Thiên nhiên ban tặng cho vùng ven Sài Gòn những con sông, rạch lớn nhỏ với nhiều tôm cá. Bao thế hệ người nông dân đã sống nhờ vào nó từ đời này sang đời khác. Nhưng đến khi cuộc sống đã no cơm ấm áo thì nghiệp sông nước vẫn cứ đeo bám họ như một định mệnh.
30 năm nay, công việc kéo lưới đã nuôi sống vợ chồng anh Tèo
|
Từ đồng cạn ra sông lớn
Cư dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè bao đời nay vẫn giữ được cái nghề đã nuôi sống họ dù hiện nay công việc này còn phụ thuộc vào sự may rủi. Không chỉ một vài gia đình mà có đến 30% hộ dân tại khu vực này sinh sống bằng nghề đánh bắt. Đánh bắt ở đây được hiểu theo nhiều hình thức, từ kéo lưới, đóng đáy, thả trúm bắt lươn, lặn sông bắt vộp… Lắm người dù nắm tiền tỉ trong tay nhưng vẫn không thể “vẫy tay” với nghề. Ông Nguyễn Bảo, ngụ xã Hiệp Phước là một ví dụ. Ở cái tuổi ngoài 60 nhưng nhìn ông khỏe, rắn chắc và hoạt bát không kém trai tráng. Lịch làm việc của ông dày đặc, các ngày chẵn trong tuần, ông chèo xuồng đi thả trúm bắt con lươn, con lịch. Những ngày còn lại thì đi kéo cá, bắt cua, đóng đáy… Lịch lên là vậy nhưng có thể thay đổi theo con nước lớn, ròng. Ông Bảo trải lòng: “Cá tôm bây giờ đâu còn như xưa nữa. Trầm mình cả ngày dưới nước có khi ngã bệnh phải bỏ tiền nhà ra chữa trị nhưng người chưa kịp khỏe tôi đã tính đến chuyện đi”. Vợ ông Bảo chen ngang: “Tính ổng ngang bướng từ đó đến giờ, nói không chịu nghe, thích hành xác mình rồi làm khổ vợ con”. Nghe vợ mách, ông Bảo cười khà, nhe hàm răng úa vàng như hạt lúa chín. Ông Bảo nói: “Tục ngữ đã dạy: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, mình còn sức khỏe thì cứ làm, khi không làm nổi hẳn tính”.
Con vộp ở sông Nhà Bè nổi tiếng ngon, ngọt chứ không như vộp ở Duyên Hải, Cần Giờ. Ở địa phương này, nó là một đặc sản quý sau con cá chìa vôi. Vộp mới bắt lên, ngâm sạch rồi nướng mỡ hành thơm lừng, ăn là nhớ đời. Ông Bảo có thể vừa thả lưới, vừa lặn bắt vộp trong ngày. Vào mùa vộp, trung bình một người đi bắt ít nhất cũng 100 con/ngày. Vộp tiêu thụ mạnh, bán cho quán ăn, nhà hàng từ 4.000 đến 5.000 đồng/con, thế mà bao nhiêu cũng không đủ bán. Theo ông Bảo, bắt vộp là kiểu đánh bắt nguyên thủy, không cần nhiều dụng cụ.
Rời Hiệp Phước, tôi sang bên kia phà Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Cư dân địa phương sống bằng nghề đánh bắt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần là người từ nơi khác đến neo đậu ghe. Vất vả lắm tôi mới tìm được con đường mòn dẫn vào bến xuồng. Đến nơi cũng là lúc hơn chục xuồng đã rời bến, còn duy nhất một chiếc. Chủ nhân của chiếc xuồng ấy là anh Nguyễn Thành Phương. Anh Phương cho biết mình thuộc thế hệ 8X trong một gia đình có đến 4 đời sống bằng nghề đánh bắt, từ đồng cạn đến đồng sâu, từ kênh rạch ra sông lớn. Anh sinh ra và lớn lên trên chiếc xuồng nan ngược xuôi dòng Mê Kông đầy ắp phù sa và tôm cá. Khi hỏi đến quê quán, anh cũng không biết trả lời thế nào cho phải vì theo anh, cứ một địa phương có vài lần neo thuyền để đổi gạo. Đến rồi lại đi, dù chỉ một lần nhưng với anh nơi ấy cũng là quê hương.
