Nếu chưa biết về những giáo viên nam dạy trẻ đặc biệt, sẽ khó hình dung được hình ảnh một thầy giáo luôn tay đút cơm cho một lúc 4-5 đứa trẻ, lo tắm rửa vệ sinh cho trẻ, ngủ bên trẻ và luôn mắt luôn tay với những trẻ phát triển không bình thường.
Tập luyện cho trẻ trong giờ vận động tại lớp giáo dục chuyên biệt Tuổi Ngọc – Ảnh: LƯU TRANG |
Giáo viên nam ở trường mầm non vốn đã hiếm hoi, con số này ở các trường chuyên biệt càng ít ỏi. Ở TP.HCM, những người này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ, hẳn nhiên, rất đặc biệt.
Biết hi vọng để ở lại
Một lần trên một chuyến xe, anh Trần Văn Hòa (sinh 1972), giáo viên võ thuật, gặp một gia đình có đứa con bị tự kỷ. Anh tìm cách tiếp xúc với bé. Ban đầu thấy lạ, nhưng sau thấy thương và muốn làm gì đó để cải thiện khả năng vận động, giao tiếp của bé. Đó là cơ duyên khiến một người chưa có con và chưa từng nghĩ sẽ có thể dạy trẻ con (lại là trẻ tự kỷ và chậm phát triển) đến với lớp giáo dục chuyên biệt Tuổi Ngọc (Bình Thạnh, TP.HCM).
Đó là chuyện hai năm trước. Bước ngoặt ấy biến một người đàn ông khá nóng nảy và chóng chán trở thành một con người nhẫn nại. Nhẫn nại đến mức chính anh cũng phải ngạc nhiên. Đó là những khi đút một muỗng cháo cho trẻ mất cả giờ, dạy cho trẻ một động tác giơ chéo hai tay mà ngày này qua ngày khác trẻ vẫn không làm được, hoặc khi trẻ hiếu động, không chịu ngồi yên mà cứ chạy tứ tung. Thầy phải chạy theo giữ và định thần cho trẻ. Là khi mới thay xong một bộ đồ trẻ lại ói thức ăn ra áo. Lại tắm. Lại thay áo. Lại cho ăn và cho trẻ ngủ. Chưa kể phải nằm bên trẻ, ôm trẻ để kìm trẻ những lúc trẻ nhắm nghiền mắt nhưng miệng vẫn nói và hét liên hồi…
Người ta thường cho rằng khả năng chịu đựng, kiên trì của giáo viên nữ tốt hơn nam, Hòa thì ngược lại: “Khi đã hiểu, đã thông cảm với hoàn cảnh của các bé thì sẽ làm được. Cho bé ăn, tập cho bé đứng, ngồi, tưởng là những động tác đơn giản nhưng các bé không thể làm ngay được. Không thể bực bội, nóng nảy hay đòi hỏi quá cao ở các bé. Hơn nữa, người thầy thường có sức khỏe tốt hơn, giọng nói to hơn để tập cho trẻ vận động hoặc thu hút sự chú ý của trẻ”.
Tất nhiên cũng có những lúc Hòa nản, muốn bỏ nghề. Khi Hòa cố dạy trẻ, cố gắng hết sức, toàn tâm toàn ý nhưng trẻ không tiến bộ. Kéo trẻ đi về một hướng, nhưng khi thấm mệt Hòa bị trẻ kéo lại theo hướng mà chúng muốn. Đêm về vắt tay lên trán Hòa thấy mình thất bại, chán nản. Nhưng rồi sáng mai thức dậy lại đến lớp, lại dạy trẻ và hi vọng. Chính điều đó đã khiến người đàn ông này bám trụ với nghề như một duyên nghiệp.
Cần lắm những người thầy…
Tốt nghiệp khoa tâm lý giáo dục (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), thầy Nguyễn Đình Võ (sinh 1985) thử sức những ngày đầu ra trường tại lớp chuyên biệt Bim Bim (hẻm 381 Phan Văn Trị, Bình Thạnh) dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Một ngày của Võ bắt đầu bằng việc đón trẻ, cho trẻ học với máy tính, cho trẻ vận động, cho ăn… như một giáo viên mầm non bình thường. Chỉ khác là học trò của thầy giáo trẻ này nhiều em sợ vận động, có em lại lười ăn, có trẻ không nói được, chỉ ú ớ hay la khóc… Võ nói: “Khi cho trẻ ăn hay dạy trẻ bất cứ điều gì, nếu mình thể hiện trên nét mặt dù chỉ một chút bực tức, cau có… trẻ sẽ không hợp tác”.
Thầy Mai Văn Bắc (CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM) chia sẻ về lợi thế của giáo viên nam: “Những lúc phấn khích trẻ trở nên rất mạnh khiến các giáo viên nữ khó trở tay. Thường ở những trường có cả giáo viên nam và nữ thì quan hệ giống như trong gia đình: trẻ trai thích cô hơn và trẻ gái nghe lời thầy hơn nên rất lợi thế khi dạy, cho trẻ ăn…”. Thực tế là vậy nhưng những lớp dạy trẻ chuyên biệt có giáo viên nam như Bim Bim hay Tuổi Ngọc là “hàng hiếm” ở TP.HCM.
Thầy Trần Văn Cường, giáo viên Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú), đã có chín năm trong nghề và nay bước vào độ tuổi nghỉ hưu, nhưng có những học trò của thầy vẫn chưa thể ra trường. Ký ức về những ngày đầu bỡ ngỡ khi được phân công về dạy ở trường chuyên biệt hầu như rất nhạt nhòa. Thầy chỉ nhắc đến những hoài bão của mình khi lên kế hoạch chương trình dạy: làm sao để qua mỗi năm những đứa trẻ sẽ có những thay đổi, tiến bộ để có thể bước ra ngoài xã hội. Thực tế có những học sinh của thầy bị khuyết tật thân thể và trí óc nay đã có nghề nghiệp, có người còn có gia đình dù cuộc đời vẫn chưa hẳn lành lặn.
Thầy tâm tư: “Người nước ngoài khi nhìn thấy trẻ khuyết tật người ta ôm ấp thoải mái. Còn ở Việt Nam nhiều người vẫn có tâm lý… né. Chính vì vậy ít ai hiểu được khó khăn của nghề dạy trẻ đặc biệt. Lực lượng giáo viên chuyên biệt chủ yếu là nữ, trong khi có những tình huống giáo viên nữ đành chịu, như việc tắm rửa cho HS nam mà em này đã dậy thì, có em 17, 18 tuổi, hay việc tập vận động cho những em có cân nặng 60, 70kg…, gần gấp đôi cô giáo”.
Những băn khoăn ấy cũng là băn khoăn chung của ngành giáo dục chuyên biệt, bởi xã hội vẫn còn lạ lẫm với hình ảnh đàn ông chăm sóc trẻ con, nhất là ở một môi trường mà phải yêu nghề, nhẫn nại và hi sinh nhiều mới có thể ở lại và dành yêu thương cho những đứa trẻ thiệt thòi.
LƯU TRANG / TTO
Bình luận (0)