Trong khi nhiều nước đối mặt không ít khó khăn do sự bất ổn của thị trường năng lượng do chiến sự Ukraine, Trung Quốc, Ấn Độ và Qatar lại là những quốc gia được cho là thủ lợi từ thị trường này.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, vừa hoàn tất chuyến công du đến Ả Rập Xê Út và dự hội nghị Trung Quốc – Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần thứ nhất.
Tăng cường vị thế
Trong chuyến đi, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã ký kết hợp tác chiến lược được giới thiệu là mở ra “kỷ nguyên mới” cho quan hệ 2 nước. Trong đó, có thỏa thuận nổi bật là hợp tác sâu rộng về năng lượng. Không những vậy, Reuters ngày 10.12 đưa tin trong hội nghị với GCC, ông Tập Cận Bình đã đưa ra lời kêu gọi các bên tham gia hội nghị tiến tới sử dụng nhân dân tệ để
giao dịch dầu mỏ. Đây được xem là một động thái của Trung Quốc nhằm vừa tăng cường hợp tác với khu vực Ả Rập về dầu mỏ, vừa làm suy yếu vị thế của USD lẫn ảnh hưởng của Mỹ tại đây.
Tàu chở LNG của Mỹ xuất khẩu sang nước ngoài. REUTERS
Theo giới phân tích, chính những áp lực của Mỹ đối với nhiều nước Ả Rập trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) về việc hạn chế hợp tác với Nga, kể từ sau khi bùng nổ chiến sự Ukraine chính là một trong những chất xúc tác khiến các nước trong khu vực này tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Tất nhiên, từ nhiều năm qua, Bắc Kinh cũng đã có không ít động thái nhằm tranh thủ và gây ảnh hưởng đến khu vực Trung Đông.
Đó không phải là lợi ích duy nhất mà Bắc Kinh nhận được trên thị trường dầu mỏ từ chiến sự Ukraine. Kể từ sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Kyiv, Bắc Kinh cũng đã nhập khẩu dầu mỏ nhiều hơn từ Nga với mức chiết khấu cao trong bối cảnh Nga bị nhiều hạn chế về xuất khẩu dầu do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo Đài NHK, tính riêng tháng 10.2022, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 7,7 triệu tấn dầu thô từ Nga, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Tương tự, Ấn Độ cũng đã nổi lên trở thành quốc gia xếp thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, về lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Theo báo Business Standard, nếu như trước khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine, thị phần của Nga chỉ chiếm 0,2% tổng nguồn nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ thì con số này đã lên mức 24,8% trong giai đoạn từ tháng 4 – 9.2022. Còn theo tờ The Economic Times, Trung Quốc và Ấn Độ mua khoảng 2/3 lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển và hơn một nửa lượng dầu thô được xuất khẩu bằng đường ống từ Nga. The Economic Times dẫn số liệu hồi cuối tháng 11.2022 cho biết mức giao dịch dầu thô Nga tại cảng xuất khẩu khoảng 52 USD/thùng, tức có mức chiết khấu lên đến 39% so với dầu Brent.
Tận dụng cơ hội mở rộng thị trường
Nếu như Trung Quốc và Ấn Độ kiếm lợi nhờ mua dầu giá rẻ thì Mỹ và Qatar lại thu lợi nhờ vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu khi cựu lục địa gặp khó trong việc nhập khẩu khí đốt từ Nga do những đòn “ăn miếng trả miếng” giữa phương Tây với Moscow.
Cảng Odessa bị giáng đòn nặng
Hoạt động xuất khẩu ở cảng Odessa vẫn được triển khai bất chấp cúp điện trên diện rộng. REUTERS Hôm qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng không thiết yếu ở cảng Odessa đều lâm vào tình trạng mất điện sau khi trúng đòn tấn công từ máy bay không người lái (UAV) của Nga. Khoảng 1,5 triệu người đang bị ảnh hưởng và phải cần vài ngày để khôi phục. Còn theo TASS, Ukraine đã sử dụng Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) bắn vào TP. Melitopol (tỉnh Zaporizhzhia) thuộc phần Nga kiểm soát, khiến 10 người thiệt mạng. Nga cũng tố Ukraine tiếp tục tấn công Luhansk và Donetsk. Thụy Miên |
Theo số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ (EIA), tính trong 4 tháng đầu năm 2022, châu Âu trở thành điểm đến của 74% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Trong khi tỷ lệ này chỉ đạt trung bình 34% trong năm 2021.
Tương tự Mỹ, Qatar cũng thu lợi không nhỏ. Thời gian qua, Qatar cùng với Úc, và Mỹ từng bước trở thành những nhà sản xuất LNG lớn nhất thế giới. Từ lâu đã là một nhà xuất khẩu LNG lớn cho các nước châu Á, Qatar sẵn sàng trở thành một nguồn năng lượng quan trọng cho châu Âu, vốn đang xoay trục thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga, theo tờ The New York Times. Và cơ hội cho Qatar đã dần trở nên rõ ràng hơn khi theo truyền thông phương Tây, Mỹ mới đây đã đạt thỏa thuận cung cấp lượng LNG khủng cho Đức mà nguồn hàng được cho là đến từ Qatar. Trong khi đó, Qatar cũng đang cấp tập xây dựng những cơ sở hạ tầng quy mô lớn để tăng cường xuất khẩu LNG.
Theo Hoàng Đình/TNO
Bình luận (0)