Phút thư giãn của anh Tám (phải) và những người bạn thợ lặn bên bờ sông Vàm Thuật |
Nước sông Vàm Thuật chảy xiết. Trên chiếc ghe nhỏ, hai người đàn ông mình trần, gắn vội vào miệng chiếc ống nhựa để truyền khí ôxy được nối từ chiếc máy phát điện nhỏ. “Anh ngồi trên này chờ tin vui nha. Chừng nửa tiếng là có “chiến lợi phẩm” thôi…” – Trần Văn Tám, chàng thợ lặn nghiệp dư mới bước qua tuổi 20, dặn tôi trước khi… đắm chìm trong làn nước đen ngòm.
Thợ lặn… chân đất
Hơn 40 phút trôi qua, khi tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột thì bất ngờ Tám… trồi lên mang theo “thành quả” là một cái… nồi nhôm và một thau nhựa dính đầy bùn đất. Mười phút sau, sợi dây ống thở nối trên xuồng lại giật giật liên tục, Tám trồi lên mang theo một cái máy chụp hình cũ kỹ, gỉ sét. “Lặn sâu hơn chục mét, nguy hiểm như vậy mà chỉ kiếm được mấy thứ này thôi sao?” – không giấu được ngỡ ngàng, tôi hỏi. “Chứ sao nữa anh, vầy là may lắm rồi. Thứ gì có thể bán lại được là “nhặt” thôi. Lắm bữa lặn cả tiếng đồng hồ cũng chẳng kiếm được gì lại phải tiếp tục… “mò” sang chỗ khác” – Tám đáp. Chàng thợ lặn trẻ này theo nghề đã 8 năm. 12 tuổi, Tám đã theo cha đi kiếm tiền bằng nghề lặn ngụp.
Nghề thợ lặn giản đơn lắm. Hành trang là chiếc ghe nhỏ, hàng ngày ông Tèo (An Khánh, quận 2) lang thang khắp các dòng sông, con rạch trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương để… lặn mò phế liệu. “Nhiều người gọi tụi tôi là thợ lặn “chân đất” vì thợ lặn chuyên nghiệp có bình ôxy, đồ lặn còn mình thì cứ nhất y nhất “quởn” cái quần cụt mà đối diện với thủy thần” – ông Tèo nói. Còn những người theo nghề ví von công việc của họ là nghề… “mù mắt”. Bởi khi đắm mình dưới lòng sông sâu, đâu đâu cũng mịt mùng là nước và một màu đen kịt. Bằng bàn tay, người lặn “mò mẫm” tìm ra các “chiến lợi phẩm” có khi là xác pháo, xác tàu, lắm lúc lại là đồ phế liệu…
Ông Tèo cũng theo cha làm nghề này từ nhỏ. Quê ông ở Cà Mau, cha ông là một thợ lặn chuyên nghiệp đã giải nghệ. Vì thiếu tiền chữa bệnh ung thư cho mẹ nên ông phải bán nhà rồi sắm một chiếc thuyền nhỏ đi rong ruổi khắp nơi làm nghề lặn mưu sinh. Theo ông Tèo thì nghề này có từ những năm 40 của thế kỷ trước. Nhiều người, nhất là dân tỉnh lên thành phố chọn làm vì không cần vốn, chuyên viên chỉ cần biết bơi, lặn cho giỏi và quan trọng là phải có máu liều. Mấy chục năm về trước cho đến tận những năm 80, nghề lặn tìm phế liệu vẫn ăn nên làm ra vì xác tàu chiến chìm trên sông, rạch khá nhiều. Thỉnh thoảng may mắn, một ngày lặn xuống nước có thể kiếm được thu nhập bằng hai, ba tháng lương công chức. Gặp bữa lượm được cả vòng vàng, nữ trang… là xem như gia đình thợ lặn đó… “lên đời”. “Nhưng thời “vàng son” đó đã qua lâu rồi” – gương mặt đượm buồn, ông Tê bảo vậy.
Đời tăm tối như những dòng sông đen
Theo lời của giới thợ lặn, ở TP.HCM có khoảng vài chục hộ làm công việc này, có người “định cư” luôn trên ghe, trên thuyền, nhưng đông nhất vẫn là ở khu phố 3, phường An Khánh, quận 2 với gần hai chục hộ theo nghề. Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng, họ ăn vội ổ bánh mì hoặc gói xôi vò, rít một hơi thuốc, bắt đầu một ngày lặn cho đến tối. “Ngày nào người mình không đụng nước thì hôm đó như treo mỏ. Nghề này là vậy, “sống trong nước, chết vùi trong nước mà anh…” – Nguyễn Văn Hải, ở xóm thợ lặn phường An Khánh, nói vui khi đọc cho tôi nghe câu thơ cải biên của Tố Hữu.
