Không chỉ nhà tổ chức biểu diễn, nghệ sĩ Việt kiều mà cơ quan quản lý địa phương cũng khốn khổ
Một người trong giới tổ chức biểu diễn tại TP HCM nói rằng nếu là nghệ sĩ các nước đến trình diễn ở Việt Nam thì thủ tục xin phép rất đơn giản nhưng đụng đến nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) thì đủ thứ khó khăn. Không hiểu sao Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định UBND cấp tỉnh cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc địa phương mời vào biểu diễn nghệ thuật, còn với nghệ sĩ Việt kiều thì phải do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cấp phép, bất kể là ai mời, diễn ở đâu.
Mỗi lần diễn, một giấy phép
Hiện nay, Bộ VH-TT-DL đã cho phép nhiều nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về biểu diễn tại Việt Nam nhưng mỗi giấy phép thường có giá trị 6 tháng và tương ứng với đơn vị mời, đơn vị khác muốn tổ chức cho nghệ sĩ đó phải lập thủ tục xin phép một lần nữa, mặc dù giấy phép cấp trước đó vẫn còn giá trị.
Có trường hợp ca sĩ diễn chương trình nào là ban tổ chức chương trình đó lại phải làm hồ sơ xin phép dù trước đó vài ngày, Bộ VH-TT-DL đã cấp phép biểu diễn tại Việt Nam. Trường hợp của ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi là một ví dụ điển hình. Trước khi tham gia biểu diễn trong lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 19, ca sĩ Thanh Bùi được Bộ VH-TT-DL cấp phép biểu diễn tại Việt Nam để được tham gia trong chương trình Duyên dáng Việt Nam diễn ra 1 tuần trước đó. Thế nhưng, khi Ban Tổ chức Giải Mai Vàng mời anh hát trong chương trình trao giải, Sở VH-TT-DL TPHCM yêu cầu phải có giấy phép của Bộ VH-TT-DL cho phép Thanh Bùi biểu diễn tại Việt Nam thì cơ quan này mới cấp phép biểu diễn trong chương trình. Hóa ra, Thanh Bùi chỉ được cấp phép theo từng chương trình. Rõ ràng, 2 chương trình cách nhau chỉ có 1 tuần nhưng phải làm hồ sơ xin phép biểu diễn tại Việt Nam cho Thanh Bùi 2 lần .
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Công ty Giải trí Âm nhạc và Bước nhảy, than thở: “Những đơn vị lâu lâu mới làm một chương trình đã thấy khó khăn, chúng tôi làm chương trình thường xuyên thì khốn khổ đến mức nào. Muốn mời nghệ sĩ Việt kiều biểu diễn trong chương trình để tăng thêm chất lượng, nội dung mới lạ nhưng quy định, thủ tục quá phức tạp”. Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio Video, bức xúc: “Nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn, thủ tục khá đơn giản nhưng sao nghệ sĩ Việt kiều về Việt Nam biểu diễn thì thủ tục lại quá rườm rà. Chúng tôi mời ca sĩ đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cấp giấy phép cách đây vài ngày nhưng cũng phải làm lại giấy phép mới với lý do cục cấp cho đơn vị khác chứ không phải công ty chúng tôi. Tại sao cùng 1 ca sĩ mà lại bày vẽ ra 2 lần làm hồ sơ đi xin giấy phép rắc rối như vậy?”.
Không chỉ làm khổ đơn vị tổ chức, nghệ sĩ mà quy định trên còn làm khổ cơ quan chức năng. Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP HCM, cho biết tại TP có rất nhiều công ty, địa điểm biểu diễn, phòng trà… Một nghệ sĩ có thể biểu diễn xoay vòng nhiều nơi trong một đêm, những trường hợp này thì sở bị lúng túng. “Cục NTBD còn có nhiều công việc khác để làm chứ đâu phải chỉ nhiệm vụ ngồi cấp phép. Nếu căn cứ theo quy định này thì e rằng cục mất quá nhiều thời gian cho việc không cần thiết”- ông Nguyễn Thanh Phú nói.
Rắc rối ca khúc “ngoại”
Thực tế, nhạc sĩ Việt kiều có số lượng tác phẩm đóng góp cho âm nhạc Việt Nam rất lớn trong những năm gần đây, được công chúng đón nhận và yêu thích như Thanh Bùi, Dương Khắc Linh… Tuy nhiên, theo quy định, tác phẩm âm nhạc của Việt kiều không được sử dụng nếu chưa được Bộ VH-TT-DL cấp phép phổ biến. Điều này khiến nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn gặp khó khăn khi sử dụng những bài hát của tác giả là Việt kiều. Một nhà tổ chức biểu diễn nói: “Tôi không hiểu tại sao việc cấp phép cho các nhạc sĩ Việt kiều lại hạn chế như vậy. Có những bài hát đã phổ biến trên các trang mạng âm nhạc hợp pháp, trên các chương trình ca nhạc truyền hình nhưng khi làm hồ sơ duyệt chương trình biểu diễn sân khấu thì lại bị loại ra ngoài giấy phép công diễn vì chưa có trong danh mục bài hát được Bộ VH-TT-DL cấp phép phổ biến”.
Nếu là tác giả trong nước, chỉ cần có bản nhạc giấy trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn là xong nhưng nếu tác giả là Việt kiều như Thanh Bùi, Dương Khắc Linh thì đều bị cơ quan cấp phép công diễn đòi hỏi phải có quyết định cho phép phổ biến của Bộ VH-TT-DL.
“Khốn khổ nhất là các đơn vị tổ chức biểu diễn, khi thấy ca khúc đã trình diễn trên các đài truyền hình là cứ nghĩ bài hát đã được phép phổ biến, đến khi làm hồ sơ xin giấy phép công diễn mới biết ca khúc chưa có trong danh mục cho phép của Bộ VH-TT-DL. Giữ lại không được, bỏ không xong vì mọi thứ đã đâu vào đó” – một nhà tổ chức biểu diễn bức xúc.
Cần quy định thông thoáng hơn
Theo nghệ sĩ Hoài Linh, anh không biết đến nay mình đã được các công ty biểu diễn làm bao nhiêu bộ hồ sơ xin phép như vậy rồi. Quy định 6 tháng xin lại giấy phép một lần cũng khiến nhiều nghệ sĩ không biểu diễn được chỉ vì giấy phép hết hạn mà chưa kịp làm lại.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh thừa nhận: “Khi cấp phép những ca khúc của tôi, Bộ VH-TT-DL phải xem xét nhiều mặt, không chỉ là nội dung bài hát mà còn cả nhân thân. Vì thế, thủ tục cấp phép rất phức tạp so với nhạc sĩ trong nước”. Theo ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi, dù biết là phải gặp khó khăn về thủ tục hành chánh trong việc phổ biến tác phẩm nhưng quy định của Bộ VH-TT-DL như vậy thì anh cũng phải chấp hành chứ chẳng biết làm sao.
Ông Nguyễn Kiều Linh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ VH-TT-DL, cho rằng các quy định không nên siết chặt mà cần thông thoáng hơn, đỡ làm khổ cơ quan nhà nước lại tạo điều kiện cho công ty biểu diễn và nghệ sĩ Việt kiều.
Theo NLĐ
Bình luận (0)