Biết là vô cùng nguy hiểm, nhưng trên thực tế đã có nhiều người bỏ qua sự cảnh báo về những nguy cơ rình rập chết người từ hệ thống điện cao áp này.
Người dân vẫn vô tư sinh hoạt, buôn bán bên các tủ điện cao áp được đặt trên lề đường, vỉa hè
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay hầu hết trên các trục đường chính ngoài các cột điện hạ thế có rất nhiều tủ điện cao áp được xây trên các lề đường, vỉa hè. Mặc dù phía bên ngoài các tủ điện cao áp đều có ghi rõ: “Cấm lại gần – Điện áp cao nguy hiểm chết người”. Nếu trước đây lá vẽ hình đầu lâu và 2 ống xương gạch chéo thì nay được thay bằng tia sét hình zích zắc báo hiệu có tia lửa điện. Đây là lời nhắc nhở cần thiết cấm mọi người lại gần hoặc trèo lên tủ điện, cột điện khi không có nhiệm vụ vì ở đó có hệ thống điện cao áp. Nếu lại gần hoặc trèo lên sẽ bị điện áp cao phóng điện gây tai nạn. Nếu nhẹ thì bỏng, nặng thì gây chết người. “Nhưng trong thực tế, đã có nhiều người chết oan vì điện cao áp do chủ quan và không thực hiện đúng biển báo cấm về điện cao áp. Có thể nói, hầu hết nhiều người vẫn vô tư coi tủ điện đó cũng giống như… chiếc tủ gỗ đựng quần áo đặt trên vỉa hè” – ông Trần Văn Quý – Đội trưởng đội 3, Điện lực Tân Thuận (gồm các quận 4, 7, Nhà Bè), cho biết.
Trên đường Lê Quốc Hưng, Q.4 có 2 trạm biến áp có ghi rõ: “Điện áp cao nguy hiểm chết người” nhưng người bán hàng rong vẫn chiếm dụng để kinh doanh đồ ăn sáng. Khi được hỏi bán trái cây gần tủ điện cao áp có sợ không thì anh Tài, quê ở Long An trò chuyện: “Lúc ban đầu cũng sợ, chỉ bán xa khoảng 3, 4m nhưng sau đó thấy nhiều người đi qua cũng không sao nên anh em tôi tận dụng tủ điện để làm tường che nắng luôn”. Người đàn ông 40 tuổi cũng khẳng định, dù bên ngoài tủ điện có cảnh báo nguy cơ nguy hiểm chết người nhưng đây là nơi dễ chiếm dụng nhất do ít người giành chỗ hơn mấy chỗ khác. Vì thế 2 anh em anh Tài coi chỗ này là nơi bán cố định chứ không phải mất công dời qua dời lại như mấy chỗ khác.
Từ cầu Ông Lãnh chiều Q.4 qua Q.1, mấy thùng điện đặt trước lề đường cũng bị đội quân bán bánh mỳ, xôi mặn, nước giải khát chiếm dụng đặt bàn ghế, thùng đựng đá trông rất nhếch nhác và nguy hiểm. Bán nước giải khát lề đường 5 năm nay, bà Huệ vẫn coi tủ điện cao áp trên đường Hai Bà Trưng, P.Đa Kao là nơi nương tựa vững chắc nhất cho quán cóc của mình: “Lúc ban đầu cứ tưởng người ta đuổi đi không cho bán, ai ngờ nhiều người đến đây mở chìa khóa kiểm tra tủ điện xong rồi bỏ đi cũng không có một lời nhắc nhở nào”. Đây chính là lý do mà những người chiếm dụng tủ điện cao áp kiên trì bám trụ “căn cứ địa” nguy hiểm nhưng lại vô cùng yên ổn. Bà Huệ cũng đã thừa nhận có lần tủ điện phát nổ may mà chưa có nguy hiểm xảy ra. Kể từ đó bà cũng cẩn thận hơn khi lại gần mấy “trái bom” điện đó.
Trên đường Điện Biên Phủ, P.7, Q.3 bên cạnh một xe nước giải khát là một người đàn ông chạy xe ôm. Hình ảnh thường thấy nhiều nhất là người đàn ông đặt chiếc ghế ngồi sát tủ điện to mà bất chấp cả sự nguy hiểm và lời cảnh báo đã gắn cả 4 phía. Bên cạnh là một vài chiếc xe máy cũng dựng sát tủ điện cao áp mà không hề nghĩ tới hậu quả khi sự cố có thể xảy ra. “Tôi cũng thấy biển báo nguy hiểm của tủ điện nhưng thấy nhiều người ngồi uống nước không sao nên tôi cũng mượn ghế ra đây ngồi nghỉ, riết rồi cũng quen” – người chạy xe ôm phân trần. An toàn về điện là trách nhiệm của mọi người chứ không riêng gì ngành điện. Thế nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp vi phạm về an toàn hành lang lưới điện mà hậu quả để lại vô cùng nguy hiểm.
Theo ông Trần Văn Quý, muốn đảm bảo cho người không tiếp xúc với đường dây và trạm cao áp, phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người đến đường dây tải điện hoặc các bộ phận dẫn điện từ 1 đến 1,5m.
Hoàng Anh
Bình luận (0)