Sợ tôi không hiểu, Hải giải thích, ở độ sâu từ 20-50m, người thợ lặn chân trần như họ phải sẵn sàng đối đầu và chấp nhận cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào. Để đi lại được trong làn nước lạnh, người lặn phải di chuyển thụt lùi như loài tôm vì nếu đi thẳng là có thể… bỏ mạng ngay vì dễ đụng phải các chướng ngại vật. Nhiều thợ lặn có thâm niên 30-40 năm, kinh nghiệm đầy mình mà vẫn không thể ngờ trước được những hiểm nguy rình rập. Ông Võ Phước Thành, 40 năm làm nghề lặn, chỉ cho tôi xem những vết trầy xước khắp thân mình, nói: “Chẳng có ai làm nghề này mà người không mang đầy vết sẹo. Không ít người chết tan xác dưới lòng sông sâu vì đụng nhầm bom, đạn. Dưới lòng sông, áp lực nước rất lớn, nhiều thợ lặn trẻ sơ sẩy, trồi, ngụp không “ăn khớp” bị sức ép của nước làm vỡ mạch máu gây tử vong hay dẫu “còn sống mà cũng như không” vì nằm liệt một chỗ. Ở xóm thợ lặn An Khánh, 10 năm qua có gần 30 người nằm lại mãi mãi ở lòng sông vì tai nạn nghề nghiệp.
Nhiều thợ lặn “chân đất” ở xóm thợ lặn An Khánh cũng không giấu được nỗi buồn và lo lắng khi nghĩ về tương lai của nghề. Nhưng nhiều người không muốn mà cũng không có điều kiện để đổi nghề vì có lẽ công việc mưu sinh dưới đáy sông xem ra với họ đã thành nghiệp tự bao giờ. “Thôi kệ, đến đâu hay đến đó, người ta nói sông sâu khó dò mà, chắc những dòng sông đã nuôi mình khôn lớn cũng không đến nỗi phụ mình đâu…” – Nguyễn Thị Hà, một trong những nữ thợ lặn hiếm hoi ở xóm thợ lặn, nói như tự an ủi mình. Giá mà tìm được một công việc mới nhưng vẫn có điều kiện gắn liền với sông nước vì: “Nếu phải xa lìa con sông, xa những cánh lục bình, những con nước triều lên xuống thì chắc là buồn lắm. Nhưng còn suốt ngày cứ phải ngụp lặn trong lòng sông sâu, kiếm bạc cắc như trước đây thì chắc cũng khó có thể lâu dài được…” – Hà cười buồn đáp, khi tôi hỏi cô về những dự tính cho tương lai.
Có bữa hì hục lặn từ sáng đến chiều cũng chỉ kiếm được hơn chục ngàn đồng, không đủ bỏ vào miệng hai cha con, nói chi đến việc lo cho mẹ và đứa em nhỏ ở trên thuyền. Mấy năm gần đây, ngoài lặn tìm phế liệu, nhiều thợ lặn phải kiêm thêm việc lưới cá để “cải thiện” nhưng cũng chẳng khá gì hơn. “Từ hồi nhỏ ở dưới lòng nước sâu, mình vẫn mơ được học hành như bạn bè cùng trang lứa. Bây giờ lớn, vừa lặn vừa mong kiếm được “chiến lợi phẩm” thật nhiều để lo cho gia đình. Giá mà có một công việc ổn định để làm… Mình vẫn mơ được làm trong lực lượng người nhái chuyên nghiệp của thành phố nhưng mơ ước chỉ là mơ ước”, Tám ca cẩm.
Bóng chiều xuống thật nhanh, dòng nước sông Vàm Thuật vốn đã đen giờ càng tối hơn, ông Tèo đăm đắm nhìn về phía những mảng lục bình trôi chậm rãi theo dòng nước phía xa xa, rồi bất chợt buông câu nói bâng quơ buồn rười rượi: “Đời thợ lặn bây giờ tương lai tăm tối chẳng khác nào như những “dòng sông đen” tại thành phố này vậy”.
Bài, ảnh: Nguyễn Bình
Nhắc đến hai chữ tương lai, Trần Văn Tám ái ngại: “Ba đời nay nhà mình theo nghề cha truyền con nối này, nhưng nếu có điều kiện thì vẫn đổi sang nghề khác vì “bây giờ lòng sông chẳng còn gì mà vớt, nước sông thì ô nhiễm trầm trọng. Vả lại, mình còn trẻ, tương lai hẵng còn dài phía trước”. |
Bình luận (0)