Lễ cưới tập thể 2009 vừa ý nghĩa, vừa tiết kiệm. Ảnh: K.N |
Khác xa với tiệc cưới rình rang của “người nhà giàu”, đám cưới dành cho anh chị em công nhân tại các khu công nghiệp của thành phố luôn đơn giản, gọn nhẹ. Nghi thức cho buổi lễ giản đơn nhưng không kém phần ấm cúng, và những phần “râu ria” sẽ được cắt gọn để tiết kiệm chi phí tối đa.
Đám cưới theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”
Dạo quanh một vòng Khu công nghiệp Linh Xuân, Sóng Thần, đoạn dọc quốc lộ 1A ngược lên cầu vượt Sóng Thần, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tiệc cưới được tổ chức vào dịp cuối tuần. Các tiệc cưới ở đây không cầu kỳ hay ồn ào náo nhiệt như ở nội thành nhưng vẫn rất ấm cúng và đông vui. Dù không gian không rộng, nhưng mỗi tiệc cưới vẫn có một sân khấu nhỏ để rước cô dâu chú rể ra chào quan khách và thân sinh hai họ. Khuôn viên đãi tiệc chỉ độ từ 10-17 bàn, thậm chí có nơi chỉ đủ bày tiệc dưới 10 bàn. Tất nhiên, chi phí cho mỗi tiệc cưới như thế này là rất thấp, chỉ từ 18-25 triệu đồng. Khách của những tiệc cưới khu vực này đa số đều là công nhân xa nhà, nên việc tổ chức tiệc như vậy là phù hợp và tiết kiệm. Để thu hút các đôi uyên ương, nhiều nhà hàng đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi như tặng bánh cưới, tặng một tấm hình khổ 25×35, tặng một dàn nhạc cho tiệc trên 15 mâm thay vì phải thuê với giá 500.000-600.000đ. Những tiệc đặt trên 10 mâm thường được khuyến mãi người dẫn chương trình và rượu champagne. Điều đặc biệt là các đôi uyên ương chỉ cần đặt cọc từ 500.000đ – 1 triệu đồng là có thể tổ chức một tiệc cưới. Riêng với các khoản dịch vụ, đa số các đôi đều chọn cho mình hình thức tổ chức với giá càng rẻ càng tốt nhằm giảm bớt chi phí trong ngày đại tiệc. Chú rể tương lai Văn Tuấn (khu vực Sóng Thần) tâm sự: “Biết là trăm năm mới có một ngày, cũng muốn làm cho đình đám, nhưng chúng tôi đều là công nhân xa nhà, mọi thứ chi tiêu phải tự quyết định, nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Đâu phải chỉ cưới nhau là xong, mà còn cuộc sống sau này nữa chứ anh”. Như để chứng minh cho lời nói của mình, anh Tuấn ngượng ngùng cầm thực đơn đặt tiệc cho mình vào giữa tháng 11 năm nay với sự lựa chọn thực đơn tiệc rẻ nhất cho chúng tôi xem. Để chuẩn bị cho ngày trọng đại của đời mình, nhiều cô dâu, chú rể đã phải tích cóp suốt nhiều năm liền chưa chắc đã đủ. Vì thế, họ phải hạn chế chi phí đến mức thấp nhất mới đủ tiền thuê áo cưới, xe hoa và một vài dịch vụ cần thiết.
Lễ cưới tập thể: văn minh, tiết kiệm
Vì chi phí cho một đám cưới dù rẻ đến mức nào cũng rất tốn kém bởi có hàng trăm thứ linh tinh khác phát sinh trong “ngày đại hỷ”, trong khi thu nhập chẳng được bao nhiêu nên nhiều đôi uyên ương không chỉ lo giảm bớt tối đa tiền cưới mà còn phải tính sao cho không bị dư mâm. Chị Thu Nga (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần) cho biết: “Lúc chuẩn bị lễ cưới, ngoài chuyện phải tính toán thế nào để ít tốn kém nhất, chúng tôi đã rất đau đầu khi lên danh sách số khách để dự trù đặt mâm. Bởi nếu không chi li thì lâm vào tình trạng thừa mâm rất lãng phí, mà lỡ thiếu mâm lại ê cả mặt”. Chị Nga tính nhẩm, một mâm 12 người, mỗi người ít nhất cũng mừng 100 ngàn đồng, trong khi đó chi phí cho mỗi mâm (gồm cả tiền nước và bia) chi gần 1 triệu đồng. Nếu mâm đủ người thì trừ tiền nhà hàng, hai anh chị còn dư một chút để đắp vào các khoản khác. Đó là chưa kể họ hàng hai bên ở ngoài quê vào, còn tốn tiền xe, tiền đi lại.
Với mục đích hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên công nhân thành phố, góp phần mang lại hạnh phúc cho các bạn thanh niên và vận động nếp sống văn hóa trong tổ chức lễ cưới văn minh, tiết kiệm. Đây là năm thứ 3, Thành đoàn TP.HCM tổ chức chương trình lễ cưới tập thể cho anh chị em công nhân. Tham gia chương trình, mỗi đôi uyên ương được Ban thường vụ Thành đoàn trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, được Ban tổ chức hỗ trợ toàn bộ về trang điểm, trang phục, xe hoa, thiệp cưới, quay phim, được tặng quà, nữ trang và ít nhất 3 bàn tiệc. Được biết đến thời điểm này, đã có 6 đôi chính thức, (còn 4 đôi chưa nộp hồ sơ) đăng ký tham gia lễ cưới tập thể được tổ chức vào 10-10-2010.
Nguyên Hải
Kỳ cuối: Sau “ngày đại hỷ”
Ông Huỳnh Ngô Tịnh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân chia sẻ: “Đám cưới tập thể cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn là một hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực, nhằm hỗ trợ những thanh niên công nhân không có điều kiện tổ chức ngày đại lễ của mình. Đồng thời, chương trình này còn góp phần tuyên truyền nếp sống văn hóa trong việc tổ chức lễ cưới văn minh tiết kiệm được xã hội đánh giá cao. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để nhân rộng chương trình ý nghĩa này”. |
Bình luận (0)