Trong căn phòng nhỏ hơn 20m2 sạch bóng và thoáng mát, 2 ông già dáng người nhỏ, gầy nằm trên 2 chiếc giường, nhìn ra phía cửa sổ. Nhìn thoáng, các ông giống như những vị khách đang đi nghỉ dưỡng; nhưng nhìn kỹ khuôn mặt thấy hằn rõ dấu vết của con nghiện lâu năm.
Trong cái nắng oi ả của tiết trời khắc nghiệt giữa hè, theo chân bác sĩ Lê Minh Dần, Khoa phục hồi chức năng – Hỗ trợ cắt cơn nghiện, Bệnh viện Y học cổ truyền Sơn La, chúng tôi đến khu dành cho người sức khoẻ yếu đang trong cuộc “vi hành” cai nghiện ma tuý theo phương pháp mới. Nơi đây được tách lập hẳn với thế giới bên ngoài chỉ bằng một cánh cửa sắt vững chắc.
Đối diện với chúng tôi là 2 ông già đã bước qua ngưỡng “lục tuần”, trên khuôn mặt hằn những nếp nhăn của thời gian, sự nhọc nhằn trong cuộc sống vẫn không dấu nổi “bóng dáng” của người nghiện ma tuý thâm niên. Đó là ông Sồng Lao Tủa và ông Mùa A Só quê ở mãi Bản Giáo, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu (Sơn La) vừa nhập viện những mong được châm cứu, hỗ trợ cắt cơn để dứt hẳn với ma tuý.
Cùng bản, cùng xã lại là thông gia nhưng con đường dẫn đến nghiện thuốc phiện của ông Tủa và ông Só có khác nhau. Trải lòng mình, ông Tủa vừa đưa mắt nhìn qua cửa sổ về phía cây long não đang toả bóng thở dài nói: “Chẳng ngờ đến cuối đời tôi lại dính vào ma tuý và phải nhờ con, nhờ cháu đưa đi cai nghiện thế này”.
Từng là một cán bộ của huyện Mộc Châu, trải qua khá nhiều chức vụ từ cơ sở: Chủ tịch UBND xã, cán bộ dân vận và cán bộ Ban định canh định cư trước khi về nghỉ hưu năm 1999. Trong những lần đi hoà giải ở cơ sở, được người trong bản “mời” dùng thuốc phiện, ông Tủa hút. Về già, ông Tủa mắc căn bệnh thấp khớp, nhưng ông không chữa trị bằng thuốc tây hay thuốc nam mà ông dùng… thuốc phiện để chấm dứt những cơn đau khi trái gió, trở trời.
Anh Sồng Xuân Tồng, con trai thứ 8 của ông cho biết: “Từ khi bị mắc bệnh thấp khớp bố tôi hút thuốc phiện cho đỡ đau và dẫn đến nghiện thuốc phiện”. Vậy là ông đã nghiện hút gần 10 năm nay.
Ông Mùa A Só (64 tuổi) trông dáng vẻ ốm yếu và gầy hơn ông Tủa. Cũng đúng thôi, bởi ông đã có thâm niên 30 năm dùng thuốc phiện. Anh Mùa A Sảo, năm nay 35 tuổi, con trai ông Só khăn gói đưa bố vào viện cai nghiện nói rằng “từ khi có nhận thức, tôi đã thấy bố tôi nghiện thuốc phiện rồi!”.
Ông Só rụt rè và lầm lỳ. Trông ông có vẻ mệt mỏi trong thời gian bị “cắt” thuốc cộng với tuổi già. Ông bảo từ khi dính vào ma tuý, ông chỉ hút thuốc đen (thuốc phiện), không dùng thuốc trắng (hêrôin) và cũng chỉ hút chứ chưa bao giờ dùng bơm kim tiêm chích ma tuý vào ven, một ngày ông hút từ 2 đến 3 bi. Vậy thì thuốc phiện ở đâu mà lắm thế? Anh Sồng Xuân Tồng ngồi kế bên cho biết: Các ông vẫn thường mua của một số người còn tàng trữ thuốc phiện từ cái thời loại này còn chưa bị nhà nước cấm.
