Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những sai lầm khi điều trị hen

Tạp Chí Giáo Dục

Quên tái khám, tự mua thuốc điều trị, chỉ dùng thuốc khi có cơn khó thở… là những sai lầm phổ biến ở bệnh nhân hen. Sai lầm có thể dẫn đến những cơn hen kịch phát nguy hiểm cho tính mạng.
Bệnh nhân hen cần tái khám đúng lịch hẹn và theo dõi bệnh sát sao - Ảnh: Shutterstock

Bệnh nhân hen cần tái khám đúng lịch hẹn và theo dõi bệnh sát sao
 – Ảnh: Shutterstock

PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm dị ứng – miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra một số sai lầm thường gặp ở bệnh nhân hen:
Dùng thuốc không đúng chỉ định
Khoảng 70% bệnh nhân hen sử dụng thuốc chưa đúng. Bệnh nhân thường chỉ dùng thuốc dự phòng đầy đủ cho đến hết giai đoạn khó thở, sau đó tự ý ngưng thuốc. Trong khi đó, thuốc dự phòng cơn hen cần được sử dụng thường xuyên, duy trì, ngày nào cũng phải dùng, đúng như chỉ định của bác sĩ.
Tìm thuốc rẻ, nhanh khỏi bệnh
Sai lầm rất thường gặp ở bệnh nhân hen là tìm thuốc để khỏi hen nhanh chóng, chi phí thấp. Nghiêm trọng nhất là tình trạng lạm dụng thuốc corticoid (thuốc dùng đường uống, thuốc tiêm hoặc thuốc y học cổ truyền bị lén bỏ tân dược).
Đáng lưu ý, rất nhiều bệnh nhân tiêm thuốc có thành phần là corticoid để “chữa” hen đã bị tai biến nặng. Chỉ một liều tiêm, triệu chứng hen có thể biến mất trong cả tháng, thậm chí bệnh nhân thấy dễ chịu trong vài ba tháng với chi phí chỉ vài chục ngàn đồng cho mỗi mũi tiêm. Tuy nhiên, hậu quả của loại thuốc tiêm này rất ghê gớm bởi có thể gây cao huyết áp, loãng xương, đái tháo đường.
Chuyển nơi ở để… khỏi hen hoàn toàn
Sự thật là nhiều bệnh nhân có bệnh hen từ miền Bắc vào Nam sinh sống thấy dễ chịu hơn, hết khó thở. Về bản chất, chưa thể khẳng định các bệnh nhân đó khỏi bệnh hen mà là giảm các cơn hen, giảm co thắt khó thở do cách ly khỏi các tác nhân kích thích. Bởi vậy bệnh nhân không nên chủ quan, cần được kiểm tra, tư vấn sức khỏe bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Không tái khám
Trong đợt điều trị hen, ước chỉ có khoảng 20 – 30% bệnh nhân tái khám lần một theo hẹn và rất ít bệnh nhân tái khám lần hai, nói gì đến lần ba là vô cùng hiếm hoi.
Nguyên nhân do bệnh nhân chủ quan. Khi thấy dễ chịu thường trì hoãn tái khám, quên mất mình đang có bệnh cần phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt. Hoặc thấy đơn thuốc hiệu quả thì cứ tự ý duy trì, mua thuốc theo đơn cũ.
Trong khi đó, tái khám rất quan trọng bởi bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá tình trạng để điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp.

Liên Châu (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)