Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những phận đời phiêu bạt: Bài 2: Nhờ “bần” mà thoát nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Hái bần là công việc đem lại thu nhập cho gia đình anh Minh

Ngày xưa, trái bần chỉ có giá trị trong mắt trẻ con nghịch ngợm hoặc dùng làm mồi “dã chiến” cho dân nhậu. Còn bây giờ, trái bần ít nhiều đã làm đổi thay cuộc sống của một số người.
“Săn” bần
Sài Gòn không nơi đâu có nhiều bần như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ. Bần mọc ven kênh rạch, tán rộng sum suê. Trước đây, người nông dân thường dùng trái bần để nấu canh chua, nấu riêu hoặc nấu rồi vắt lấy nước trộn gỏi nhưng ít ai ăn được. Các bác nhà nông mình xem bần là thứ mồi dân dã cho những tiệc rượu. Nói như lão nông Bảy Cò (P.Tân Thuận Tây, Q.7): “Bần chua chấm muối ớt uống rượu thì biết chừng nào mới xỉn”. Còn trẻ con, đi học về ngang qua đám bần thì cởi áo leo hái. Mỗi đứa cũng vài chục trái cuộn vào áo để dành chọi nhau chứ có ăn đâu. Chính vì thế, trái bần ít nhiều cũng đã ăn sâu vào ký ức của những người lớn lên ở vùng sông nước này.
Về miền Tây, món ăn được chế biến từ bần rất phong phú. Đọt bần non có thể xào với thịt chuột. Món ăn chơi khoái khẩu của các chị, các cô là bần chấm mắm ruốc hoặc mắm còng. Bần nấu canh chua cá tra hoặc bông lau thì hết ý. “Em về nấu canh tra bần/ Mời anh một chén bần thần không quên/ Anh về hỏi mẹ cưới em/ Để lâu lâu được ăn canh tra bần”.
Hái bần là công việc mới, thu nhập khá nhưng phải phụ thuộc vào thời tiết. Trời mưa đều, bần cho nhiều hoa. Từ khoảng giữa tháng 3 đến tháng 4 (âm lịch), bần bắt đầu ra hoa. Mùa bần kéo dài khoảng 8-9 tháng/năm. Ẩn dưới những tán lá rộng xanh um là màu đỏ của hoa bần. Đó là tín hiệu vui cho những người sống bằng nghề “săn” bần.
Tôi được anh Lê Hoàng Minh (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho tháp tùng chuyến hái bần ở ven rạch Bàng (Q.7). Thấy tôi trong bộ trang phục công sở, anh Minh lè lưỡi: “Đi hái bần mà mặc đồ như đi đám cưới thì mần ăn được gì?”. Không còn cách nào khác, tôi phải về nhà thay quần áo. Trở lại, anh Minh đã chuẩn bị xong đồ nghề. Dụng cụ hái bần rất gọn nhẹ, bao gồm hai cây móc sắt, một cây lồng nhỏ và túi ni lông bỏ gọn trong cái cặp táp cũ. Móc dùng để móc nhánh cây ngoài xa vào để hái trái. Cây lồng dùng để giật trái ở các nhánh cây lớn không thể leo hoặc móc được. Chỉ có chai dầu lửa và mớ vải vụn là những thứ lỉnh kỉnh nên anh Minh treo ở trước xe. Dầu lửa và vải vụn chuẩn bị sẵn để đối phó với lũ ong ruồi, ong nghệ. Ong thường làm tổ ở cây bần, là kẻ thù không đội trời chung với người hái.
Vào mùa, các thương lái thường tìm về đây để thu mua bần về làm mứt. Mứt bần thơm, giòn, có vị chua, ngọt ăn rất ngon miệng. Thương lái chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây, nhiều nhất vẫn là xứ sở của loại cây này, không đâu khác ngoài Cồn Bần (Cù Lao Long Trị – Trà Vinh). Anh Hoàng Văn Vĩ (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) từ đầu mùa đã lên TP.HCM đặt tiền cọc mua bần. Anh Vĩ cho biết, gia đình anh mua bần về làm mứt, nấu lẩu hoặc canh chua. Sở dĩ anh phải đón xe lên đây tìm mua vì dưới quê rất ít bần sẻ, hơn nữa không đủ mua. Giá đặt cọc không cao, chỉ khoảng 4.000 đồng/kg nhưng anh Vĩ cam kết với người hái sẽ tăng giá nếu có số lượng lớn.
