Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những nỗi đau để lại…

Tạp Chí Giáo Dục

Các bị cáo trước vành móng ngựa

TAND tỉnh Quảng Trị vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cậu Thủy” và đồng bọn làm giả hài cốt liệt sĩ. Phiên tòa nghiêm minh của pháp luật khép lại với khung án chung thân dành cho kẻ chủ mưu Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”) và 87 năm tù cho 6 đồng phạm còn lại được tuyên là đúng người, đúng tội.

Nhưng đằng sau phiên tòa ấy, có nỗi đau không gì bù đắp được, đó là nỗi đau của những người chưa về và cả người ở lại…

Táng tận lương tâm

Khán phòng xử án trang nghiêm, 7 bị cáo đứng trước vành móng ngựa lần lượt trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử. Không có sự ấp úng trong từng chi tiết lời khai. Bên dưới hội trường, các cựu chiến binh áo sờn vai, thân nhân các liệt sĩ rưng rưng giữ chặt những bức ảnh của đồng đội, người thân mà họ mang theo đến dự phiên tòa để bày tỏ sự căm phẫn…

Các bị cáo trong vụ án nghiêm trọng này, gồm: Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”, 56 tuổi); Mẫn Thị Duyên (53 tuổi, vợ hờ của Thúy); Nguyễn Văn Hoành (46 tuổi, em ruột Thúy); Mẫn Đức Phương (37 tuổi, em ruột Duyên); Nguyễn Trường Sơn (28 tuổi); Nguyễn Anh Chiều (32 tuổi, con rể Duyên) đều bị xét xử với hai tội danh, gồm: “Xâm phạm mồ mả, hài cốt” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng Hoành bị xét xử thêm tội danh “Trộm cắp tài sản”. Bị cáo Vũ Đức Chung (67 tuổi, nguyên là nhân viên quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) bị xét xử về tội danh “Xâm phạm mồ mả, hài cốt liệt sĩ” (do có nhận 30 triệu đồng để nhóm của Thúy lấy trộm hài cốt liệt sĩ chưa có tên tại nghĩa trang trên). 

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Trị, bị cáo Thúy và Duyên đã chủ mưu thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo còn lại đều là đồng phạm tiếp tay. Thủy cùng đồng bọn đã lấy trộm 70 bộ hài cốt liệt sĩ chưa biết tên tại các nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình); huyện Gio Linh và huyện Hải Lăng (Quảng Trị); xã Hương Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế). Sau khi lấy được xương cốt, Hoành, Phương, Sơn, Chiều bỏ vào xô nhựa rồi đưa đi chôn tại nhiều điểm. Để tạo lòng tin với cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bên cạnh đào trộm hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang, chúng mua và làm giả nhiều di vật của bộ đội, như bi đông, ăng gô, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo, thắt lưng… Khi thân nhân liệt sĩ hy sinh có nhu cầu tìm kiếm thì Thúy yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến liệt sĩ đã hy sinh (tên tuổi, quê quán, đơn vị, thời gian và địa điểm hy sinh…), đồng thời thỏa thuận giá cả, trong đó phải đặt tiền cọc trước từ 10-15 triệu đồng (gọi là lễ trình), sau một thời gian Thúy hẹn ngày giờ tổ chức cất bốc. Xong việc thì phải đưa cho Thúy từ 100 triệu đồng trở lên (gọi là lễ tạ).

Những nỗi đau để lại

70 bộ hài cốt liệt sĩ chưa biết tên mà Thúy và đồng bọn trộm tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã được chia thành hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ. Cũng chính Thúy trong vai trò “nhà ngoại cảm” với hình thức “áp vong” để tìm về cho các gia đình thân nhân liệt sĩ đã ra đi ngót nửa thế kỷ chưa trở về. Chị Ng.T.Ng, trú quận Cầu Giấy (Hà Nội) buồn bã: “Bác tôi hy sinh từ năm 1969. Mấy chục năm nay ba tôi miệt mài lần tìm thông tin với hi vọng đưa bác về quê. Ngày nhờ ông Thủy tìm đưa bác về, ba tôi mừng đến quên ăn quên ngủ. Nào ngờ nghe tin bị lừa, bố tôi ngã quỵ, đổ bệnh rồi qua đời. Đến lúc lâm chung, bố vẫn chưa yên lòng về bác… Nỗi đau về vật chất có thể dễ nguôi ngoai nhưng nỗi đau tinh thần không gì bù đắp được…”.

Trước tòa, bị cáo Mẫn Thị Duyên cho rằng: “Khi Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đến đặt vấn đề, chồng tôi đã từ chối, nhưng sau nhiều lần họ quyết tâm mời nên chúng tôi mới đồng ý”(?!). Duyên nghẹn ngào xin giảm án cho chồng. Còn bị cáo Thủy ngậm ngùi khi nói lời sau cùng: “Bây giờ tôi chỉ biết cải tạo thật tốt. Tôi xin lỗi các gia đình liệt sĩ về nỗi đau do tôi gây ra. Cái lỗi mà tôi không thể nào làm lại được”. Khán phòng chùng xuống. Lời của vị chủ tọa phiên tòa đáp lại nỗi trăn trở của các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ: “Phương án nào để đưa các liệt sĩ đã bị trộm từ các nghĩa trang về chỗ cũ đến nay tòa cũng chưa biết định thế nào…”. Sẽ là thế nào khi những người lính ở tuổi 20 đẹp nhất đời người xả thân hy sinh vì Tổ quốc, họ ra đi không mang theo bất cứ thứ gì, đến cả cái tên trên tấm bia cũng chỉ là dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”? Thế mà nay, nắm xương nằm lại ấy cũng bị phân chia thành trăm phần, ngay cả cơ quan chức năng trong quá trình giám định AND cũng khẳng định khó trong việc tìm lại đủ đầy cho mỗi hài cốt liệt sĩ.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Sau khi xem xét toàn bộ bản án, HĐXX đã tuyên Nguyễn Văn Thúy mức án chung thân. Mẫn Thị Duyên 25 năm tù. Nguyễn Văn Hoành 23 năm tù. Nguyễn Trường Sơn 15 năm tù. Mẫn Đức Phương 18 năm tù. Nguyễn Văn Chiều 5 năm tù. Vũ Đức Chung 1 năm tù, cho hưởng án treo.

 

Bình luận (0)