Có thể tôi là người khách đầu tiên được anh mời lên xuồng từ lúc anh neo đậu ở Bình Khánh. Chiếc xuồng bé tẹo, chòng chành trên con nước đang lớn dần khiến tôi có cảm giác chông chênh, thiếu điểm tựa. Anh rót trà mời tôi, một thứ trà rẻ tiền để lâu ngày, mùi mốc meo đắng chát. Đó là túi trà mà anh nhặt được trên sông Lòng Tàu hôm trước. Anh kể tôi nghe câu chuyện đời gạo chợ nước sông buồn da diết. Không vợ con, người thân duy nhất của anh là người cha nuôi. Cha nuôi anh Phương cũng là một người đơn độc như anh vậy. Họ gặp nhau giữa sông nước muôn trùng rồi nương tựa vào nhau mà sống.
Nỗi niềm ai thấu?
Trời mưa như trút nước. Cả mặt sông Ông Thìn (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) trắng xóa. Hơn chục con người đang mải miết kéo lưới bất chấp mưa giông. Họ là những phận đời gắn chặt với sông nước như một định mệnh đã an bài. Với họ, chiếc xuồng, tấm lưới và cây dầm là những tài sản vô giá. Cái ăn, cái mặc và kiến thức cho con cái có được cũng nhờ vào những thứ ấy. Mưa tạnh. Từng đôi lưới kéo rẽ ngang vào hướng gầm cầu Ông Thìn. Những gì mà họ có được sau 3 giờ kéo lưới ngược con nước là một nắm cá bọt (cá con) và vài con tôm đất. Ai nấy đều mệt lả, càng mệt mỏi hơn khi phải nghĩ đến chuyện lấy gì đổi gạo chiều nay? Là dân Sài Gòn chính hiệu nhưng vợ chồng anh Tèo (P.4, Q.8) rành chuyện đánh bắt hơn cả dân miệt đồng thứ thiệt. Hơn 30 năm rồi còn gì, kênh rạch gần nhà ngày càng ô nhiễm thì phải đi xa hơn, có khi lại ngược về Long An, Tiền Giang để đánh bắt. Nhìn đôi chân và hai tay tái nhợt vì ngâm nước nhiều giờ và chồng chéo vết trầy xước của anh mà tôi không khỏi chạnh lòng. Vết thương cũ chưa kịp lành đã có thêm vết thương mới. Tựa lưng vào trụ cầu, rút từ túi ni-lông ra điếu thuốc hút dở châm lửa đốt, anh Tèo thở dài: “Lần kéo đầu mà như vậy thì những lần sau thường bị lóc (tức không có gì – PV)”.
“Đã bao lần tôi nghĩ đến chuyện lên bờ nhưng không thể. Mình như con cá, con tôm sống dưới nước, không thể tồn tại trên cạn”, anh Phương tâm sự.
|
Bạn lưới với anh Tèo là A Lũ cũng có thâm niên hơn 5 năm đánh bắt. Từng một lần thất bại, hết vốn từ việc nuôi cá bè thương phẩm ở An Giang, anh Lũ rời quê lên thành phố bằng chiếc ghe nhỏ là gia tài. Nhưng rồi anh phải bán nó đi để có tiền mua sắm lưới và xuồng, bắt đầu cuộc hành trình mưu sinh mới. Những đêm mưa, A Lũ lặn lội về tận Đức Hòa, Đức Huệ, Long An để soi nhái, soi ếch, cóc. Được tận mắt chứng kiến mới thấy hết sự nhọc nhằn của những người đánh bắt. Đôi lúc tưởng chừng họ không thể bám trụ với nghề nhưng họ đã sống như thế hàng chục năm rồi. Những đôi tay, chân chai sạn, những khuôn mặt, mái đầu khét nắng ấy vẫn ngày ngày chống chọi với nắng mưa để đổi lấy cái ăn.
Những con sông hiền hòa mà họ vẫn trầm mình ngày nào nay đã bị xâm hại nghiêm trọng, khiến con cá, con tôm không sống nổi. Chắc chắn rồi đây những thân phận lầm lũi chốn sông nước, bùn lầy ấy còn phải gồng mình chống chọi với môi trường, thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt. Thế mới thấy, công việc của họ chỉ là đắp đổi, tạm bợ cho qua ngày đoạn tháng.
Bài, ảnh: Trần Trần
Bình luận (0)