“Có duyên” với người già, trẻ con. Đi không biết mệt, nói thì sắc sảo, hóm hỉnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân hay làm những người xung quanh “nín thở” vì…bất ngờ. Tổng hợp dưới đây là điệp khúc của những lần “nín thở” như vậy.
Nín thở vì một lời hứa linh thiêng
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đàm và Bộ trưởng Giáo dục (tháng 7/2008)
|
Tháng 5/2008, trong một chuyến “vi hành” về miền Trung, Phó Thủ tướng có ghé thăm khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh và tạo nên huyền thoại mang tên những đoá hoa bất tử.
Khi đó, thắp hương tại Khu di tích, ông Nhân thầm khấn hứa ngành giáo dục sẽ nhận đỡ đầu chăm sóc cho Ngã ba lịch sử này. Lời vừa dứt, bát hương chung thờ 10 trinh liệt ấy đã rừng rực cháy như một bó đuốc nhỏ…
Hai tháng sau đó, ông lại trở về đây trong kỷ niệm 40 năm Ngã ba Đồng Lộc và khiến những người đi theo mình tiếp tục “nín thở” trong bất ngờ…
Nín thở vì chuyện “cổ tích” của cụ bà, cụ ông xứ Nghệ
Tại UBND huyện Can Lộc, mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đàm đã ôm chầm lấy người đứng đầu ngành giáo dục.
Mẹ năm nay đã hơn 90 tuổi, đứng không vững và mắt gần như đã loà, nghe cũng không còn rõ nữa.
Không biết linh cảm nào đã khiến mẹ một mực kêu ông là "con trai" và khóc mừng nó biền biệt bao năm nay mới trở về. Vừa cười, mẹ vừa rơm rớm:“Ôi! Con trai mẹ! Con trai mẹ nay đã trở về!”.
Những người xung quanh nín thở khi chứng kiến, có người rỏ nước mắt.
Cũng trong chuyến đi này, khi đến thăm nhà cụ Dương Quý, bố đẻ của chị Dương Thị Xuân, một trong 10 cô gái đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, ông Nhân hỏi cụ: “Giờ, cụ có muốn dặn hay muốn nhắn nhủ cho chúng con điều gì không?”
Thật bất ngờ khi cụ già 91 tuổi có vóc người nhỏ thó đó ngay lập tức sang sảng “phàn nàn” mình đã từng là trung đội trưởng dân công hoả tuyến, tiểu đội trưởng du kích xã thời chống Pháp mà đến giờ vẫn chưa được… khen thưởng gì. Phó Thủ tướng đã rất băn khoăn và hứa sẽ không “quên” yêu cầu của cụ Quý.
Trong gần 5 tháng sau đó, những người làm giáo dục, đã chạy đôn chạy đáo thuyết phục chính quyền địa phương cùng kiên nhẫn xác minh thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp của cụ Quý từ hơn nửa thế kỷ trước. Ngày 26/11/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký tặng bằng khen cho cụ.
Nín thở vì “xui” học sinh phải…chơi
17/23 học sinh của THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An) khi được hỏi cảm nhận đầu tiên lúc gặp Bộ trưởng Giáo dục “thật” chứ không phải qua ti-vi
Với HS Trường THCS Đống Đa |
đều đã trả lời: “Bác thật cao lớn, đẹp trai và cười rất tươi!”
Trong một buổi trò chuyện với các HS Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) vào trung tuần tháng 11/2008, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã làm các thầy cô giáo ở đây “nín thở” khi ông khuyến khích các HS: “Đã là học sinh là phải thích chơi chứ! Không thích chơi thì đâu phải là học sinh!”.
Nhưng ngay sau đó, ông giải thích: “Chơi là học, học cũng là chơi. Vì thế, Bộ mới có chủ trương đưa các trò chơi dân gian vào trong nhà trường.”
Nhìn nhận sâu hơn về sự khuyến khích “chơi” này, người đứng đầu ngành giáo dục phân tích: “Chúng tôi thấy rằng để tạo sức mạnh toàn xã hội chăm lo giáo dục, hướng tới giáo dục toàn diện thì cần phải có phong trào thi đua, cụ thể hóa về yêu cầu dạy tốt, học tốt trong điều kiện bây giờ. Sau khi thảo luận từ thực tiễn và kinh nghiệm các nước, từ năm học 2008- 2009, ngành giáo dục phát động phong trào thi đua “trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong đó tạo môi trường lành mạnh cho các em học, đến học thấy vui.”
Nín thở vì …"cưỡng bức" và "ru ngủ"
"Ký mỏi tay" |
“Tại sao lại có hiện tượng giảng dạy kiểu đọc – chép trong nhà trường, không chỉ ở bậc phổ thông mà tồn tại ngay cả ở bậc ĐH?”- Bộ trưởng Bộ Giáo dục đặt câu hỏi trước gần 300 cán bộ, giáo viên trong một cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học tổ chức tại Nghệ An đầu tháng 1/2009.
Rất nhiều câu trả lời được đưa ra. Nhưng sau đó cả hội trường đã nín thở và vỗ tay với câu trả lời: “Vì ông thầy chỉ nhìn giáo án để đọc thay vì giảng. Nếu không chờ HS chép thì lấy gì mà…đọc cho hết thời gian một tiết dạy!”
Hay dùng những động từ mạnh, Bộ trưởng Giáo dục làm cho người khác nín thở khi mổ xẻ các vấn đề giáo dục.
Chẳng hạn, cũng về đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), ông có sự liên kết bất ngờ: “Nếu không “cưỡng bức”, chúng ta chỉ “ru ngủ” nhau!”
Ông phân tích: "Cưỡng bức ở đây thể hiện thế nào? Thể hiện qua việc nhà trường phải tổ chức lấy ý kiến của HS đánh giá về phương pháp dạy của thầy, cô, phải tổ chức các cuộc góp ý của đồng nghiệp. Một giáo viên dạy giỏi, biết đổi mới phương pháp phải được HS, đồng nghiệp thừa nhận.”
Từ “cưỡng bức” sang “ru ngủ” được liên kết như sau: “Nhưng dù thế nào thì đổi mới PPDH cũng là là một quá trình phải chuyến biến từ ý chí thành tình cảm, phải tạo động lực cho các thầy cô để đổi mới. Và khi đã đổi mới, phải hỏi HS, nếu các em vẫn không thấy mỗi giờ học thực sự là một giờ vui thì kết quả của đổi mới PPDH chỉ là chúng ta đã “ru ngủ” nhau!”
Và nín thở vì… chữ xấu
Cũng tại hội nghị đổi mới phương pháp dạy và học ở Nghệ An, khi cả hội trường đang chăm chú lắng nghe Bộ trưởng Giáo dục tổng kết và kết luận. Các nhận xét, kết luận này được ông viết ra bằng các gạch đầu dòng trên một xập giấy A4.
Đang thuyết trình rất hăng say, đột nhiên Bộ trưởng im lặng. Cả hội trường “nín thở” vì không biết đã xảy ra chuyện gì.
Và sau đó, người đứng đầu ngành giáo dục đã tiếp tục mạch cảm hứng của mình bằng câu nói sau: “Chữ xấu quá, mình cũng không luận được chữ mình nên nghĩ mãi không ra!”
Đoàn Trần ( Theo VNN )
Bình luận (0)