Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những “ông bố” ở trường mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

“Bố hỏi nhé, mụ phù thủy thường cưỡi cái gì để bay nào?”. “Cái chổi quét nhà ạ!”. “Sáng nay mụ phù thủy đã bắt cóc công chúa rồi, các con có muốn đi cứu công chúa không?”. “Có ạ…”. Tiếng lảnh lót trẻ thơ phút chốc đã biến lớp học thành một vườn cổ tích.

“Bố” Lê Minh Hiền chơi trò chơi với các bé lớp chồi Trường mầm non thành phố – Ảnh: Lưu Trang

Đó là một tiết học ở lớp chồi 2 Trường mầm non thành phố (đường Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM) – nơi mà giáo viên được tất cả học trò gọi một tên chung là “bố”.
Nghề làm… cha
Ở lớp chồi 2, “bố” Lê Minh Hiền (sinh năm 1973) có tới gần 50 “đứa con”. Hơn mười năm nay, cuộc sống hằng ngày của anh đã gắn với những âm thanh ồn ã của trường mầm non, nơi anh phải học tất cả những kỹ năng của một bà mẹ thật sự: dạy và chăm sóc trẻ. 6g sáng có mặt tại trường, 6g45 đón trẻ rồi làm vệ sinh phòng ốc (trụng nước sôi ly chén, lau dọn kệ tủ, bàn ghế), 7g15 tập thể dục, 7g30 cho trẻ ăn sáng, 8g30 vào tiết dạy, 9g15 cho trẻ ăn giữa giờ, 10g15 vệ sinh trước bữa ăn, 10g30 ăn trưa, 11g30 dọn dẹp, lau rửa bàn ăn, 12g thay đồ, cho trẻ đi vệ sinh, 12g15 trải nệm, gối, 15g sinh hoạt – chơi trò chơi, 16g15 đón phụ huynh, trả trẻ, giữ các bé ở lại ngoài giờ tới 18g. Riêng phần vệ sinh cho trẻ gái được một cô giáo khác đảm trách.
Nhiều phụ huynh ban đầu rất ngạc nhiên khi thấy một ông thầy “lạc giữa rừng hoa”, cũng tay xách nách mang đi chợ mua đồ dùng học tập, lau dọn phòng ốc ngoài các tiết dạy toán, văn, tạo hình, thể dục, âm nhạc trên lớp. Anh Hiền tâm sự: “Đã gắn bó với nghề được mười năm rồi nên không còn gì khó khăn hay bỡ ngỡ nữa. Chỉ biết giờ mà nghỉ phép thì nhớ nhất là tiếng la hét ồn ào của tụi nhỏ”.
Tốt nghiệp trung học mầm non năm 1996, cùng khóa Hiền còn có vài người bạn cũng là giáo viên nam nhưng đến nay đều bỏ ngang tìm nghề khác do không chịu nổi áp lực nặng nề của môi trường làm việc: ngày lăn lộn trên lớp mồ hôi nhễ nhại, đêm về thức làm học cụ, soạn giáo án xem ngày mai chơi gì, học gì để trẻ không thấy chán và bao nhiêu nhiệm vụ khác trong vai trò của một ông bố.
Có gia đình đã hơn hai năm nhưng “bố” Hiền vẫn chưa dám có con vì công việc quá bận rộn. Là giáo viên nam duy nhất ở trường nên anh cáng đáng những việc nặng phụ các đồng nghiệp nữ, bên cạnh nhiệm vụ dạy và chăm sóc gần 50 “đứa con” hằng ngày. Nhịp độ làm việc cao, “ông bố” hết nhảy nhót, hát ca, tập thể dục lại lau dọn, chăm sóc các “con” từ sáng sớm đến tối mịt. Anh chia sẻ: “Nếu không yêu trẻ thì khó mà trụ được với công việc này, dù đã chuẩn bị tư tưởng từ hồi mới vào nghề. Nhưng vui nhất, hạnh phúc nhất là khi được ngồi quanh tụi nhỏ, nghe chúng nói chuyện rất hồn nhiên”.
Những người yêu… tiếng ồn
Yêu… tiếng ồn hình như là “đặc trưng” riêng của những “ông bố” trong môi trường sư phạm mầm non. Với “bố” Nguyễn Thanh Lương, hiệu phó phụ trách chuyên môn Trường mầm non quận 11, cách để anh quên hết mệt mỏi, bực dọc là hòa vào một lớp học giữa sân chơi náo nhiệt, hát hò, bày trò chơi cùng bọn trẻ. Sau sáu năm đi dạy, từ lúc chuyển lên làm phó hiệu trưởng, anh phải làm “bố” của cả thảy 830 “đứa con”, trong đó có cả con gái ruột 5 tuổi. Bà xã anh cũng là giáo viên mầm non ở một trường tư thục thuộc quận 11.
Anh hãnh diện tâm sự: “Chọn nghề này nên kể như mình cũng gia nhập cùng phái nữ, lúc nào cũng hãnh diện vì quanh mình toàn người đẹp, đồng thời “cân bằng âm dương”, giúp chị em những công việc dành cho nam giới ở trong trường”. Anh cho biết cùng khóa anh có tới 40 sinh viên nam ra trường nhưng chỉ còn mình anh trụ lại với nghề. Phần lớn bạn bè đều đi tìm công việc nhàn nhã hơn hoặc đầu hàng sau vài năm thử sức.
Niềm vui của “ông bố” đông con này là khi được phụ huynh động viên, hỏi kinh nghiệm dạy con mỗi giờ tan lớp. Anh chia sẻ: “Nghề này dạy cho mình sự vô tư, hồn nhiên bên cạnh tính kiên trì, mềm mỏng, giúp mình dạy con đâu ra đó và áp dụng phương pháp sư phạm để xử lý các tình huống gia đình”.
“Ông bố” Ngô Minh Thái (1974) ở Trường mầm non Sơn Ca 11 (quận Phú Nhuận) đã coi lớp học với những đứa trẻ hiếu động là ngôi nhà thứ hai, dù trước khi vào nghề anh thú thật rằng rất ít khi chơi với trẻ con. Anh tâm sự: “Khi đã vào nghề, gắn bó với công việc này sẽ thấy nó rất thú vị, nhất là được chơi đùa cùng trẻ con, dạy theo hứng thú của trẻ và tập cách chiều chúng”. Tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non năm 1995, anh có hơn mười năm thực hành làm bố, trước khi có đứa con thật sự của mình. Đến giờ anh vẫn thấy mình không sai khi chọn môi trường làm việc tưởng chừng quá khắc nghiệt và không dành cho đàn ông này. Đó cũng là tâm sự chung của rất hiếm những đấng mày râu dám chọn nghề dạy trẻ mầm non để gắn bó, dù họ phải vượt qua không ít áp lực nghề nghiệp – của tiếng ồn, của lời vào ra, của sự bận rộn, vất vả…
Điều anh Nguyễn Thanh Lương – hiệu phó Trường mầm non quận 11 – trăn trở nhất trong nghề là: “Càng ngày càng ít người chọn ngành học mầm non, đặc biệt nam càng hiếm. Trong khi đó, các đồng nghiệp nữ phải làm việc quá vất vả và bận rộn, lại ít được chia sẻ nên tỉ lệ độc thân ngày càng cao”.Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2008-2009 chỉ có 29 giáo viên nam trên tổng số 12.864 giáo viên mầm non đang giảng dạy tại các cơ sở mầm non trong và ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM.
Theo Lưu Trang/Tuổi Trẻ

Bình luận (0)