Trong khi vội vàng quyết định thuyên chuyển cô Dung vì một tin đồn vô căn cứ, Sở GD-ĐT Quảng Trị lại có một quyết định khó hiểu không kém là cất nhắc một cán bộ đang bị điều tra tài chính lên chức Chánh thanh tra Sở.
Điều chuyển cô Dung vì lý do “nhạy cảm”!?
Ngày 3/9/2008, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị ra quyết định số 179/QĐ-GD&ĐT, điều động luân chuyển cô Nguyễn Thị Phương Dung từ trường THPT Cam Lộ về TT GDTX huyện Cam Lộ. Việc luân chuyển viên chức trong ngành thuộc thẩm quyền của Sở. Tuy nhiên, quyết định luân chuyển với cô Dung tạo ra nhiều dấu hỏi bởi năm nay cô Dung đã 49 tuổi, đã dạy ở 3 trường trong đó từng xung phong đi dạy ở trường “vừa học vừa làm” Tân Lâm tới 11 năm và đang là một cốt cán trong trường.
Về việc này, ông Hoàng Đức Thắm – Phó Giám đốc Sở cho rằng việc điều chuyển cô Dung là để “tăng cường lực lượng” cho TT GDTX. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, hiện TT GDTX chỉ có 4 lớp học với số lượng học sinh và số tiết dạy ít ỏi. Hơn nữa, không hiểu việc “tăng cường” này có ý nghĩa như thế nào, nhưng người được chuyển về thay thế cô Dung cũng là một giáo viên trẻ, dạy môn Sử ở… TT GDTX.
Ông Lê Trường Sơn – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cho biết: hầu hết những người được điều chuyển là cán bộ quản lý. Trong số ít các giáo viên, ngoài cô Dung là người đã cao tuổi, những người còn lại đều mới ra trường vài năm trở lại đây.
Để tăng thêm tính thuyết phục cho quyết định của Sở, ông Sơn “tiết lộ” một tin đồn rằng giữa cô Dung và thầy hiệu trưởng của trường THPT Cam Lộ có mối quan hệ “nhạy cảm” nên Sở phải điều chuyển cô Dung như một biện pháp để tháo gỡ và ngăn chặn từ xa. Ông Sơn cho rằng, nguồn dư luận này xuất phát từ học sinh trong trường, nên nếu để kéo dài thì không có lợi.
PV Dân trí đã tìm hiểu và được biết, “dư luận” này xuất phát từ một tờ rơi được tung đến một số trường trên địa bàn. Nội dung tờ rơi này nhắc đến những chuyện “tế nhị” của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý trong trường. Trong tờ rơi nhằng nhịt lỗi chính tả sở đẳng này có đoạn ghi “ông D. quản lý bà Dung tại trường”. Không hề che giấu thông tin này, cô Dung cho biết: “Tôi không bình luận về một chuyện không thể xảy ra, nhưng chắc chắn đó không phải là dư luận của học sinh, mà từ những người ác ý đang muốn đẩy tôi đi”.
Một lý do khác mà Sở này đưa ra là một giáo viên gắn bó lâu năm ở một môi trường giáo dục sẽ mất đi tính sáng tạo trong dạy học. Nói như vậy có thể hiểu, hàng nghìn giáo viên ở tỉnh Quảng Trị và hàng chục nghìn giáo viên toàn quốc đều đánh mất tính sáng tạo chỉ vì đã cao tuổi và không luân chuyển? Hơn nữa, không biết cô Dung có “mất tính sáng tạo” hay không, bởi chỉ hơn 1 tháng trước ngày bị điều chuyển công tác, cô còn nhận được giấy khen do chính ông Giám đốc sở ký vì đã đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2007-2008.
Quyết định “thiếu cân nhắc”, vi phạm Pháp luật công đoàn?
Quyết định này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Ông Nguyễn Ngọc Châu – Bí thư huyện ủy Cam Lộ cho biết, việc ra quyết định này là “thiếu cân nhắc” bởi “cô Dung là Phó bí thư chi bộ trực thuộc, nên nếu đúng quy trình thì trường cần phải báo cáo với Thường vụ huyện ủy về dự kiến điều chuyển, nhưng ở đây sau khi có quyết định của Sở thì trường mới có báo cáo bằng văn bản”.