Hái bần “chua” hơn bần
Sau hơn 15 phút quan sát, anh Minh chọn một cây bần cỡ vừa bắt đầu “săn mồi”. Vừa leo được một đoạn, anh ôm thân cây lắc mạnh, theo anh đó là cách để kiểm tra có ong hay không? Anh Minh leo cây như sóc, mới đó đã đu trên đọt cao chót vót. 10 phút sau, anh đã leo xuống với hơn 1 ký bần. Chúng tôi lại men theo con rạch sình lầy. Từ xa, hướng đi ngược lại cũng có hai thanh niên mang bị gậy hái bần như chúng tôi. Một người trong số đó nói vọng lại: “Có nhiều không? Dưới này nhiều lắm nhưng chỉ toàn bần non”. Như đã quen biết từ trước, anh Minh trả lời: “Ít thì lên đây, chịu khó lựa cũng kiếm được 1kg/cây”.
Càng đi sâu vào trong, bần nhiều vô số kể. Từ ngoài lộ vô đến đấy cũng mất hơn 45 phút mà đường đi đâu có dễ. Phải vượt qua nhiều đám cây mai dương cao quá đầu, ra khỏi rồi lại tiếp tục lội sình.
Nhìn anh Minh leo bần thấy đã “ngọt”, trông hai thanh niên kia thì đúng là con nhà nghề. Hai cây bần nằm cách nhau hơn 1,5 mét nhưng họ có thể chuyền từ cây này sang cây kia cứ như con gấu trúc to béo đi xem tuyển chọn “Thần long đại hiệp” trong phim hoạt hình Kungfu Panda. Vì đến trễ, cổng bị đóng, chú gấu trèo lên đọt cây rồi nhún nhảy cho cây bật lên để đẩy chú vào sân. Còn hai anh chàng này thì đu lên đọt cây đòng đưa rồi ngã sang hướng cây kia. Đúng là màn biểu diễn đẹp mắt nhưng không kém phần liều lĩnh.
Hái bần còn “chua” hơn vị chua của trái bần. Cả ngày, người hái phải cơm đùm cơm nắm đi tìm bần. Có khi phải dùng cả ghe, xuồng mới tiếp cận được bần. Sau một buổi sáng, anh Minh hái được khoảng 5kg, nếu đem ra chợ bán thì cao lắm cũng chỉ thu về 25 ngàn đồng. Thường anh Minh hái về mang gửi người quen ở chợ bán giúp. Mỗi ký anh trả cho họ từ 500 đến 1.000 đồng gọi là tiền ký gửi. Đến các chợ vùng ven vào mùa này, ta có thể thấy từng rổ bần xanh, tươi rói được bày bán. Các bà, các chị lần đầu tiên thấy trái bần, tò mò hỏi thì ngay lập tức được chỉ dẫn cách nấu. Ăn một lần là mê tít, hôm sau lại tìm đến hỏi mua. Bần không đắt tiền, từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg nhưng hái nó không đơn giản. Hơn nữa, đâu phải ai cũng có kinh nghiệm hái bần. Nếu không biết, hái bần non ăn chát ngắt, nấu canh chua thì càng không được. Anh Minh chia sẻ kinh nghiệm: “Bần có nhiều loại: bần sẻ, bần ổi, bần rạch lá nhỏ, bần mắm… Bần sẻ trái nhỏ, chua và giòn hơn bần ổi. Nhìn các tai bần (cuốn lá) bọc quanh trái, nếu đã héo và vểnh lên tức bần đã chua, có thể hái được”.
Bài, ảnh: Trần Trần

Tai nạn thường gặp với người hái bần là bị ong đốt. Tuy nhiên, không nguy hiểm bằng khi leo bị té. Anh Hoàng, người cùng xóm với anh Minh cũng vì té cây trong lúc hái bần làm chấn thương cột sống hồi năm ngoái mà nay không thể làm được việc nặng. Anh Minh nói: “Bần là loại cây thân dẻo như mít, me nhưng một khi bị tét nhánh không sứt đầu, mẻ trán thì cũng lọi tay, gãy chân”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)