. Nhưng giờ thì Man. City của những ông hoàng Ả-rập xuất hiện và khiến tỷ phú người Nga lép vế. Man.City còn chi bạo hơn những năm đầu tiên Abramovich đặt chân đến Chelsea, vừa trả phí chuyển nhượng cao vừa trả lương hậu hĩnh. Terry dao động là điều dễ hiểu, không dao động thì mới lạ. Nhưng cũng như Bayern không muốn mất Ribery, Valencia không thể mất Villa, Chelsea cũng quyết giữ cho bằng được linh hồn của đội bóng. Trưởng thành từ lò đào tạo trẻ, anh đã đi qua biết bao thăng trầm cùng Chelsea, đã từng nâng cao chiếc cúp Premier League trong tiếng cười ngạo nghễ của Jose Mourinho, đã từng ngã gục sau cú trượt chân trên chấm 11 m ở trận chung kết Champions League mùa giải 2007-2008 trong một đêm Moskva mưa tầm tả. Mất Terry, Chelsea sẽ mất bản sắc của một đội bóng lì lợm và giàu tinh thần chiến đấu. Nhưng hỡi ôi, giữ chân Terry bằng cách nào đây khi Man. City đang dùng sở trường của Chelsea để đánh vào chính đội bóng này, như một đòn gậy ông đập lưng ông ác nghiệt. Và Chelsea có cố giữ Terry thì những rạn nứt giữa người thủ quân và CLB đã xuất hiện rồi. Chelsea cũng chính là một nhà tù vậy.

Quyền lực cầu thủ

“Người nô lệ thời hiện đại” Cristiano Ronaldo giờ đang sống như ông hoàng trên đất Tây Ban Nha. Anh nhận lương 13 triệu euro/mùa, được cấp nhà, cấp xe và cấp luôn cả vệ sĩ. Khi M.U bán Ronaldo cho Real Madrid, họ đã giải thích rõ ràng trên website của mình: “M.U bán Ronaldo để thỏa theo nguyện vọng được ra đi của anh”. M.U từng là nhà hát của những giấc mơ, Sir Alex Ferguson từng là một người cha tinh thần, nhưng những vinh quang đã qua cùng tấm thịnh tình của đội bóng cũng không thể giữ chân được Ronaldo. Hóa ra M.U bán siêu sao của mình là tức thời. Còn Bayern, Valencia hay Chelsea cố giữ Ribery, Villa hay Terry như giữ trong mình những quả bom nổ chậm.

Bây giờ, cầu thủ được hưởng quá nhiều đặc quyền. Tiếng nói họ lớn hơn, họ có một đại diện khôn ngoan cho những cuộc ngả giá, họ có trong tay điều 17 Luật FIFA, hay vẫn gọi là “Luật Webster”, để mua lại tự do cũng như Hiệp hồi cầu thủ chuyên nghiệp FIFPro sẵn sàng vào cuộc để bảo vệ. Thế nên Victor Valdes dù được Barcelona bảo bọc từ thời niên thiếu đến nay vẫn ngang nhiên đòi tăng lương và đe dọa ra đi. Rốt cục nhà đương kim vô địch Champions League, Liga BBVA và Cúp Nhà Vua Tây Ban Nha vẫn phải cắn răng trả thêm bốn triệu euro/mùa cho anh. Ribery có thể sử dụng “Luật Webster” để ra đi vào mùa Hè năm sau. Điều đó làm Bayern lo sốt vó và họ còn tính chuyện… xúi giục các CLB hàng đầu tẩy chay những cầu thủ rời đội bóng bằng “Luật Webster”, thông qua Hiệp hội CLB châu Âu (ECA) – tổ chức ra đời tháng 1/2008 với 103 thành viên từ 53 quốc gia nhằm thay thế cho nhóm G-14 trước đây. Đáng nói hơn, Chủ tịch của ECA lại là Karl-Heinz Rummenigge, CEO của Bayern. Không chỉ yếu thế hơn so với Real Madrid, Bayern còn yếu thế so với chính người mà mình đã ký hợp đồng lao động.

Real Madrid tiếp xúc trái phép Ronaldo, Barcelona đi đêm với Villa và Zidane thuyết phục Ribery. Người ta đều chĩa mũi dùi về phía CLB đi mua. Sir Alex Ferguson bảo không bán cho Real Madrid dù chỉ là một con virus, dọa kiện lên FIFA, Valencia cũng dọa mang Barcelona lên FIFA phân xử, nhưng các CLB này chẳng bao giờ quay lại trách cầu thủ của mình. Làm sao có những cuộc đi đêm ấy nếu bản thân cầu thủ không ăn ở hai lòng và muốn ngả sang một bến bờ khác. Valencia không trách Villa, M.U không trách Ronaldo cũng là sợ họ phật lòng. Họ phật lòng rồi sinh ra chán nản và thi đấu không tốt. Nếu Villa, Ribery hay Ronaldo là “nô lệ”, hẳn ai trên đời cũng muốn được gia nhập hàng ngũ của họ.

Trần Minh (theo thethaovanhoa)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)