Trong khi thuốc phiện ngày càng trở lên hiếm hoi, tiền bạc ngày càng khó kiếm, đại gia đình nhà 2 ông thông gia bàn nhau rồi đưa ra quyết định mới đây: Đưa 2 ông đi cai theo diện đối tượng 03 của tỉnh (Ban chỉ đạo phòng, chống ma tuý). Lập tức, vài hôm sau các ông khăn gói theo con cháu lên đường vào Bệnh viện y học cổ truyền để cai nghiện.
Từ khi về nghỉ hưu, ông Tủa không những chả giúp gì được con cháu lại còn hay cáu gắt khi “đói thuốc”. Sồng Xuân Tồng kể: Tiền lương hưu 1,4 triệu đồng một tháng, ông cũng mua thuốc phiện hút hết, số lương hưu cũng chỉ đủ cho ông dùng thuốc được nửa tháng, còn lại là đi xin… Hết tiền mua thuốc, các ông xin con cháu, họ hàng, không có tiền thì cho gạo, cho ngô. Tất tật đều “biến” thành làn khói trắng nâu để thoả mãn cơn đói thuốc hành hạ hàng ngày.
Vào viện, các ông được bố trí chỗ ăn, ở sạch và thoáng dành riêng cho người mắc nghiện ma tuý không đủ sức khoẻ điều trị bằng thuốc, rồi chuyển sang điều trị châm cứu điện châm theo quy trình châm cứu 3 lần/ngày. Hàng ngày được tiêm thuốc bổ kết hợp với tập thể dục theo giáo trình riêng của y học. Dù mới chỉ điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện 7 ngày, nom trạng thái ông Tủa và ông Só đã khá hẳn, thể trạng dễ chịu và cơn nghiện cũng qua nhanh tuy rằng chưa thể “chia tay” hẳn với “nàng tiên nâu” đã gắn bó với các ông cả chục năm trời.
Ngồi bó gối trên giường với dáng vẻ tự tin, ông Tủa nói rằng: Đây là lần đầu và cũng là lần cuối tôi gặp các anh ở đây. Nếu lần sau có gặp lại, tôi mời các anh đến nhà ở bản Giáo chứ không phải là nơi bệnh nhân cai nghiện…
Lúc chia tay hai ông thông gia, chúng tôi hi vọng lời nói của ông Tủa thành sự thật, thầm chúc các ông còn chút trí lực của tuổi già để vượt qua chính mình, đoạn tuyệt hẳn với ma tuý, làm gương cho con, cho cháu sau này.
Lật từng trang danh sách bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện, bác sĩ Dần cho biết: Hỗ trợ cắt cơn nghiện bằng phương pháp châm cứu điện châm là phương pháp hỗ trợ cắt cơn hiện đại với sự giúp đỡ về kỹ thuật của các chuyên gia Bệnh viện Châm cứu Trung ương, mới được áp dụng lần đầu tiên ở Sơn La.
Từ ngày 16/5 đến 15/6/2009, Bệnh viện đã tiếp nhận 49 người đến kiểm tra sức khỏe, qua kiểm tra, cả 49 người đều đủ điều kiện và được hỗ trợ cắt cơn bằng phương pháp điện châm. Đây là những người ở vùng sâu, vùng xa, thể trạng gầy, đau mỏi khớp, xanh xao, ăn ngủ kém… Các đối tượng khi được châm cứu hỗ trợ cắt cơn đều thấy dễ chịu, cơn qua nhanh.
Trong danh sách của bệnh viện, chúng tôi còn bất ngờ hơn khi có tên của những người còn cao tuổi hơn cả ông Tủa và ông Só đã được hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện như: Vàng Dua Pó (78 tuổi), Lầu A Chịa (79 tuổi), Sồng Lào Lệnh (83 tuổi), Giàng Bua Sông (84 tuổi) đều ở Sông Mã…
|
Thái Hùng/ TTXVN
Bình luận (0)