Mặt khác, ông Châu cho rằng: Nội bộ trường THPT Cam Lộ có nhiều biểu hiện mất đoàn kết, cần những người Đảng viên gương mẫu, tích cực đấu tranh xây dựng như cô Dung. Ông Hoàng Đức Dục – một giáo viên ngoại tỉnh hiện đang giữ chức vụ Hiệu trưởng trường THPT Cam Lộ mặc dù rất dè dặt, cũng cho biết: “Cô Dung là người tận tâm, tận lực, Nhà trường cần những giáo viên như cô Dung”.
Một điều “lạ” trong công văn của Sở này gửi tới huyện ủy Cam Lộ là tờ công văn ghi số 483/CV.GD&ĐT lưu tại VP huyện ủy được ký ngày 28/8/2008. Trong khi ở Sở GD-ĐT, sau buổi làm việc, phóng viên phải đợi gần 30 phút mới có được một bản photocopy công văn số 483, có nội dung y hệt công văn ở huyện ủy nhưng lại nhòe nhoẹt và được ký ngày… 5/9. Khi được đề nghị xem bản gốc thông báo, ông Sơn lấy lý do nhân viên văn phòng đi vắng để từ chối.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch BCH Công đoàn ngành giáo dục Quảng Trị thì khi ra quyết định điều chuyển cô Dung, Sở GD-ĐT đã không hề thỏa thuận với Công đoàn ngành theo pháp luật về Công đoàn và những qui định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về quyết định buộc thôi việc, cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và thuyên chuyển công tác đối với Chủ tịch BCH Công đoàn trực thuộc.
Mặc dù lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị luôn cho rằng đó là một quyết định hoàn toàn bình thường, có lý có tình, nhưng không hiểu vì sao một quyết định liên quan đến một người đã gần trọn đời nghề cống hiến lại được đưa ra vội vàng, qua quýt và “dẫm đạp” lên nguyên tắc như vậy.
Cần nói thêm, trường THPT Cam Lộ thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, điển hình là vụ cháy trường nhiều nghi vấn năm 2006 (đến nay Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vẫn tiếp tục điều tra), vụ sai phạm tài chính của ông Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng (nay được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra Sở) và một vụ thanh tra theo đơn tố cáo đã kết luận đa phần các nội dung tố cáo là sai sự thật nhưng người tố cáo vẫn không can hệ gì.
Cô Dung với vai trò là Phó bí thư chi bộ và Chủ tịch công đoàn trường đã nhiều lần phê bình, góp ý trong các chuyện “lình xình” giữa cá nhân các giáo viên trong trường, trong đó có cả cô N. là bà con với một lãnh đạo Sở và cô L., người có tên trong Thông báo và kiến nghị số 189/CV/PC15 ngày 2/10/2007 của Công an tỉnh Quảng Trị trong vụ sai phạm về tài chính của Hiệu trưởng và một số cán bộ của trường (trong đó có ghi cô L. dùng tiền của hội phụ huynh trả tiền taxi cho ông Dũng đi Huế cấp cứu 2 lần)!
Sở GD-ĐT Quảng Trị có bao che cán bộ sai phạm? Trong khi điều tra vụ cháy trường ngày 2/4/2006, Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm trong quản lý và thu chi tài chính của ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Cam Lộ vừa được UBND tỉnh điều động về làm Thanh tra Sở ngày 10/3. Tuy nhiên, trong khi đang bị điều tra tài chính thì ngày 29/5 ông Dũng tiếp tục được cất nhắc làm Chánh thanh tra Sở. Sau hơn 1 năm điều tra, Công an tỉnh đã phanh phui những sai phạm của ông và bè cánh khi còn là Hiệu trưởng trường THPT Cam Lộ với số tiền bị chi sai lên tới hàng chục triệu đồng. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, công an tỉnh đã gửi Thông báo và kiến nghị tới Sở GD-ĐT đề nghị xử lý cán bộ và trả lời trước 25/11/2007. Tuy nhiên, cho đến ngày 25/3/2008 Sở này mới tiến hành kỷ luật khiển trách ông Dũng nhưng cuộc họp Hội đồng kỷ luật diễn ra lúc nào, gồm những ai thì ông Chủ tịch BCH Công đoàn ngành (theo nguyên tắc là Phó Chủ tịch Hội đồng) cũng không hay biết. Cùng vụ việc, bà Lê Thị Lan (thủ quỹ) dù đã được trường Cam Lộ đề xuất mức cảnh cáo toàn ngành, đến nay vẫn vô sự. |
Hồng Kỹ (dantri.com.vn)
Bình luận (0)