Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những sắc màu mùa cưới: Kỳ cuối: Sau “ngày đại hỷ”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều dịch vụ làm cho đám cưới hoành tráng (ảnh minh họa)

Dù kinh tế không cho phép nhưng vì tâm lý “cưới phải cho ra cưới” nên nhiều đôi bạn trẻ đã “cắn răng” tổ chức tiệc cưới thật rình rang để sau ngày đại hỷ, biết bao chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra.
Cưới xong phải lo trả nợ
Đều là dân nhập cư đến Sài Gòn, Trinh làm trong một xưởng may, còn Hùng là thợ mộc. Ở chung khu nhà trọ, lại là đồng hương nên hai người rất hợp cạ. Sau hai năm tìm hiểu, đôi bạn trẻ thống nhất thuê chung một phòng trọ để dành tiền tổ chức đám cưới. Và chỉ nửa năm sau, bạn bè đều nhận được thiệp hồng. Trước ngày hoạch định tiệc cưới, chú rể Hùng đã lên danh sách hàng chục nhà hàng cho vợ sắp cưới tha hồ lựa chọn mà vẫn không biết chọn nơi nào cho thật xứng tầm. Bởi theo Trinh “Đời người chỉ có một lần, tốn mấy, khó mấy cũng ráng cho thật ấn tượng với bạn bè, gia đình đôi bên”. Và cuối cùng, đám cưới của họ được tổ chức tại một nhà hàng rất sang trọng ở quận Bình Thạnh. Thế nhưng, mới cưới xong được một tháng, tình cảm của đôi vợ chồng trẻ đã bắt đầu “rạn nứt” do phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền trả nợ.
Vì khách mời dự tiệc đa phần là công nhân nên tiền mừng thiệp không đủ trả cho nhà hàng. Trinh đành phải bán sạch vòng vàng để bù lỗ tiền tiệc cưới nhưng chẳng thấm thía vào đâu. Đôi vợ chồng son suốt ngày phải “ở ẩn” vì sợ người thân, bạn bè đòi nợ. Một hôm, quá mệt vì phải đi làm về muộn, Hùng bực mình khi thấy Trinh cầm chiếc đĩa DVD đám cưới lật tới lật lui với vẻ mặt tiếc nuối vì không còn đầu máy, ti vi để xem. Lời qua tiếng lại, hai bên cãi nhau khiến cả khu trọ xôn xao. Người thì động viên an ủi, kẻ lại nói khía: “Đã không có còn bày đặt chơi sang. Đám cưới đã đãi cho lớn, ở tận Sài Gòn, còn thu hình, ghi đĩa, làm album, cô dâu mặc bốn năm váy cưới. Giờ không kiếm nổi tiền trả nợ thì đâm ra cãi nhau làm ảnh hưởng đến người khác”. Chán nản, Hùng bỏ đi, để lại cô vợ trẻ nức nở: “Tại ảnh cứ đòi đám cưới cho rình rang, giờ thiếu nợ gần 20 triệu đồng. Làm không đủ tiền trả nợ cho người ta rồi nổi cáu… làm như có mình em cưới không bằng!”.
Gần một năm trước, Hiền vừa tốt nghiệp Trường CĐ Hải quan, dù chưa có việc làm, nhưng do yêu và sợ mất Tuấn (chuẩn bị tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế), Hiền quyết định “kết thúc” mối tình đầu bằng một đám cưới. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu Hiền và Tuấn biết “liệu cơm gắp mắm”, đằng này cả hai đều thích chơi trội: Rước dâu thuê xe Mercedes, đặt trước tiền tiệc tại Đệ Nhất khách sạn, tiền lễ hỏi 2 cây vàng, tiền thuê ban nhạc sống… Cưới xong, chị Hai của Tuấn lôi chuyện tiền bạc ra tính toán. Sau khi được gia đình hai bên cho tiền trả nợ, đôi vợ chồng trẻ vẫn còn nợ gần 30 triệu đồng, trong đó có 15 triệu đồng phải tính lãi.
Những chuyện cười ra nước mắt
Với nhiều gia đình, đám cưới là việc rất hệ trọng của đời người, vì thế không phải cứ cưới cho xong mà phải theo đúng lễ nghĩa. Chú rể Thái Hà, như vừa vượt qua cơn bạo bệnh sau ngày cưới, kể lại: “Gia đình tôi bảo mọi thứ phải thực hiện theo kế hoạch đã định, ngày làm lễ tân hôn được tiến hành vào đầu tháng 8 âm lịch, lễ hỏi và cưới làm chung nên phát sinh trăm thứ việc. Bên nhà vợ thì đòi phải rước dâu đúng giờ, không được sai một phút. Khổ nỗi, gia đình hai bên cách nhau cả mấy trăm km. Dù chúng tôi có cố gắng giảm nhiều thủ tục nhưng mọi việc cứ phải diễn ra theo đúng trình tự khiến cô dâu chú rể cứ như diễn viên sợ quên lời thoại”. Anh Hà ở Đồng Nai, cô vợ quê tận Tiền Giang, nhà gái quy định phải rước dâu đúng 4h sáng, trong khi nhà trai lại tổ chức tiệc vào 12h trưa hôm đó. Để cho kịp giờ, chú rể cùng “đoàn tùy tùng” phải thuê xe xuống nhà gái trước một đêm, thuê nhà trọ gần nhà ngủ lại. Đúng 3h30 sáng, cả đoàn tùy tùng gồm “đội ngũ” bưng mâm, đại diện nhà trai cùng chú rể phải lọ mọ thức dậy chỉnh trang quần áo rồi sang nhà gái xin rước dâu. Nghi thức rước dâu xong, mọi người vội vàng lên xe phóng thẳng về Đồng Nai cho kịp giờ ngọ. Khốn nỗi đường xa lại còn kẹt xe nên đoàn rước dâu về đến nơi đã hơn một giờ chiều. Tại nhà trai, nhiều người nóng ruột nên đã nhập tiệc, ăn uống say mèm. Trời lại mưa, sấm chớp đùng đùng, cỗ bàn ướt nhẹp, nước chảy ròng ròng, khách khứa nhốn nháo: kẻ đứng, người ngồi, kẻ đội nón, người che ô đi về. Chưa hết kinh hoàng, một tuần sau, đôi vợ chồng trẻ lại phải “diễn vai” một lần nữa ở đám tiệc chiêu đãi bạn bè, đồng nghiệp tại thành phố. Kết thúc ngày vui với 3 đám tiệc ở 3 địa điểm khác nhau, cô dâu chú rể không còn sức đâu nghĩ đến chuyện tuần trăng mật.
Chuyện của vợ chồng anh Vương (Q.Tân Phú) cũng tréo ngoe không kém. Sau ngày cưới, ngồi xem lại băng hình đám tiệc của mình, anh Vương mới phát hiện chữ song hỷ trên tường bị dán ngược. Thế là anh phải mang ra tiệm để tẩy xóa sai sót cho “dấu ấn” kỷ niệm được trọn vẹn. Không riêng gì anh Vương, mà còn rất nhiều tân lang tân nương phải cười… ra nước mắt trong ngày vui của mình.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Một cán bộ Hội phụ nữ nhận xét: “Không hiểu sao nhiều gia đình thừa biết là không có điều kiện nhưng cứ thích vay tiền làm đám cho con thật lớn để sau đó phải lo trả nợ. Cưới là việc hệ trọng của đời người, nó mang ý nghĩa thiêng liêng. Theo truyền thống, chuyện cưới xin không còn là chuyện của hai người mà được xem là sự kiện của cả dòng tộc, cộng đồng”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)